Trách nhiệm xã hội trong sản xuất nông nghiệp: Vì mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững

Cập nhật: 07-11-2024 | 11:24:25

(BDO) Vừa qua, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh về “Giải pháp thúc đẩy thực hiện trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương trong bối cảnh thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA)” do Viện Nghiên cứu Châu Âu, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thực hiện, PGS.TS Nguyễn Chiến Thắng làm chủ nhiệm đã được Hội đồng nghiệm thu đề tài đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ xuất sắc. Kết quả nghiên cứu của đề tài góp phần tạo ra những cơ hội để doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện chiến lược phát triển kinh doanh hiệu quả và bền vững, tạo ra những sản phẩm nông sản có chất lượng cao, đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế trong xuất khẩu nông sản.


Trang trại trồng chuối ứng dụng công nghệ cao tại Khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái của Unifarm

Thực trạng cần thay đổi

Với diện tích sản xuất ngày càng thu hẹp, các thách thức về tài nguyên thiên nhiên và biến đổi khí hậu, sản xuất nông nghiệp Bình Dương không thể tiếp tục dựa trên chi phí thấp và thâm dụng lao động.

Bình Dương đã ứng dụng công nghệ cao trên 6.450 ha đất canh tác nông nghiệp công nghệ cao, nông sản sạch và hữu cơ theo tiêu chuẩn Organic, VietGAP, GlobalGAP. Tính đến tháng 9-2024, toàn tỉnh đã cấp 31 mã vùng trồng, 13 mã cơ sở đóng gói và công nhận 219 sản phẩm OCOP, trong đó 10 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao. Tỉnh đang chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, thúc đẩy phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn với mã vùng trồng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. 

Tuy nhiên hiện nay, các giải pháp phát triển ngành nông nghiệp tỉnh chủ yếu tập trung thực hiện ở các khâu về giải pháp kinh tế (kỹ thuật, năng suất, hiệu quả), các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và các yêu cầu bền vững về môi trường sản xuất (VietGAP, hữu cơ…) tổng quát là trách nhiệm trên sản phẩm (an toàn không quá dư lượng) trách nhiệm cho môi trường (không để tồn dư trong môi trường các chất gây hại hoặc mất cân bằng sinh thái, suy thoái đất, ô nhiễm)…; còn các yêu cầu thuộc lĩnh vực trách nhiệm xã hội (TNXH) như nguồn lao động, văn hóa cộng đồng, uy tín địa phương, uy tín quốc gia, giá trị truyền thống…hiện nay vẫn chưa được các đơn vị sản xuất trực tiếp cũng như các cơ quan quản lý quan tâm, áp dụng.

“Trong nông nghiệp, các nhà sản xuất, DN, HTX, trang trại phải tuân thủ các quy trình, an toàn thực phẩm, bảo đảm môi trường. Song song đó, DN, HTX, trang trại xây dựng thương hiệu, niềm tin của người tiêu dùng, thực hiện an sinh xã hội. Đây là việc thực hiện trách nhiệm xã hội”.

(Ông Lê Thanh Tâm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

TS Bùi Việt Hưng, Viện Nghiên cứu Châu Âu, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, nguyên nhân của thực trạng trên là do các yếu tố để định hình TNXH trong sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chưa được quan tâm, nhận thức đầy đủ, chưa có khái niệm rõ ràng để làm cơ sở tuyên truyền, chưa định hình được giá trị cấu thành trong sản phẩm để tạo động lực cũng như mục tiêu trong áp dụng. 

Sự phân hóa trình độ phát triển trong tổ chức sản xuất nông nghiệp tạo ra nhiều mô hình tổ chức sản xuất nông nghiệp đa dạng trong quá trình quản lý sản xuất và sử dụng nguồn lực sản xuất, từ hộ sản xuất, trang trại, các hợp tác xã (HTX), đến các doanh nghiệp (DN), các công ty cổ phần khép kín quy trình từ sản xuất đến sơ chế, chế biến, tiêu thụ, hoặc các DN liên kết sản xuất theo chuỗi, gia công hợp đồng theo công đoạn. Thực tiễn sinh động trong tổ chức sản xuất và trình độ phát triển của nông nghiệp Bình Dương tạo ra bức tranh thực hiện TNXH của các DN, các HTX, cơ sở sản xuất trở nên phức tạp hơn và đa dạng hơn, đòi hỏi phải có những đánh giá toàn diện và chuyên sâu về thực hiện TNXH theo các mô hình tổ chức sản xuất. 


Mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao tại HTX Kim Long (xã An Bình, huyện Phú Giáo)

Thúc đẩy thực hiện trách nhiệm xã hội

Giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030, Bình Dương hướng đến tái cấu trúc nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, nông nghiệp sạch, cung cấp nông sản an toàn cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Xác định việc tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường EU trong bối cảnh thực hiện EVFTA là rất cần thiết, phát triển ngành sản xuất nông nghiệp bền vững, Viện Nghiên cứu Châu Âu, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã thực hiện Đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh về “Giải pháp thúc đẩy thực hiện trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương trong bối cảnh thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).

Nhằm hỗ trợ, nâng cao nhận thức cho lãnh đạo, quản lý của các DN, HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh hiểu và thực hiện đầy đủ trách nhiệm xã hội theo các tiêu chí được đề ra, nhóm nghiên cứu đề tài tổ chức khóa tập huấn với sự tham gia của 10 DN, HTX nông nghiệp.

Tại Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I (Unifarm), sau khi tập huấn tham gia thực hiện đầy đủ TNXH theo các tiêu chí được đề ra, kết quả Unifarm không chỉ ngày càng khẳng định được thương hiệu, sức cạnh tranh trên trường quốc tế, mà còn là hình mẫu, mắt xích thúc đẩy sự liên kết giữa các HTX với DN, hướng đến tạo ra những sản phẩm nông sản chất lượng cao, có khả năng thâm nhập vào thị trường khó tính nhất trên toàn cầu.


HTX thương mại - dịch vụ Minh Hòa Phát (huyện Dầu Tiếng) ứng dụng công nghệ cao trong trồng bưởi da xanh mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững

PGS.TS Nguyễn Chiến Thắng cho biết, về hiệu quả kinh tế, kết quả nghiên cứu của đề tài góp phần tạo ra những cơ hội để DN, HTX thực hiện chiến lược phát triển kinh doanh hiệu quả và bền vững, tạo ra những sản phẩm nông sản có chất lượng cao, đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế trong xuất khẩu nông sản. Bên cạnh đó, đề tài đưa ra các giải pháp tạo sự gắn kết chặt chẽ hơn giữa cơ quan quản lý với DN, HTX, giữa DN, HTX với các đối tác, cộng đồng xã hội, với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

PGS.TS Nguyễn Chiến Thắng cho biết thêm, về hiệu quả xã hội, thành công trong việc thực hiện TNXH tại các DN, HTX sẽ tạo ra sự phát triển mang tính bền vững cho DN, HTX nông nghiệp; từ đó tạo cơ hội việc làm cho người dân địa phương, sự gắn kết giữa người lao động với DN, giúp DN có những giải pháp tiến bộ về khoa học kỹ thuật trong việc giảm thải những phát thải ra môi trường.

“Việc hoàn thiện khung phân tích TNXH làm cơ sở để các DN, HTX nông nghiệp thực hiện đúng và đầy đủ sẽ góp phần nâng cao chất lượng các sản phẩm nông nghiệp địa phương, thực hiện tốt các quy trình sản xuất sản phẩm theo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sẽ hạn chế ô nhiễm môi trường”, PGS.TS Nguyễn Chiến Thắng chia sẻ.

“Kết quả đề tài là những gợi mở quý giá cho các cơ quan quản lý của tỉnh Bình Dương trong việc quản lý, giám sát, cũng như ban hành các cơ chế khuyến khích các DN, HTX nông nghiệp thực hiện TNXH”.

(Ông Nguyễn Mộng Giang, Trưởng phòng Quản lý Khoa học - Sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học và Công nghệ)

Ông Nguyễn  Văn Tiến, Giám đốc HTX Nông nghiệp thương mại, dịch vụ và vận tải Dân Tiến (xã Tân Định, huyện Bắc Tân Uyên) cho biết, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khó lường, nhiều nông dân trên địa bàn xã đã liên kết thành lập HTX Dân Tiến với quy mô diện tích 50 ha trồng bưởi, cam và kết hợp dịch vụ du lịch sinh thái; hướng đến sản xuất an toàn sinh thái, nâng cao nội lực, thích ứng với biến động của thị trường. 

Theo ông Nguyễn  Văn Tiến, HTX không chỉ đồng hành trong phát triển sản xuất theo hướng VietGAP và hữu cơ thân thiện với môi trường, mà còn tích cực hỗ trợ thành viên, nông dân liên kết trong tiêu thụ sản phẩm, liên kết sản xuất. 

“Thay vì lạm dụng hóa chất độc hại, gây ô nhiễm môi trường, các hộ đã chú trọng sản xuất an toàn sinh thái, ưu tiên các loại phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học. Việc chăm bón cho cây trồng cũng được thành viên HTX triển khai theo hướng an toàn, tuân thủ nguyên tắc “4 đúng”, gồm: đúng loại, đúng liều, đúng cách, đúng thời gian. Ứng dụng hiệu quả khoa học – kỹ thuật mới là xu thế tất yếu trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt và biến đổi khí hậu tác động”,  ông Nguyễn  Văn Tiến chia sẻ. 

Trong thời gian tới, cùng với sự nỗ lực của các bên, tin rằng ngành nông nghiệp Bình Dương sẽ hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược của ngành đó là phát triển nông nghiệp bền vững, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ và kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp.

Phương Lê - Quang Trí

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=383
Quay lên trên