Toàn dân tích cực chung tay phòng, chống sốt xuất huyết

Cập nhật: 23-08-2022 | 08:25:31

Hiện nay, dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, số ca mắc và ca tử vong vẫn liên tục tăng lên. Trong khi đó, ý thức của một bộ phận người dân về phòng bệnh, vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng vẫn còn chưa cao.

Vẫn diễn biến phức tạp

Hiện nay, tình hình dịch bệnh SXH trên địa bàn tỉnh vẫn đang diễn biến rất phức tạp. Bình Dương nói riêng và Đông Nam bộ nói chung nằm trong khu vực lưu hành bệnh SXH Dengue, cùng với thời tiết mưa nhiều tạo điều kiện cho véc tơ gây bệnh (muỗi Aedes Agypti) phát triển mạnh. Hơn nữa, bệnh SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi truyền, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu là diệt muỗi, diệt lăng quăng (bọ gậy).

Bệnh nhi mắc SXH được điều trị tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Bình Dương (Bệnh viện Vạn Phúc 1), TP.Thủ Dầu Một

Tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 10.582 ca mắc, trong đó có 17 ca tử vong. Số ca mắc và tử vong cao hơn so với cùng kỳ năm 2021 và có nguy cơ lan rộng tại nhiều xã, phường, thị trấn. Toàn tỉnh đã phát hiện được 1.943 ổ dịch, tăng 845 ổ. Hầu hết các ổ dịch được phát hiện đã được ngành y tế xử lý. Các địa phương có ca tử vong do SXH, gồm: TP.Dĩ An 7 ca, TX.Tân Uyên 5 ca, TP.Thuận An 2 ca, TP.Thủ Dầu Một 1 ca, huyện Bắc Tân Uyên 1 ca và huyện Bàu Bàng 1 ca. Cùng với số ca tử vong tăng, tổng số ca mắc SXH tính theo tuần cũng tăng lên và chưa có dấu hiệu dừng lại. Tuần thứ 32 (đến ngày 14-8) toàn tỉnh ghi nhận 10.020 ca mắc SXH, đến tuần thứ 33 là 10.582 ca, tăng 562 ca. Số ổ dịch được phát hiện và xử lý cũng liên tục tăng lên từ 1.832 ổ ở tuần thứ 32, đến tuần thứ 33 tăng thêm 111 ổ dịch được phát hiện và xử lý. Đặc biệt, số bệnh nhi mắc bệnh và tử vong do SXH cũng tăng lên.

Phân tích sâu các ca tử vong do SXH trên địa bàn tỉnh cho thấy, trong 17 ca tử vong hầu hết tại các bệnh viện ngoài tỉnh (Bệnh viện Nhi Đồng 2, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và Bệnh viện Chợ Rẫy). Ngành y tế tỉnh dự báo diễn biến dịch bệnh SXH vẫn hết sức phức tạp, số ca mắc và tử vong vẫn còn gia tăng. Bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh, cho biết ngành y tế đã đề nghị các đơn vị tập trung rà soát công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch SXH; tuyên truyền vận động, hướng dẫn người dân nâng cao ý thức phòng, chống dịch SXH. Đặc biệt, các đơn vị tổ chức giám sát các địa bàn trọng điểm, tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng, loại bỏ ổ lăng quăng, không cho muỗi đẻ trứng.

“Trong công tác điều trị, các đơn vị cần rà soát, tổ chức lại khu vực điều trị bệnh nhân SXH, bảo đảm thuốc, vật tư, hóa chất, dịch truyền, sẵn sàng tiếp nhận, chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả bệnh nhân SXH đến khám, nhập viện. Với bệnh nhân quá nặng vượt quá chuyên môn, các đơn vị cần chuyển viện sớm, kịp thời lên tuyến trên, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong. Phòng Y tế các huyện, thị, thành phố tham mưu lãnh đạo địa phương chỉ đạo các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn thực hiện tốt việc phát hiện và chuyển viện sớm bệnh nhân SXH lên tuyến trên để có đủ khả năng điều trị. Các cơ sở bán thuốc Đông, Tây y không bán thuốc cho người bệnh nghi ngờ SXH, hướng dẫn người bệnh đến cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời”, bác sĩ Chín nói.

Người dân vẫn còn lơ là phòng bệnh

Trên thực tế, sự chủ quan và thiếu tinh thần tự giác cũng như việc không duy trì thường xuyên các hoạt động phòng, chống bệnh SXH tại gia đình, cộng đồng của không ít người dân hiện đang được xem là một trong những trở ngại lớn trong công tác phòng, chống bệnh SXH trên địa bàn. Tại TP.Dĩ An, tích lũy từ đầu năm đến nay đã ghi nhận hơn 1.500 ca mắc. Chị Nguyễn Thị Tú, ngụ phường Tân Bình nói: “Gia đình tôi có 2 con nhỏ, ở trọ trong khu phố Tân Phú nên rất lo lắng về bệnh SXH. Tôi được cán bộ y tế hướng dẫn các biện pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng và phòng, tránh muỗi đốt và bản thân thực hiện thường xuyên. Tuy nhiên, tôi lo ngại môi trường xung quanh, số lượng muỗi vẫn còn nhiều, một số khu nhà trọ còn tình trạng rác ứ đọng và người dân không thực hiện các biện pháp vệ sinh nơi ở”.

Nhấn mạnh việc “không có lăng quăng thì không có SXH”, bác sĩ Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: “Hiện điều đáng lo ngại là người dân còn rất chủ quan trước dịch bệnh SXH, chưa có ý thức trong việc vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, loại trừ các ổ lăng quăng (bọ gậy); chưa đưa con, em, người thân trong gia đình đi tiêm chủng theo lịch hẹn, từ đó khiến tình trạng bệnh khó kiểm soát. Hơn nữa Bình Dương là tỉnh phát triển công nghiệp, có nhiều khu nhà trọ, bãi đất trống xen cài khu dân cư, khu nghĩa trang lớn. Đến mùa mưa, những nơi này trở thành các điểm nguy cơ phát sinh bệnh SXH cần phải kiểm tra diệt lăng quăng thường xuyên, liên tục. Mặc dù công tác tuyên truyền được thực hiện thường xuyên nhưng một số người lao động ở khu nhà trọ vẫn chưa quan tâm thực hiện thường xuyên các biện pháp diệt lăng quăng”.

Vì cuộc sống trong lành, vì an toàn sức khỏe bản thân, gia đình và xã hội, toàn dân hãy tích cực tham gia chiến dịch ra quân tổng vệ sinh môi trường, diệt lăng quoăng, bọ gậy.

Theo Nghị định số 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế: Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 - 500.000 đồng đối với hành vi không thực hiện biện pháp bảo đảm vệ sinh nơi ở, nơi công cộng, phương tiện giao thông, nơi chứa chất thải sinh hoạt để phòng ngừa bệnh truyền nhiễm. Hoặc phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện biện pháp bảo đảm vệ sinh nơi ở, nơi công cộng, phương tiện giao thông, nơi chứa chất thải sinh hoạt làm phát sinh, lây lan bệnh truyền nhiễm.

HOÀNG LINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=832
Quay lên trên