Tình hình dịch COVID-19 sáng 18/6: Cảnh báo làn sóng thứ hai

Cập nhật: 18-06-2020 | 06:47:42

Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 17/6/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo trang worldometers.info, tính đến 5h45 ngày 18/6, toàn thế giới đã ghi nhận 130.625 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 8.381.849 ca, trong đó có 450.198 ca tử vong.

Trong khi châu Âu tiếp tục xu thế "hạ nhiệt," tạo điều kiện để các quốc gia tại châu lục này nới lỏng các biện pháp phòng dịch và từng bước mở cửa biên giới, khôi phục hoạt động kinh tế, virus SARS-CoV-2 tiếp tục hoành hành dữ dội ở châu Mỹ, đặc biệt châu Á - nơi khởi phát đại dịch cuối năm 2019, đang đối mặt với nguy cơ làn sóng dịch thứ hai khi hàng loạt ca nhiễm mới được phát hiện tại Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia....

Tại Trung Quốc, chính quyền thành phố Bắc Kinh đã quyết định ngừng mọi sự kiện thể thao, đóng cửa các phòng tập gym, các trường học, ngừng hàng nghìn chuyến bay đến và đi từ thành phố này.

Nhiều thành phố đã áp dụng cách ly bắt buộc đối với người từ Bắc Kinh. Trong ngày 17/6, Bắc Kinh ghi nhận thêm 31 ca nhiễm mới, đưa tổng số ca nhiễm trong 6 ngày qua lên 137 ca, liên quan đến các ổ dịch mới tại chợ đầu mối thực phẩm Tân Phát Địa lớn nhất châu Á và khu chợ bán buôn thứ hai ở quận Hải Điến.

Về nguồn lây nhiễm tại đây, nhà chức trách Trung Quốc và Na Uy đã kết luận rằng không phải xuất phát từ mặt hàng cá xuất khẩu của Na Uy. Chính quyền hai nước đã xóa bỏ mọi nghi ngờ liên quan đến sản phẩm này và nối lại xuất khẩu cá hồi từ Na Uy sang Trung Quốc.

Tại Nam Á, Ấn Độ ghi nhận số ca tử vong tăng cao nhất kể từ khi dịch bùng phát, với hơn 2.000 ca. Tổng số ca tử vong tại nước này tính đến nay là 11.903 ca.

Theo thống kê chính thức, Ấn Độ đã ghi nhận 354.065 ca nhiễm, cao thứ 4 thế giới.

Dịch vẫn diễn biến nghiêm trọng tại các thành phố lớn, tập trung đông dân cư như New Delhi, Mumbai, và mới đây nhất thành phố Chennai lại phải siết chặt các biện pháp hạn chế sau khi số ca nhiễm mới gia tăng kể từ khi nới lỏng.

Tại các địa phương khác, các biện pháp hạn chế vẫn được nới lỏng như kế hoạch để giảm thiểu những tác động kinh tế.

Cũng trong ngày 17/6, Indonesia đã vượt Singapore trở thành nước có nhiều ca nhiễm nhất tại Đông Nam Á sau khi ghi nhận thêm 1.031 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 41.431 ca.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Jakarta, Indonesia, ngày 14/6/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Trong khi đó, Bangladesh thông báo có thêm 4.008 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, mức tăng trong ngày cao nhất kể từ khi nước này ghi nhận ca nhiễm đầu tiên vào ngày 8/3. Như vậy, tổng số ca nhiễm tại Bangladesh đến nay lên 98.489 ca, trong đó có 1.305 ca tử vong (sau khi có thêm 43 ca mới trong 24 giờ qua).

Tại châu Đại Dương, Australia ghi nhận số ca nhiễm mới tăng vọt ở bang Victoria, với 21 ca - mức tăng cao nhất trong hơn một tháng qua.

Tại châu Mỹ, Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) cảnh báo châu lục này đang nhanh chóng tiếp cận mốc 4 triệu người nhiễm bệnh.

Hai nước dẫn đầu về số người nhiễm là Mỹ và Brazil với các tỷ lệ lần lượt 54% và 23% tổng số ca tại lục địa này.

Trong 24 giờ qua, Brazil đã ghi nhận số ca nhiễm mới nhiều nhất trong một ngày, nâng tổng số lên 928.834 ca. Số ca tử vong cũng đã lên tới 45.456 ca, tăng thêm hơn 1.470 ca trong 24 giờ qua.

Theo số liệu thống kê chính thức, đến nay Mỹ ghi nhận tổng cộng 119.914 ca tử vong - cao hơn số người Mỹ thiệt mạng trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất. Như vậy, số ca tử vong trong ngày ở Mỹ đã tăng mạnh trở lại sau hai ngày ghi nhận ở mức dưới 400 ca.

Hiện tổng số ca nhiễm ở nước này đã lên tới 2.209.231 ca, tiếp tục là quốc gia có số ca nhiễm cao nhất trên thế giới. Nhiều bang của Mỹ ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất trong một ngày kể từ khi đại dịch bùng phát.

Chính quyền của Tổng thống Donald Trump khẳng định sẽ không đóng cửa nền kinh tế nếu xảy ra làn sóng lây nhiễm thứ hai.

Tuy nhiên, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cảnh báo nền kinh tế số một thế giới này sẽ không thể hồi phục chừng nào các yếu tố bất ổn do đại dịch COVID-19 gây ra vẫn hiện hữu.

Trong diễn biến liên quan, một nhóm các nhà khoa học Singapore đã tìm ra 5 kháng thể có thể ngăn chặn sự lây nhiễm của virus SARS-CoV-2.

Thử nghiệm trên người đối với kháng thể đầu tiên AOD01 có thể sẽ được tiến hành trong vài tháng tới.

Theo trưởng nhóm nghiên cứu, khi con người được tiêm kháng thể, loại kháng thể đó sẽ lan ra toàn bộ cơ thể, ngăn chặn virus lan đến phổi, tránh được tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng.

Nhân viên y tế xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Singapore ngày 10/6/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Lý tưởng là các kháng thể được tiêm cho bệnh nhân sau khi họ có các triệu chứng và trước khi bệnh trở nặng. Ngoài ra, do các kháng thể vẫn còn tồn tại trong cơ thể con người gần 1 tháng, nên chúng còn có tác dụng phòng bệnh.

Nếu thử nghiệm lâm sàng thành công, đây có thể là giải pháp tốt cho phòng và điều trị COVID-19.

Trong khi đó, các nhà nghiên cứu Israel thông báo đã phát minh ra khẩu trang tái sử dụng có thể diệt virus bằng nhiệt. Khẩu trang mới này trông giống khẩu trang N95, có một van thông hơi ở mặt trước và dây cao su để vòng qua đầu giữ khẩu trang đúng vị trí.

Ngoài ra, khẩu trang mới có một cổng USB kết nối với nguồn điện, nhờ đó làm nóng lớp sợi carbon bên trong khẩu trang với sức nóng lên tới 70 độ C, đủ để tiêu diệt virus.

Thời gian diệt khuẩn mất khoảng 30 phút và người sử dụng không nên đeo khẩu trang khi tiến trình diệt khuẩn chưa hoàn tất. Loại khẩu trang mới này tiết kiệm về kinh tế và thân thiện với môi trường hơn so với khẩu trang dùng một lần.

Viện Công nghệ Chamhana của Hàn Quốc đã ra mắt sản phẩm máy lọc không khí khử khuẩn. Giám đốc viện trên, ông Choi Dong-min cho biết sản phẩm này hiệu quả trong điều trị cho các bệnh nhân COVID-19, mang lại hy vọng mới trong cuộc chiến “diệt tận gốc” virus.

Sản phẩm mới này đã được lắp đặt vào ngày 23/4 và đã chứng minh hiệu quả tại phòng áp lực âm (chăm sóc đặc biệt) tại Viện Lingarjati thuộc Bệnh viện Quốc gia Indonesia.

Số liệu của Viện Lingarjati cho thấy trong vòng 10 ngày, huyết áp, mạch, thân nhiệt và lượng oxy trong máu của 8 bệnh nhân đã trở lại mức bình thường và các bệnh nhân này đã được xuất viện.

Các nhà chế tạo đã đưa vào loại máy lọc không khí này các thiết bị tạo ion, ozone, nam châm điện và đèn khử khuẩn UVC./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết
Tags
COVID-19

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1352
Quay lên trên