Hiện nay, trên thị trường xuất hiện rất nhiều sản phẩm có tên gọi là thực phẩm chức năng (TPCN). Nhiều loại được quảng cáo quá mức công dụng TPCN, không đúng với công bố, lừa dối người tiêu dùng (NTD) và thậm chí còn quảng cáo không phép nữa. Trong khi đó, sự quản lý của Nhà nước đối với các nhà sản xuất - kinh doanh TPCN vẫn còn nhiều bất cập. Vấn đề đặt ra là cần có biện pháp quản lý chặt chẽ cũng như có sự hướng dẫn cùng những khuyến cáo cần thiết để NTD không bị nhầm lẫn về công dụng của loại sản phẩm này, dẫn đến tiền mất tật mang.
Một sản phẩm TPCN
TPCN là gì?
Với đặc tính dễ sử dụng, có thể hỗ trợ chức năng cho các bộ phận trong cơ thể, có tác dụng dinh dưỡng, tăng cường sức đề kháng... do đó TPCN ngày càng chiếm được lòng tin của NTD. Tuy nhiên, lợi dụng tâm lý cả tin của không ít NTD, nhiều doanh nghiệp đã quảng cáo quá mức, thổi phồng lên công dụng của những sản phẩm này nhằm để thu lợi cho mình. Chính vì vậy, đã làm NTD ngộ nhận đây là thuốc chữa được bệnh một cách hiệu quả. Nhưng hầu hết, trên các loại sản phẩm này đều được ghi rõ là “sản phẩm không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”, nhưng không hiểu sao lại NTD rất tin vào những sản phẩm TPCN chữa bệnh rất hữu hiệu. Đánh vào tâm lý những NTD nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết, có không ít người thuyết trình trong các cuộc “hội thảo” và của nhân viên tiếp thị khi quảng cáo với NTD đã khiến nhiều người lầm tưởng rằng đó là một thứ thuốc chữa được bách bệnh. Và rồi, mặc dù rất đắt, người ta cũng cả tin và sẵn sàng bỏ tiền ra mua để cuối cùng dẫn đến hậu quả tiền mất tật mang.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Đạt, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, TPCN là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của các bộ phận trong cơ thể người, có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ gây bệnh. TPCN không dùng theo toa của bác sĩ. Vì vậy, để tránh tình trạng tiền mất tật mang, NTD nên mua TPCN tại các đại lý thuốc có uy tín. NTD không nên mua sản phẩm này theo lời quảng cáo, tiếp thị của hệ thống bán hàng đa cấp, dẫn đến dễ bị hướng dẫn sử dụng sai, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Quản lý - vấn đề bất cập?
Đến nay, đã có khoảng 1.000 công ty kinh doanh - sản xuất với 17.000 sản phẩm TPCN đang được lưu hành trên toàn quốc, riêng kênh bán hàng đa cấp thì có hơn 40 công ty với trên 700 nhà phân phối. Tận dụng vào nguồn dược thảo phong phú, quý có công dụng rất tốt cho sức khỏe và điều trị bệnh, các công ty dược lớn như: Domesco, Hậu Giang, Traphaco, Imexpharm... đã nhanh chóng cho ra đời nhiều sản phẩm TPCN, trong đó có nhiều sản phẩm hiệu quả, được thị trường đánh giá cao như Genecel, Nattospes, Nga phụ khang, Hoàng thống phong, Kidsmune....
Tuy nhiên, theo bác sĩ Đạt, trong vài năm trở lại đây, ở nước ta đã bùng nổ sản xuất nhiều loại TPCN từ nguyên liệu nhập khẩu và các nguyên liệu trong nước, do vậy đã nảy sinh một số vấn đề bất cập. Không những thế, một số nhà sản xuất - kinh doanh đã lợi dụng lòng tin của NTD, quảng cáo quá chức năng của loại thực phẩm này và bán với giá cắt cổ, nhất là hình thức bán hàng đa cấp đang bị nhiều người phản ánh. Trường hợp của một chị có chồng bị bệnh ung thư, vì cũng tin vào lời quảng cáo quá mức của TPCN, chị đã mua một lọ thuốc điều trị hơn 600.000 đồng. Trong khi đó, lọ thuốc này được bán tại đại lý thuốc tây chỉ hơn 100.000 đồng. Cũng chính vì kém hiểu biết, chị đã nghe lời quảng cáo của những người tiếp thị bán hàng đa cấp. Chị phải mất một số tiền kha khá để sở hữu lọ thuốc đó, nhưng bệnh tật của chồng chị thì không thuyên giảm mà bệnh ngày càng trở nặng thêm.
Cùng với giá thuốc leo thang, chiêu thức quảng bá của các công ty thì sự tụt hậu về hành lang pháp lý và nhận thức về TPCN của cơ quan quản lý cũng là vấn đề đáng quan tâm. Do vấn đề TPCN ở Việt Nam còn rất mới, mới cả về tên gọi, hình thức, phương thức, mới cả về quản lý. Vì vậy, mới từ năm 2000 đến năm 2004 chỉ có 3 văn bản thay thế nhau của Bộ Y tế để quản lý TPCN. Từ năm 2004 đến nay, không có thêm một văn bản nào ra đời nhằm quản lý mặt hàng này. Chính những sơ hở từ công tác quản lý đã tiếp tay cho nguồn TPCN nhái, kém chất lượng tràn lan trên thị trường, gây tổn thất và nguy hại đến sức khỏe NTD.
Chúng ta không thể phủ nhận hoàn toàn tác dụng của TPCN nhưng có một điều chắc chắn là giá cả cũng như công dụng của TPCN đang có mặt trên thị trường chưa được quản lý chặt chẽ, dẫn tới sự lạm dụng về nhiều mặt. Ngoài sự quản lý của cơ quan y tế, thì NTD cũng nên thận trọng hơn khi chọn mua các loại TPCN đang bán trên thị trường, tránh tình trạng tiền mất tật mang.
THOẠI PHƯƠNG