UBND TP.Thuận An vừa có buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tiến hành trao đổi, phối hợp giải quyết những khó khăn, vướng mắc của địa phương trong việc triển khai mô hình kinh tế nông nghiệp đô thị. Trong đó, chủ lực là mô hình vườn cây ăn trái đặc sản gắn liền với du lịch sinh thái trên địa bàn thành phố.
Ông Nguyễn Vinh Hoa đang chăm sóc vườn cây măng cụt của gia đình
Duy trì và phát triển vườn cây ăn trái
Thông tin về kết quả thực hiện chính sách duy trì và phát triển vùng cây ăn trái đặc sản trên địa bàn thành phố trong thời gian qua, ông Trương Công Thạch, Phó trưởng Phòng Kinh tế TP.Thuận An, cho biết tổng mức kinh phí hỗ trợ cho các vườn cây ăn trái theo Quyết định 63 của UBND tỉnh từ năm 2017- 2020 đạt 16,5 tỷ đồng. Theo đó, các địa phương có số hộ dân tham gia thụ hưởng chính sách gồm các xã, phường An Sơn, An Thạnh, Hưng Định, Bình Nhâm. Số kinh phí nói trên được sử dụng cho việc hỗ trợ phân bón, công chăm sóc vườn cây và chi phí nghiên cứu, phát triển giống cây mới cho người dân.
Được biết, hiện nay tổng diện tích vườn cây ăn trái của TP.Thuận An có khoảng 948 ha, trong đó có 405 ha đăng ký tham gia thụ hưởng chính sách phát triển vườn cây ăn trái đặc sản. Theo tìm hiểu của chúng tôi, những vườn cây ăn trái tham gia thụ hưởng chính sách sẽ được hỗ trợ một phần chi phí chăm sóc, phát triển vườn cây đồng thời được đào tạo kỹ năng chuyên sâu về khoa học, kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại cây ăn trái đặc sản.
Đại diện UBND TP.Thuận An cho rằng chính sách hỗ trợ về việc duy trì và phát triển vườn cây ăn trái là một trong những quyết sách đúng đắn và hợp lòng dân của tỉnh. Theo đó, để tăng thêm động lực về việc duy trì và phát triển vườn cây ăn trái đặc sản trên địa bàn thành phố, thời gian tới TP.Thuận An sẽ xem xét về việc tổ chức các cuộc thi vườn sinh thái đẹp, qua đó đưa ra những tiêu chuẩn định mức, khái niệm về vườn sinh thái đẹp để phục vụ nhu cầu du lịch.
Trong giai đoạn 2021-2025, TP.Thuận An sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác hỗ trợ bà con nông dân trong việc phục hồi, duy trì và xây dựng thương hiệu vững mạnh các vườn cây ăn trái đặc sản kết hợp du lịch sinh thái. Thành phố mong muốn các xã, phường định hướng bà con tiếp tục xây dựng vườn cây theo hướng chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Đồng thời phối hợp các sở ngành, công ty du lịch lập đề án phát triển trung tâm du lịch khu vực Cầu Ngang làm điểm du lịch sinh thái kiểu mẫu để nhân rộng ra các khu vực khác.
Người dân đồng thuận
Kết thúc buổi làm việc, chúng tôi có dịp đến thăm những vườn cây ăn trái trên địa bàn phường An Thạnh và xã An Sơn. Nằm sát bên những con đường nhựa uốn lượn quanh co là những vườn cây ăn trái với quy mô từ 1.000 đến 8.000m2. Dịp tết đến xuân về cũng là lúc những vườn cây đang dưỡng sức để chuẩn bị cho một vụ mùa tươi tốt sắp đến.
Tiếp chúng tôi trong khu vườn măng cụt rộng 5.000m2 của mình, ông Nguyễn Vinh Hoa (khu phố Thạnh Phú, phường An Thạnh) cho biết nhờ có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương mà vườn cây của ông giảm được khá nhiều chi phí, đồng thời tăng thu nhập nhờ được chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc. Khi được nghe hỏi về chính sách hỗ trợ mà tỉnh đã triển khai, ông Hoa cho rằng đó là một chính sách đúng đắn và hợp lòng dân. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng chương trình, ông Hoa mong muốn tỉnh có thể tăng thêm lượng phân bón hỗ trợ đồng thời chuyển đổi chủng loại phân bón từ hóa học sang hữu cơ hỗn hợp để góp phần cải tạo môi trường đất.
Cùng quan điểm với ông Hoa, anh Nguyễn Hoàng Chương, chủ vườn măng cụt sinh thái kết hợp quán ăn đồng quê “Quê Tôi” (xã An Sơn) cho rằng việc duy trì và phát triển vườn cây ăn trái sẽ góp phần thúc đẩy các loại hình dịch vụ khác, đặc biệt là du lịch sinh thái trên địa bàn xã. Anh Chương kỳ vọng chương trình hỗ trợ nông dân sẽ tiếp tục thực hiện để giúp người dân có thêm động lực giữ vườn, giữ nét đẹp truyền thống vùng cây ăn trái đặc sản Thuận An. Trả lời phỏng vấn của chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hoàng Oanh, Phó Chủ tịch UBND phường An Thạnh, cho biết bà con nông dân phường An Thạnh rất đồng tình, ủng hộ chính sách của tỉnh.
ĐÌNH THẮNG