Trường Petrus Trương Vĩnh Ký - Những hồi ức khó phai

Cập nhật: 09-01-2013 | 00:00:00

 

 Mặc dù tuổi đã cao nhưng ông Lê Hưng vẫn miệt mài học tập, nghiên cứu kiến thức từ sách, báo 

 Thời ấy, ông còn là HS của trường trung học Petrus Trương Vĩnh Ký. Mặc dù không phải là nhân chứng của sự kiện lịch sử ngày 9-1-1950 nhưng ý nghĩa của ngày này là rất quan trọng đối với những người học trò như ông lúc bấy giờ. Tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh bất khuất của người học trò yêu nước Trần Văn Ơn là động lực thôi thúc ông học tập, cống hiến hết sức mình cho quê hương đất nước. Đôi mắt nhìn xa xa, ông Hưng chậm rãi kể lại: “Hồi ấy, tôi là HS khóa 1956-1959 của trường, cách anh Trần Văn Ơn 2 khóa. Trường trung học Petrus Trương Vĩnh Ký nổi danh là ngôi trường đã đào tạo được nhiều thế hệ nam thanh niên ưu tú cho đất nước. Những ai được học ở ngôi trường này đều phải trải qua kỳ thi tuyển cực kỳ khó bởi tất cả các thí sinh miền Nam đều gửi hồ sơ dự thi trong khi tỉ lệ trúng tuyển thì rất thấp. Đội ngũ thầy cô giảng dạy tại đây là những vị giáo chức giỏi, kiến thức uyên bác, có chuẩn mực về chuyên môn, đạo đức rất được HS, phụ huynh tin yêu, kính trọng. HS qua các thế hệ của trường, trong đó có tôi luôn hãnh diện, tự hào với mỹ danh “dân Petrus Ký”.

Tuy nhiên, cùng với việc học, những HS- SV thời ấy còn bí mật tham gia phong trào cách mạng chống khủng bố đàn áp, đòi bảo đảm an ninh cho HS-SV, nhiều cuộc bãi trường, bãi khóa diễn ra liên miên. Mặc dù bị địch khủng bố, đàn áp nhưng hàng năm, cứ đến tháng 1, hàng trăm HS-SV trong trường vẫn bí mật, lén cắm nhang dưới gốc cây để tưởng nhớ tinh thần yêu nước và ý chí đấu tranh bất khuất của người HS dũng cảm kiên cường Trần Văn Ơn. Phong trào lén cắm nhang dần dần lan qua các trường khác như trường nữ trung học Gia Long (nay là trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai) và lan rộng thành hoạt động cách mạng của bao thế hệ HS-SV. Những tháng năm đất nước còn chìm trong mưa bom, bão đạn, tinh thần ấy lại càng được khơi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Năm 1958, người học trò Huỳnh Tấn Mẫm, HS lớp đệ ngũ (tức lớp 8 bây giờ) bí mật đứng trên lan can phòng học lầu 1 rải truyền đơn xuống sân trường Petrus Ký vào giờ ra chơi với nội dung đả đảo Chính phủ Ngô Đình Diệm và chế độ gia đình trị.

Năm 1958, ông Hưng học xong lớp đệ nhất, hoàn thành chương trình tú tài I, ban toán. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông rời trường đi học sư phạm Long An nhưng vẫn luôn giữ liên lạc với những người bạn cùng học lớp đệ nhị ở lại tiếp tục học thi tú tài II. Với khẩu hiệu “Học thầy không tầy học bạn”, noi gương anh Trần Văn Ơn, ông không ngừng phấn đấu vươn lên trong học tập, công tác. Những tin tức của thầy cô, HS trường Petrus Ký được ông cập nhật đầy đủ. Ông đặc biệt kính phục đội quyết tử của thầy giáo người Huế, giáo sư Lê Quang Vịnh, dạy toán các lớp đệ nhị đã tổ chức mưu sát cố vấn Mỹ tại Sài Gòn năm 1961- 1962. Là HS của trường, ông còn hãnh diện hơn khi biết có người học trò giỏi toán lớp đệ nhất B, niên học 1959-1960 có biệt hiệu Trần Phong, Sáu Phong, quê Bình Dương tham gia phong trào HS- SV đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược. Người trí thức cách mạng ấy sau này là nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết.

Chia tay ông Lê Hưng, chúng tôi, thế hệ trẻ sẽ luôn khắc ghi lời nhắn gửi “mong rằng thế hệ trẻ hôm nay hãy cố gắng học tập, nuôi dưỡng tinh thần Trần Văn Ơn để góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.

K.HÀ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=314
Quay lên trên
X