Thương mại - dịch vụ giữ vững đà tăng trưởng

Cập nhật: 19-08-2023 | 08:25:55

Chương trình phát triển thương mại - dịch vụ của tỉnh đang nhận được sự hậu thuẫn tích cực từ việc triển khai các giải pháp đồng bộ, hiện đại gắn với chuyển đổi số toàn diện...

Hỗ trợ sản xuất, kinh doanh

Theo đánh giá của Sở Công thương, tháng 7-2023, cộng hưởng của việc giảm lãi suất ngân hàng, thuế, phí, đặc biệt là việc giảm 2% thuế VAT từ ngày 1-7-2023 đến hết năm 2023 đối với một số loại hàng hóa, dịch vụ có thuế suất 10%, góp phần giảm giá hàng hóa, dịch vụ, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo thêm việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó, lương cơ bản tăng kể từ đầu tháng 7 cũng là nhân tố kích thích nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Theo báo cáo, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7-2023 tăng 0,23% so với tháng trước, tăng 3,4% so cùng kỳ năm 2022, bình quân 7 tháng tăng 3,21% so với cùng kỳ. Có 8/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có chỉ số tăng như: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,69%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 1,42%; nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 3,09%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 2,46%... Chỉ số nhóm thuốc và dịch vụ y tế, bưu chính viễn thông tương đối ổn định.

Quầy hàng bình ổn thị trường tại siêu thị Aeon Bình Dương

Theo ông Nguyễn Phương Đông, Phó Cục trưởng phụ trách Cục QLTT tỉnh, ngành tăng cường công tác phối hợp với các ngành tiến hành kiểm tra, kiểm soát giá cả nhằm bình ổn thị trường. Các giải pháp kiềm chế lạm phát cũng được các ngành quan tâm, theo dõi sát diễn biến cung cầu hàng hóa, bảo đảm nguồn hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định.

Ông Võ Nhất Vũ, Giám đốc siêu thị GO Bình Dương, cho biết: “Bám sát chỉ đạo của ngành công thương về công tác bình ổn giá cả, đa dạng mặt hàng, giữ vững thị trường, siêu thị tăng cường nguồn hàng, ký kết số lượng lớn với các nhà cung cấp nhằm giảm giá thành sản phẩm, phát triển chuỗi cung ứng bền vững. Riêng nhóm hàng bình ổn thị trường năm 2023, chúng tôi cố gắng giữ giá thấp nhất bằng các chương trình khuyến mãi từ nhà cung cấp”.

Ước tính tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 7-2023 đạt 25.233 tỷ đồng, tăng 3% so với tháng trước, tăng 16% so với cùng kỳ. Lũy kế 7 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 174.820 tỷ đồng, tăng 12,4% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 120.346 tỷ đồng, chiếm 68,8%, tăng 14,1% so với cùng kỳ; doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành đạt 16.986 tỷ đồng, tăng 9,3% so với cùng kỳ.

Các đơn vị sản xuất cũng chủ động mở rộng hợp tác, tăng doanh số. Vừa qua, các đơn vị của tỉnh cũng tham gia cùng Hợp tác xã (HTX) thương mại - dịch vụ Đông Nam bộ tại Biên Hòa, Đồng Nai để trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm như nấm linh chi đỏ, hồng chi, bào tử nấm linh chi, đông trùng hạ thảo, rượu organic, rượu nấm linh chi nguyên khối. HTX thương mại - dịch vụ Đông Nam bộ hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ và du lịch. Các sản phẩm của HTX hiện phân phối đến người tiêu dùng tại Đồng Nai, Bình Dương, Bình Thuận… Theo kế hoạch, HTX sẽ mở rộng thêm thị trường tại TP.Hồ Chí Minh. Bên cạnh chất lượng sản phẩm, HTX cũng chú trọng đến việc nhận diện thương hiệu từ khâu thiết kế bao bì, nhãn mác với mục tiêu giúp khách hàng dễ dàng lựa chọn sản phẩm phù hợp với nhu cầu.

Đẩy mạnh thương mại điện tử

Theo bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai chiến lược phát triển thương mại nội địa tỉnh giai đoạn 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, xác định phát triển thương mại đồng bộ, đa dạng, hạ tầng thương mại được hiện đại hóa, số hóa trong quản lý, khai thác, vận hành; hạ tầng thiết yếu khu vực nông thôn được phát triển đầy đủ, phục vụ hiệu quả cho hoạt động kinh doanh và nhu cầu sinh hoạt của người dân.

Mới đây nhất, UBND tỉnh ban hành kế hoạch về phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh năm 2023. Với 5 mục đích và yêu cầu, kế hoạch được ban hành có 12 nhiệm vụ trọng tâm và 32 nhiệm vụ cụ thể được thực hiện trong năm 2023. Theo đó, Sở Công thương được giao 7/32 nhiệm vụ, như: Phối hợp với các hệ thống bán lẻ thương mại điện tử tổ chức các hội nghị, hội thảo nhằm thúc đẩy phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh; triển khai vận hành hiệu quả Sàn Thương mại điện tử Bình Dương, vận động, khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia các sàn thương mại điện tử; xây dựng kế hoạch triển khai mô hình và sử dụng các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt tại các cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ…

Trong thời gian tới, ngành công thương sẽ tổ chức các sự kiện thúc đẩy phát triển hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh và các sự kiện khác liên quan đến thúc đẩy thương mại điện tử; tổ chức các đoàn đi học tập, trau dồi kinh nghiệm về quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử; phối hợp kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử theo thẩm quyền, giám sát trực tuyến hoạt động thương mại điện tử.

TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên