Thuốc điều trị COVID-19 sản xuất trong nước: Làm sao để dễ tiếp cận?

Cập nhật: 07-03-2022 | 17:06:25

Thuốc điều trị COVID-19 sản xuất trong nước chứa hoạt chất Molnupiravir. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã cấp phép lưu hành có điều kiện cho 3 loại thuốc điều trị COVID-19 sản xuất trong nước chứa hoạt chất Molnupiravir gồm: thuốc Molravir 400; thuốc Movinavir (Molnupiravir 200 mg) và thuốc Molnupiravir Stella 400mg (Molnupiravir 400 mg).

Việc bán thuốc kháng virus theo đơn bác sỹ kê là đúng, nhưng trong bối cảnh dịch COVID-19, nhiều ý kiến cho rằng quy định này gâykhó khăn, khiến nhiều người dân khó tiếp cận được với thuốc. Bởi đến nay, việc bác sỹ nào được quyền kê đơn này vẫn chưa có quy định cụ thể, còn nếu chờ giấy xác nhận F0 của địa phương thì đã muộn vì thuốc chỉ dùng trong những ngày đầu mắc COVID-19.

Vì vậy, nhiều người đã phải mua thuốc Molnupiravir ở “chợ đen” hay qua một số đầu mối, kênh bán hàng người quen hay mua trên mạng... với các mối quan hệ khác nhau.

Muôn nẻo đường để có thuốc

Chị Nguyễn Minh H. ở Cầu Giấy cho hay cả nhà chị mắc COVID-19 nhưng liên hệ với y tế phường thì không ai nghe máy. Sốt ruột, gia đình đành báo với Tổ trưởng tổ dân phố thì được hướng dẫn hiện nay y tế phường đang quá tải vì bệnh nhân F0 nhiều và hướng dẫn gia đình khai báo online qua Zalo.

Tuy nhiên, sau khi khai báo online gửi về số điện thoại Zalo phường cung cấp không thấy ai xác nhận cũng không có hướng dẫn cụ thể gì sau đó, chị H. vô cùng sốt ruột và lo lắng, bởi sợ người già bệnh tiến triển nặng, không kịp có thuốc kháng virus sớm... Vì thế, qua các đầu mối, chị đã liên hệ được mua thuốc Molnupiravir sản xuất trong nước từ một người bạn có mối bán thuốc với giá 350.000 đồng/hộp, cao gần 1,5 lần so với giá công bố. Tuy nhiên, để có thuốc cho người nhà uống sớm trong 2-3 ngày đầu phát hiện bệnh nên chị H. vẫn chấp nhận.

Cùng cảnh ngộ với chị H., anh N.M.P ở Hoàng Mai Hà Nội cho hay người nhà anh chưa tiêm vaccine, khi mắc bệnh sẽ là đối tượng được ưu tiên mua thuốc, nhưng khi anh tới hiệu thuốc thì được yêu cầu phải có đơn thuốc của y tế phường. Khi anh cầm quyết định cách ly đến y tế phường thì lại được trả lời là phường không kê đơn, phải lên Trung tâm y tế thành phố. Trong khi đó, theo quy định của Bộ Y tế thì người bệnh là F0 phải cách ly y tế ở nhà.

“Quá nản với những thủ tục nhiêu khê, tôi đành nhờ người quen có mối mua ở hiệu thuốc quen được hộp thuốc với giá gấp đôi giá niêm yết là 450.000 đồng. Mà không cần đơn thuốc, chỉ cần nói nhà có người F0 đang cần thuốc uống sớm thì được ship đến tận nhà. Mình cần thuốc để điều trị cho sớm với người có nguy cơ, nên giá thuốc dù đắt hơn mà có ngay tôi cũng chấp nhận,” anh P. cho hay.

Anh P. cho rằng chỉ những người thật sự có nguy cơ mới cần sử dụng thuốc, bởi thuốc có nhiều tác dụng phụ, không ai dại gì mà tự ý mua về uống. Thế nhưng với các quy định hiện hành, nhiều người dân như anh P. hay chị H. đã rất khó khăn để tiếp cận được với thuốc điều trị theo đường chính ngạch... Đó là chưa kể, không phải ai cũng hiểu rõ các tác dụng phụ của thuốc để chỉ mua khi cần, mà còn có tâm lý mua để phòng. Chính vì vậy, việc này vô hình chung đã dẫn đến tình trạng tư thương nhập lậu thuốc trôi nổi, không rõ nguồn gốc về để bán cũng như nâng giá cao hòng kiếm lời.

Đề xuất cắt giảm các thủ tục

Thuốc Molnupiravir được Bộ Y tế khuyến cáo sử dụng sớm, trong vòng 5 ngày kể từ khi khởi phát triệu chứng hoặc có kết quả dương tính.

Hiện nay, số lượng bệnh nhân COVID-19 ngày càng tăng cao, đơn cử như tại Hà Nội mỗi ngày có thêm mới 30.000 bệnh nhân, tuy nhiên chủ yếu là các ca bệnh mức độ nhẹ, trung bình, được điều trị và cách ly tại nhà. Việc mua thuốc kháng virus điều trị COVID-19 phải có đơn thuốc do bác sỹ, y sỹ kê dẫn đến tình trạng quá tải cho hệ thống cũng như cán bộ y tế và nhiều bệnh nhân không sớm được tiếp cận với thuốc. Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng nên cắt giảm thủ tục để người bệnh có thể tiếp cận thuốc dễ dàng hơn.

Trước tình hình trên, vừa qua Bộ Y tế đã đề xuất Thủ tướng về điều chỉnh quy định cho phép người phụ trách chuyên môn về dược tại nhà thuốc, quầy thuốc được kê đơn cho bệnh nhân hoặc người mua thuốc điều trị COVID-19 Molnupiravir.

Bộ Y tế giải thích việc hiện có quy định chặt chẽ là do Molnupiravir là thuốc mới, cần tiếp tục theo dõi về chất lượng, hiệu quả, an toàn của thuốc trong quá trình lưu hành.

Đến nay, thuốc đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành có điều kiện trong 3 năm và phải kiểm soát chặt chẽ sau khi cấp phép. Người dân chỉ được sử dụng thuốc điều trị COVID-19 Molnupiravir khi có đơn thuốc của y bác sỹ. Việc tự ý sử dụng tiềm ẩn nhiều nguy cơ do các tác dụng không mong muốn của thuốc cũng như có thể tạo ra những chủng virus mới.

Để đảm bảo việc người bệnh dễ dàng tiếp cận với các thuốc kháng virus điều trị COVID-19 trong bối cảnh số ca mắc tăng cao, Bộ Y tế đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số nội dung về việc cấp phát thuốc. Cụ thể, đối với việc cấp phát thuốc điều trị miễn phí, có thể giao các địa phương, cơ sở y tế thực hiện mua sắm thuốc điều trị COVID-19 (trong đó có thuốc Molnupiravir đã được cấp phép lưu hành tại Việt Nam) theo quy định để đáp ứng kịp thời nhu cầu điều trị của đơn vị.

Trường hợp người dân tự mua thuốc, tự chi trả cho cơ sở được bán lẻ thuốc (nhà thuốc, hiệu thuốc) thì người phụ trách chuyên môn về dược tại nhà thuốc, quầy thuốc được phép kê đơn cho bệnh nhân hoặc người mua thuốc kháng virus.

Về quy định kê đơn cho người bệnh mắc COVID-19, Bộ Y tế nêu rõ: Phải có xác nhận từ cơ sở y tế (bao gồm cơ sở xét nghiệm, cơ sở khám chữa bệnh, trạm y tế) có dương tính với SARS-CoV-2 (kể cả xét nghiệm PCR hoặc xét nghiệm test nhanh). Người bệnh tự quay clip quá trình thực hiện test kháng thể tại nhà gửi cho người phụ trách tại nhà thuốc, quầy thuốc để chứng minh kết quả test dương tính.

Người phụ trách chuyên môn về dược tại cơ sở bán lẻ thuốc căn cứ vào kết quả xét nghiệm, xác định được ít nhất 1 nguy cơ chuyển nặng của bệnh nhân. Người mua thuốc hoặc bệnh nhân phải ký một bản cam kết, trong đó có các thông tin về người bệnh, ngày test, kết quả test, việc sử dụng thuốc theo mẫu (kèm theo), kèm 1 bản sao chứng minh thư/căn cước công dân của người bệnh.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ sở bán lẻ là nhà thuốc, quầy thuốc thực hiện việc bán thuốc, tổng hợp, báo cáo kết quả kinh doanh thuốc điều trị COVID-19 theo ngày trước 17h và gửi về cơ quan quản lý y tế địa phương (Trạm Y tế cấp xã/phường hoặc Trung tâm Y tế cấp quận/huyện).

Đề xuất này chỉ áp dụng đối với thuốc kháng virus điều trị COVID-19 dùng đường uống, tại các địa bàn có tình hình dịch bệnh tăng cao, hệ thống cơ sở y tế quả tải, không thể thực hiện hiệu quả việc kê đơn thuốc, bán thuốc theo đơn cho người bệnh theo quy định…

Giám đốc Sở Y tế tỉnh/thành phố căn cứ vào tình hình dịch bệnh và hệ thống cơ sở y tế trên địa bàn để quyết định việc áp dụng phương án cho phép người phụ trách chuyên môn về dược tại nhà thuốc, quầy thuốc được phép kê đơn cho bệnh nhân hoặc người mua thuốc kháng virus./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=936
Quay lên trên