Đó là tinh thần của Nghị định số 95/2011/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng, khi nâng mức xử phạt lên đến 300 - 500 triệu đồng.
NHNN sẽ kiểm tra gắt gao tình trạng niêm yết giá bằng USD tại các điểm kinh doanh
Hoạt động ngoại hối dần ổn định
Một trong những nhiệm vụ quan trọng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Bình Dương tập trung thực hiện trong thời gian qua là việc tuyên truyền, phổ biến các chính sách, chủ trương quản lý ngoại hối cho các tổ chức tín dụng (TCTD), doanh nghiệp (DN), tiểu thương kinh doanh vàng, ngoại tệ. Có thể nói, bằng nhiều hình thức tuyên truyền, các DN, TCTD đã ngày càng nhận thức rõ được trách nhiệm, phạm vi hoạt động cũng như hỗ trợ tốt cho ngành chức năng trong việc thông tin kịp thời những trường hợp vi phạm quy định.
Nghị định 95 tập trung vào một số nội dung cơ bản như: nâng mức phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm quy định về quản lý ngoại hối và kinh doanh vàng tại các khoản 3, khoản 5 điều 18 Nghị định 202. Mức xử phạt cao nhất từ 300 - 500 triệu đồng đối với cá nhân và tổ chức vi phạm
Bên cạnh việc nâng mức phạt, Nghị định 95/NĐ-CP còn bổ sung chế tài xử lý nghiêm khắc hơn đối với các hành vi vi phạm như: Tịch thu tang vật là ngoại tệ, đồng Việt Nam hoặc vàng đối với một số hành vi vi phạm; tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đăng ký đại lý đổi ngoại tệ hoặc giấy phép hoạt động kinh doanh vàng 12 tháng khi vi phạm lần đầu và tước không thời hạn khi tái phạm. Đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, NHNN có thể đình chỉ có thời hạn hoặc không có thời hạn việc thực hiện một số hoạt động nghiệp vụ liên quan đến hành vi vi phạm hành chính theo quy định tại Luật NHNN Việt Nam và Luật các TCTD.
Chính vì vậy, thị trường ngoại tệ đã có nhiều chuyển biến tích cực, các hoạt động liên quan đến ngoại tệ của các chi nhánh TCTD, các tổ chức kinh tế, các bàn thu đổi ngoại tệ đều chấp hành đúng quy định của Nhà nước. Hiện tượng dịch chuyển nguồn vốn ngoại tệ giữa các TCTD, các DN cũng như hoạt động mua bán ngoại tệ trái phép không còn diễn biến công khai như trước. Thông tin từ NHNN chi nhánh Bình Dương cho biết, kết quả kiểm tra liên ngành về việc chấp hành quy định về niêm yết, quảng cáo, giao dịch, mua bán, mang ngoại tệ, vàng trong đợt II (30-6 đến 30-9), lực lượng chức năng đã kiểm tra hàng chục đơn vị có liên quan đến hoạt động ngoại hối. Qua kiểm tra, ngành đã xử lý 11 trường hợp vi phạm, trong đó có 3 trường hợp vi phạm về niêm yết giá cả hàng hóa bằng ngoại tệ. Như vậy, về cơ bản là DN chấp hành khá tốt quy định niêm yết giá cả hàng hóa, đồng thời cũng cho thấy nếu làm tốt công tác giáo dục tuyên truyền cùng công tác thanh tra xử lý nghiêm thì việc chấp hành pháp luật của các tổ chức kinh tế sẽ ngày càng tốt hơn.
Xử phạt nghiêm hành vi vi phạm
Mặc dù hoạt động ngoại hối đã được cơ quan chức năng từng bước chấn chỉnh, tuy nhiên, sau gần một tháng Chính phủ ban hành Nghị định 95, đến nay vẫn còn một vài tổ chức, cá nhân vẫn “vô tư” niêm yết giá ngoại tệ. Tại trường Đào tạo Lập trình viên quốc tế Bình Dương - APTECH (đại lộ Bình Dương, TX.Thủ Dầu Một, Bình Dương), tất cả các khoản học phí đào tạo đều được thông báo giá bằng USD hoặc quy ra từ USD khi học viên đóng học phí. Một nhân viên tư vấn tại trường này cho biết, một chương trình đào tạo HDSE, đóng học phí một lần trọn khóa 2 năm 2.600 USD (tương đương 50 triệu VND), đóng học phí theo từng năm giá tăng lên 2.600 USD, theo học kỳ tăng lên 2.700 USD và đóng học phí theo tháng là 2.800 USD. Hay chương trình đào tạo CPISM, DISM cũng niêm yết 700 - 1.400 USD/khóa (6 - 12 tháng). Khi chúng tôi nêu thắc mắc tại sao không niêm yết giá bằng VND? Nhân viên tư vấn đưa lý do, do có yếu tố nước ngoài như trường nước ngoài, giáo viên đạt “chuẩn” nước ngoài, chương trình học cũng của nước ngoài, tiền lương, thuê mặt bằng được tính bằng USD nên họ phải thu phí bằng USD. Tuy nhiên, trường cũng chấp nhận thu phí bằng VND, quy đổi tỷ giá USD trên thị trường tự do (?!)...
Tương tự, tại một trung tâm làm đẹp trên đường CMT8, phường Hiệp Thành, TX.Thủ Dầu Một, thay vì niêm yết song song cả hai mức giá VND và USD như trước, thì nay chủ cửa hàng “đổi mới” chỉ niêm yết giá bằng VND nhưng thực tế giá được quy đổi theo tỷ giá USD trên thị trường tự do. Nhân viên cửa hàng cho biết, do sản phẩm nhập khẩu bằng ngoại tệ nên giá bán phải tính bằng USD. Giá niêm yết tiền VND chỉ là tạm thời, số tiền có thể tăng, giảm theo tỷ giá hiện hành khi khách hàng thanh toán. Tại một số cửa hàng kinh doanh máy vi tính, dịch vụ nha khoa trên địa bàn TX.Thủ Dầu Một, TX.Thuận An không biết vô tình hay cố ý vẫn còn thông báo, quảng cáo bằng USD. Cụ thể tại trung tâm máy tính Bách Khoa Computer trên đường CMT8, Phú Cường, TX.Thủ Dầu Một với “trả góp Laptop chỉ 1 USD/ngày”.
Đối với thị trường ngoại tệ tự do, theo khảo sát của chúng tôi, từ khi có sự vào cuộc mạnh mẽ của ngành chức năng, hoạt động mua bán USD trên thị trường tự do lui vào hoạt động bí mật, nhưng tình trạng mua bán vẫn còn nhưng chỉ thực hiện ngầm với đối tượng có quan hệ quen biết...
Tình trạng niêm yết, quảng cáo, thanh toán hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ trái với quy định làm ảnh hưởng nhiều đến việc điều chỉnh tỷ giá, tiền tệ của NHNN, cũng như hiệu quả của chính sách quản lý ngoại hối của Nhà nước. Chính vì vậy, NHNN Việt Nam đã tỏ rõ quyết tâm chống đô la hóa nền kinh tế thông qua việc ban hành một loạt chính sách nhằm tác động thị trường ngoại hối. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, công tác quản lý thị trường ngoại tệ vẫn chưa đạt kỳ vọng. Thời gian qua, với các vụ vi phạm về ngoại tệ thì mức xử phạt theo Nghị định 107 nằm trong khung từ 8 - 15 triệu đồng, còn xử phạt theo Nghị định 202 đối với trường hợp đại lý đổi ngoại tệ không giấy phép tối đa cũng chỉ là 70 triệu đồng, được cho là vẫn chưa đủ sức răn đe. Trước thực tế này, Nghị định 95 ra đời nhằm quản lý chặt trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng với mức xử phạt lên tới 300 - 500 triệu đồng. Bên cạnh đó, nghị định này còn tạo ra cơ chế xử lý nghiêm khắc hơn đối với các hành vi vi phạm về quản lý ngoại hối và quản lý kinh doanh vàng, đồng thời cũng đòi hỏi các tổ chức, cá nhân có liên quan nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật.
Phó Giám đốc NHNN chi nhánh Bình Dương Nguyễn Phú Cường: Tiếp tục chấn chỉnh hoạt động ngoại hối trên địa bàn
Thực hiện chỉ đạo của Thống đốc NHNN, NHNN chi nhánh Bình Dương đã có văn bản trình UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện công tác này tại địa phương. Theo đó, chi nhánh sẽ chủ trì kiểm tra và xử lý vi phạm trong việc thực hiện nghị định của Chính phủ với vai trò chủ yếu của Thanh tra Chi nhánh NHNN tỉnh, bên cạnh có sự phối hợp của các ngành công an, công thương, hải quan.
Do tình hình ngoại tệ vào dịp cuối năm thường có biến động lớn, chênh lệch tỷ giá giữa ngân hàng và thị trường tự do; áp lực cung, cầu ngoại tệ thường căng thẳng vào dịp cuối năm. Vì vậy, để ngăn chặn hiệu quả hơn các sai phạm có thể xảy ra như mua bán ngoại tệ trái phép; tình trạng hai tỷ giá trong mua bán ngoại tệ của các chi nhánh TCTD, đoàn kiểm tra liên ngành đã thống nhất xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai đồng loạt giữa các ngành từ nay đến Tết Nguyên đán 2012 theo hướng tăng cường kiểm tra nhiều đợt, giám sát và siết chặt hoạt động ngoại hối. Trong đó, sẽ kiểm tra các TCTD, tổ chức kinh tế, đơn vị, cá nhân hoạt động có liên quan đến ngoại tệ trên địa bàn.
THANH HỒNG