Tiến độ thi công các công trình điện trên địa bàn tỉnh

Cập nhật: 03-04-2013 | 00:00:00

Bài 1: Thực hiện chậm và còn lãng phí!

Bài 2: Biết vượt khó sẽ không khó

Việc kéo dài thời gian thi công các công trình lưới điện không chỉ làm đội giá thành đầu tư lên cao, mà còn góp phần làm trầm trọng thêm nguy cơ thiếu điện phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Nguyên nhân chậm trễ được chủ đầu tư dẫn giải là do người dân thiếu hợp tác, không nhận tiền đền bù và đề nghị tỉnh có biện pháp hỗ trợ! Còn quan điểm của lãnh đạo tỉnh thì “đất đai gắn liền với cuộc sống của người dân; Nhà nước nên chọn việc khó dù có tốn kém hơn, nhưng bảo đảm cuộc sống người dân ổn định, để ai cũng được hưởng lợi từ công trình…”.

 Khó là do quy định!

Báo cáo của chủ đầu tư cho thấy trong số 5 công trình lưới điện cao áp do EVN làm chủ đầu tư đang được tiến hành xây dựng, công trình nào cũng chậm tiến độ so với dự kiến. Nguyên nhân theo EVN chỉ ra là do người dân thiếu hợp tác, không nhận tiền đền bù. Trong số đó còn có công trình đường dây 220kV Tân Định- Uyên Hưng, đoạn đi qua TP.Thủ Dầu Một vẫn chưa thi công được do Tổng Công ty Becamex IDC, đơn vị quản lý địa bàn “không tuân thủ thỏa thuận về hướng tuyến”. Từ đó chủ đầu tư kiến nghị: “UBND tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, vận động thuyết phục người dân về trách nhiệm bảo vệ an toàn công trình; ban hành văn bản chế tài, xử phạt nghiêm khắc hơn đối với các hành vi vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp, đặc biệt là các tuyến đường dây hiện hữu hoặc đã được đưa vào quy hoạch phát triển điện lực”.    Bình Dương hiện đứng đầu cả nước về diện tích đất hành lang lưới điện, chiếm tới 1,2% đất tự nhiên, tương đương 2.780 ha và đây đều là những vùng đất không thể trồng trọt hay sản xuất!

Để làm rõ những kiến nghị trên, đại diện Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia (EVN NPT), phân tích: “Chúng ta đã có quy hoạch lưới điện, dự án thi công công trình và đã làm hết cách. Biện pháp cuối cùng có thể là UBND tỉnh Bình Dương cần ra quyết định cưỡng chế hoặc kiểm kê bắt buộc theo quy định, hay là đưa lực lượng liên ngành đến hỗ trợ đơn vị thi công để công trình sớm đưa vào vận hành”.

Những nguyên nhân và yêu cầu mà chủ đầu tư nêu ra là không sai, bởi theo quy định của Nghị định 80 của Chính phủ thì mức hỗ trợ, đền bù tối đa đất hành lang lưới điện bằng 60 - 70% giá trị đất nông nghiệp, nên chủ đầu tư không thể nào làm khác và cũng không có nguồn nào để bổ sung vì hầu hết các công trình, dự án đều thực hiện bằng vốn vay của Ngân hàng Quốc tế (WB) hoặc vốn vay ODA.

Biết vượt khó sẽ không khó

Trước các đề xuất, kiến nghị của chủ đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung, lý giải: “Bình Dương nhiều năm qua đã thực hiện rất nhiều chương trình, dự án đền bù, giải tỏa quy mô lớn và đã gặt hái được nhiều thành quả tốt đẹp. Còn tại một số địa phương khác trong nước vẫn không tránh được những trục trặc trong giải tỏa, đền bù. Những trục trặc đó phần nào đã tác động vào suy nghĩ của người dân trong vấn đề đền bù, giải tỏa và đã xuất hiện khiếu nại, khiếu kiện, nên phải hết sức bình tĩnh trong lựa chọn giải pháp. Nếu chỉ liên quan đến một vài hộ dân thì ra quyết định cưỡng chế hay đưa lực lượng đến để bảo vệ thi công là quá dễ. Thực tế chúng ta còn vướng quá nhiều trường hợp, liên quan đến nhiều hộ  dân, doanh nghiệp mà dùng biện pháp cứng rắn thì hậu quả sẽ khôn lường! Luật quy định khó, nhưng không phải là hết cách, nếu chúng ta chịu khó đặt mình vào hoàn cảnh của dân, hiểu dân và tìm mọi cách có thể, thì dân sẽ đồng tình ủng hộ”.

“Becamex có được ngày hôm nay là nhờ công lao rất lớn của ngành điện. Không có điện sẽ không có Becamex hay Thành phố mới Bình Dương hôm nay. Do vậy, Becamex sẵn sàng đóng góp tất cả những gì có thể trước yêu cầu của ngành điện, như dùng vốn của doanh nghiệp để đầu tư thay thế trụ điện hình tháp sang trụ tròn đúng tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật; bàn giao đất xây dựng trạm biến áp… với tổng vốn đầu tư lên đến hàng trăm tỷ đồng. Thành phố mới Bình Dương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là thành phố văn minh, hiện đại. Tất cả đường dây điện trong thành phố này đều phải được ngầm hóa. Một lần nữa chúng tôi tha thiết yêu cầu ngành điện chấp thuận quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt; chấp thuận đề nghị của Bình Dương thông qua phương án ngầm hóa hoặc nắn tuyến để không làm hỏng quy hoạch”!

(Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Becamex IDC Phạm Ngọc Thuận)

Góp phần tìm ra giải pháp tháo gỡ ách tắc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Liêm, nói: “Tất cả chúng ta đều có nghĩa vụ tuân thủ và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, nhưng cũng phải nhìn nhận một thực tế: Nghị định 80 được ban hành từ năm 1993 đến nay có nhiều điểm không còn phù hợp. Ví dụ đất hành lang lưới điện khu vực miền núi, Tây nguyên mà đền bù cho dân bằng 60 - 70% giá trị đất nông nghiệp thì ai cũng muốn được đền bù. Nhưng ở Bình Dương, một tỉnh đang trên đà phát triển công nghiệp - dịch vụ - đô thị dẫn đầu cả nước; đất nông nghiệp còn lại rất ít, nhưng giá trị sản xuất thì khá cao nhờ người nông dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và đã  trồng cây công nghiệp dài ngày như cao su, với thu nhập cao gấp nhiều lần cây trồng khác. Trong khi đất phía dưới đường dây điện không thể trồng trọt, phải bỏ trống. Trường hợp này nếu cứng nhắc áp dụng luật thì phải có văn bản đề xuất Thủ tướng Chính phủ và chờ sửa nghị định sẽ quá lâu, nên phải tìm cách vận dụng mọi điều kiện có thể để làm sao người dân chấp nhận được”.

Và một trong những giải pháp để người dân chấp nhận đã được lãnh đạo tỉnh thông báo trực tiếp tại hội nghị, cụ thể như trại gà nằm dưới đường dây điện ở huyện Dầu Tiếng đã được UBND tỉnh giải quyết cho tồn tại, nhưng chủ trại gà phải bảo đảm an toàn theo quy định, thay vì phải đền bù với số tiền quá lớn. Đưa đoàn công tác ra tận hiện trường để tận mắt chứng kiến những vùng “đất chết” nằm dưới đường dây điện, cũng như hướng tuyến phải uốn nắn do UBND tỉnh đề xuất, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung nêu chủ trương: “Về nguyên tắc đất đã giao cho doanh nghiệp đầu tư, khu công nghiệp quản lý thì tỉnh không thể can thiệp. Nhưng với trường hợp này, để các bên đều có lợi, UBND tỉnh sẵn sàng chịu mọi phí tổn cho việc thu hồi đất để nắn tuyến, trong đó có liên quan đến 1 doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài. Những khó khăn đó UBND tỉnh xin nhận lãnh để công trình sớm hoàn thành, cuộc sống người dân được ổn định vì không bị ảnh hưởng bởi đền bù, giải tỏa và các tỉnh nằm trong tam giác phát triển có đủ nguồn điện để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội”.

Sau khi bàn bạc nhanh với đơn vị tư vấn thiết kế về việc nắn tuyến có ảnh hưởng đến công trình, ông Phạm Lê Thanh, Chủ tịch EVN đúc kết: “Không phải ngẫu nhiên mà lãnh đạo tỉnh mời đông đủ chúng ta đến đây và cũng không phải ngẫu nhiên mà cuộc họp hôm nay có đông đủ lãnh đạo các sở, ngành địa phương để bàn về việc chậm tiến độ. Đây chính là khó khăn, bức xúc cần tháo gỡ mà tỉnh Bình Dương đã nhìn thấy và trách nhiệm là của tất cả chúng ta. Bình Dương từng có những đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội và hôm nay một lần nữa chúng ta được chứng kiến thực tế về những cố gắng vượt khó của Bình Dương theo lời Bác dạy: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm; việc gì không có lợi cho dân phải hết sức tránh”!

 DUY CHÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=214
Quay lên trên