Thuốc lá, tác hại khôn lường 

Cập nhật: 30-05-2015 | 09:52:22

Ngày 31-5 hàng năm được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chọn là Ngày Thế giới không thuốc lá. Mục đích mà WHO mong muốn trong ngày này là tạo ra và khuyến khích khoảng thời gian 24 tiếng không có khói thuốc lá trên toàn cầu. Tác hại khôn lường của thuốc lá đối với sức khỏe ai cũng nghe, cũng biết, nhưng để từ bỏ thuốc lá không phải ai cũng làm được…

 

Thuốc lá là nguyên nhân gây ra các bệnh liên quan đến phổi. Trong ảnh: Một bệnh nhân bị bệnh phổi điều trị tại BVĐK tỉnh

 

Theo chương trình phòng chống thuốc lá quốc gia, trong khói thuốc lá có chứa 7.000 chất độc hóa học, 70 chất gây ung thư, chất phụ gia (amoniac), các-bon mô nô-xít, nicotin (mỗi điếu thuốc chứa 1 - 3mg). Mỗi năm, trên thế giới có 6 triệu người chết do thuốc lá. Sử dụng thuốc lá gây tử vong cho 1/2 số người hút. Tỷ lệ hút thuốc lá có xu hướng giảm ở các nước phát triển và gia tăng ở các nước đang phát triển.

Nguyên nhân của nhiều bệnh nguy hiểm

Một trong những hậu quả đối với sức khỏe mà chúng ta ai cũng nghe nói đó là, hút thuốc lá có ảnh hưởng rất lớn đến chức năng phổi. Bác sĩ Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh cho biết, thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây nên bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Ước tính, cứ 5 người nghiện thuốc lá sẽ có 1 người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Bệnh là tình trạng viêm mãn tính đường thở. Đặc tính của bệnh là có sự cản trở luồng khí khi thở ra do tổn thương không có khả năng hồi phục hoàn toàn của các phế nang phổi. Ngoài ra, theo bác sĩ Bạch Tuyết, hút thuốc lá còn là nguyên nhân dẫn đến ung thư phổi, ung thư thanh quản, ung thư hầu, miệng…

Liên quan đến các bệnh tim mạch, các chuyên gia y tế đã chỉ ra rằng, hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân dẫn đến xơ vữa động mạch. Một nghiên cứu tại Hoa Kỳ chỉ ra rằng, so với nhóm không hút thuốc lá, nhóm đang hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao gấp 2,8 lần ở nam và 3,1 lần ở nữ. Hút thuốc lá còn dẫn đến bệnh mạch vành và chết đột ngột. So với người không hút thuốc, nguy cơ mắc bệnh mạch vành tăng lên 1,6 lần ở người đã từng hút thuốc, lên 3 lần ở người hút từ 1 -14 điếu/ngày và lên 5,5 lần ở người hút trên 14 điếu/ngày. Hút thuốc lá có thể tăng nguy cơ chết đột ngột do kết dính tiểu cầu, giải phóng những chất catecholamines gây ra huyết khối cấp tính và loạn nhịp tim.

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Bạch Tuyết còn khẳng định, hút thuốc lá còn liên quan đến các bệnh về đường hô hấp. Hút thuốc lá làm tăng số lần mắc bệnh và làm tình trạng nhiễm khuẩn nặng hơn. Nguy cơ mắc các bệnh hô hấp cấp tính ở người khỏe mạnh hút thuốc cao hơn người khỏe mạnh không hút thuốc từ 1,5 - 7 lần. Hút thuốc lá còn được chứng minh là nguyên nhân của các vấn đề hô hấp mãn tính, bao gồm: viêm phổi, làm hạn chế phát triển chức năng phổi ở trẻ em, làm tăng nguy cơ mắc bệnh và tử vong do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, làm giảm chức năng phổi ở trẻ sơ sinh khi mẹ hút thuốc trong quá trình mang thai.

Có thể phòng được

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hút thuốc lá thụ động còn nguy hiểm hơn hút thuốc lá chủ động. Hút thuốc lá thụ động là nói đến những người hít phải khói thuốc trong môi trường không khí. Khói tỏa ra từ đầu điếu thuốc chứa rất nhiều chất độc, cao gấp 21 lần so với khói thuốc thở ra. Chính người hút thuốc cũng bị ảnh hưởng nhiều hơn khi hít vào khói thuốc từ đầu thuốc đang cháy tỏa ra. Người không hút thuốc, nhưng làm việc thường xuyên trong môi trường có khói thuốc có thể hít vào lượng khói thuốc tương đương với việc hút 5 điếu thuốc/ngày. Một thống kê ở Mỹ cho thấy, ước tính, hút thuốc lá thụ động hàng năm gây ra 3.400 ca tử vong do ung thư phổi và từ 22.700 -69.700 ca tử vong vì bệnh tim.

Do đó, hút thuốc lá dù chủ động hay thụ động đều có ảnh hưởng rất nguy hiểm đến sức khỏe. Ở những gia đình có trẻ nhỏ và thai phụ, việc người lớn hút thuốc lá còn gây ảnh hưởng rất nhiều. Trẻ em hít phải khói thuốc lá thường xuyên dễ bị viêm nhiễm đường hô hấp nhiều hơn những trẻ không hít phải. Không những thế, hút thuốc lá thụ động còn được xem là một trong những nguyên nhân gây đột tử ở trẻ sơ sinh. Các thai phụ thường xuyên hít phải khói thuốc lá làm tăng 22% nguy cơ trẻ sinh nhẹ cân.

Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới. Tỷ lệ này chiếm 47,4% ở nam giới và 1,4% ở nữ giới. Điều đáng nói, xu hướng hút thuốc lá trong giới trẻ khá cao. Trong khi đó, thuốc lá được khẳng định là nguyên nhân gây ra gánh nặng tử vong và bệnh tật lớn thứ 2 tại Việt Nam và những gánh nặng về sức khỏe và kinh tế cho đất nước.

Thuốc lá là một trong những nguyên nhân tử vong hàng đầu, nhưng có thể phòng tránh được. Việc thực hiện môi trường không thuốc lá là một trong những biện pháp hữu hiệu để giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do thuốc lá gây ra. Việc tăng cường thực thi Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá cũng nhằm hướng đến mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Tuy nhiên, để thực hiện được các mục tiêu trên, ngoài vai trò của các cấp chính quyền, các đơn vị, tổ chức, ý thức người sử dụng thuốc lá rất quan trọng, bởi nếu họ không quyết tâm từ bỏ được thuốc lá thì những mục tiêu trên khó mà giảm được.

CẨM LÝ

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=908
Quay lên trên