> Xem kỳ trước
Men theo quốc lộ 10 từ Hải Phòng xuôi về hướng Nam, chúng tôi có dịp về huyện Tiền Hải (Thái Bình) và huyện Kim Sơn (Ninh Bình), nơi cách đây 200 năm Nguyễn Công Trứ có công chiêu mộ dân nghèo đắp đê lấn biển, lập ấp. Tiếp nối tinh thần của ông, hiện nay nhiều nơi trên vùng duyên hải Bắc bộ, người dân vẫn ngày ngày tiến về phía biển.
Nhớ tiền nhân thuở trước
Đền thờ Nguyễn Công Trứ tại xã Quang Thiện (Kim Sơn, Ninh Bình) khói hương nghi ngút ngày qua ngày, các thế hệ con cháu huyện Kim Sơn bây giờ không thể nào quên ơn của bậc tiền hiền lấn biển, lập ấp cho con cháu. Đặc biệt, tại thời điểm biển Đông đang “dậy sóng”, công ơn của Nguyễn Công Trứ lại càng được các thế hệ con cháu đời sau truyền tụng, tri ân để hun đúc thêm tinh thần yêu nước, quyết tâm bảo vệ chủ quyền của cha ông đã dày công gây dựng.
Quai đê lấn biển tại huyện Kim Sơn, Ninh Bình năm 1989 (ảnh tư liệu)
Ông Nguyễn Quang Đạo, một bậc cao niên sống ở gần đền kể, đất này thời đó sóng to gió lớn, vốn có tiếng dữ dằn. Tuy nhiên, cụ Nguyễn Công Trứ vẫn quyết cùng dân nghèo lấn biển. Cả một vùng bãi bồi sình lầy, lau lách trải mênh mông nên việc đi lại để quai đê, đắp đường, đào sông gặp không ít khó khăn. Song do tài tổ chức và vận dụng linh hoạt, sáng tạo với 63 vị chiêu mộ, thứ mộ, 1.200 nhân đinh, sau hơn 1 năm Nguyễn Công Trứ đã hoàn thành việc quai đê, lấn biển Kim Sơn. Để rồi, năm Minh Mạng thứ 10, huyện Kim Sơn chính thức được thành lập.
Nguyễn Công Trứ thể hiện khả năng, trình độ khoa học đặc biệt trong quy hoạch, xây dựng công trình thủy lợi. Trước hết, ông cho đào sông Ân nối liền với sông Càn để lấy nước ngọt. Sau đó, cứ mỗi làng lớn hoặc hai làng nhỏ, ông lại cho đào kênh, đắp đường dẫn đến các thôn, xóm để tiêu úng lụt và thau chua rửa mặn và khai thác tối đa diện tích đất canh tác. Việc đào kênh mương cũng được tiến hành song hành với việc làm đường, quật thổ, bồi cư và phân chia địa giới, bố trí khu dân cư, khu canh tác, nhanh chóng tạo thế ổn định cho người dân đến định cư, lập nghiệp nơi đất mới. Vậy là, chỉ vài ba năm sau khi Nguyễn Công Trứ cùng người của ông đến đã biến Kim Sơn thành vùng đất màu mỡ, lại có công trình thủy lợi ưu việt nên ruộng đồng ngày càng tốt tươi, đời sống người dân no ấm.
Nhà báo Nguyễn Bình (Báo Thái Bình) xúc động khi đưa chúng tôi tìm về đền thờ Nguyễn Công Trứ ở Tiền Hải (Thái Bình). Anh cho biết: “Cụ Nguyễn Công Trứ lúc ấy thật tinh tế khi tham mưu cho nhà Nguyễn đặt tên hai huyện mới do chính tay mình khẩn hoang là Kim Sơn (rừng vàng) và Tiền Hải (biển bạc). Từ xa xưa, các bậc tiền nhân đã thể hiện tinh thần yêu nước của mình thật sâu sắc”. Quả vậy, Tiền Hải ngày hôm nay là đất vàng, là đầu tàu kinh tế của tỉnh Thái Bình với ngành công nghiệp dầu khí, là nơi khởi thủy của toàn ngành dầu khí Việt Nam. Tiền Hải hôm nay với hàng ngàn ha đất đai màu mỡ, nổi tiếng với phong trào thi đua nâng cao năng suất lúa hòa cùng với giai thoại “Chị hai năm tấn quê ở Thái Bình…”.
Lấn biển để giữ biển
Hiện Kim Sơn có 27 xã, thị trấn, diện tích tự nhiên lên đến hơn 213km2, trong đó đất canh tác lúa - cói và nuôi trồng thủy sản lên đến 16.000 ha. Dân số Kim Sơn từ 12.000 nhân đinh ngày mở đất đến nay đã lên đến hơn 200.000 người. Trong khi đó huyện Tiền Hải cũng có 1 thị trấn và 34 xã, diện tích 226km2 và dân số lên đến 203.000 người. Đã 200 năm từ ngày Nguyễn Công Trứ tìm về khẩn hoang, lập ấp tạo dựng vùng đất mới, Kim Sơn đã thêm 7 lần quai đê, lấn biển, chinh phục bãi bồi, làm cho vùng đất mới ngày càng rộng, dài thêm.
Điều đáng quý là tinh thần lấn biển, lập đất của cha ông vẫn được các thế hệ con cháu tiếp tục gìn giữ và phát huy. Đã 28 năm từ ngày đầu bơi thuyền ra bãi bồi ven biển thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu, Nam Định) quai đê lấn biển, anh Nguyễn Huy Hậu giờ đã là một người đàn ông trung niên có cháu nội dắt chúng tôi đi trên bờ đê đầm thủy sản nhà mình nói: “Hồi đó mọi người nghĩ tôi bị điên, sóng gió mênh mông thế sao mà quăng tiền bạc xuống để bồi đất, lấp biển làm gì. Bao lần bị sóng đánh vỡ đê, trắng tay rồi nghiến răng làm lại. Máu và nước mắt rớt xuống đất này nhiều lắm, nhưng biển bây giờ trả lại cho chúng tôi nhiều quả ngọt”.
Quả ngọt mà anh Hậu nói chính là hàng trăm ngàn ha đất lấn biển được các nông dân vùng cuối châu thổ sông Hồng thực hiện. Biển mặn bao la hàng năm được những dòng sông mang nặng phù sa bồi lắng. Biển ôm vào lòng bao mồ hôi, nước mắt và tầng tầng lớp lớp trầm tích văn hóa Việt theo những dòng sông đổ về phía biển. Và họ, những người nông dân giàu truyền thống bám biển, giữ biển đã tiếp nối sự nghiệp của cha ông. Trong hành trình dọc vùng cuối châu thổ sông Hồng, chúng tôi chứng kiến bao giọt mồ hôi mặn đắng, cần lao của những người nông dân bám biển, lấn biển từ Tiên Lãng (Hải Phòng), Tiền Hải (Thái Bình), Hải Hậu (Nam Định) đến Kim Sơn (Ninh Bình).
Chúng tôi nghiêng mình nắm lấy một túm cát nặng phù sa bên bờ ruộng Tiền Hải. Xa xa, cánh đồng lúa chín đang mùa trĩu hạt, vàng ươm trong nắng sớm. Chia tay Kim Sơn và Tiền Hải, những “rừng vàng, biển bạc” thấm đẫm mồ hôi người lấn biển, chúng tôi không thể cầm được những dòng suy tư trong tâm tưởng. Rồi đây và sau nữa sẽ còn bao nhiêu km bãi bồi được lấn về phía biển, chắc là không đo đếm được, bởi tinh thần lấn biển của người dân nơi đây chưa bao giờ dừng lại, dù chỉ là một giây trong suy nghĩ.
Kỳ 17: Làng vác đá xây Trường Sa
KHÁNH VINH - KIẾN GIANG