Trong các bài trước, chúng tôi đã đề cập đến một số bản đồ cổ do phương Tây xuất bản khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Trong phần này, chúng tôi tiếp tục đề cập đến một số tư liệu là sách và tạp chí cổ của phương Tây liên quan đến nội dung này.
Sách Phong cảnh xứ Đàng Trong (Tableau de la Cochinchine) do E.Cortambert và Léon de Rosny biên soạn, xuất bản tại Paris năm 1862 và phần ghi rõ: “Đối diện với Huế là quần đảo Paracels tức là Kat-vang (Cát Vàng)”
Sách cổ phương Tây chỉ rõ Hoàng Sa là của Việt Nam
Theo TS. Trần Đức Anh Sơn, từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thường được miêu tả như “lưỡi dao” dài, kéo dọc suốt ngoài khơi đối diện với bờ biển Việt Nam. Tên của các quần đảo được ghi khá rõ trên bản đồ và thường được gọi là de Pracel hay Paracel Islands, Paracel, Paracels, Pracel, Parcels...
“Nằm cách bờ biển Cochinchine (tên các nước phương Tây gọi xứ Đàng Trong của Việt Nam lúc bấy giờ) và đảo Hai-nan một khoảng bằng nhau, quần đảo Pracels thuộc về đế chế An-nam”. Đó là một đoạn trên trang 221 của cuốn sách Hiệp ước sơ lược địa lý với nội dung chứa đựng bản tóm tắt hệ thống về tính chính xác của địa lý toàn cầu (Traité élémentaire de géographie: Contenant un abrégé méthodique du précis de la géographie universelle) do Malter-Brun chủ biên, với sự cộng tác của Larenaudière, Balbi và Huot, tập II, xuất bản tại Paris năm 1831.
Sách Phong cảnh xứ Đàng Trong (Tableau de la Cochinchine) do E.Cortambert và Léon de Rosny biên soạn, xuất bản tại Paris năm 1862, viết về vương quốc Cochinchine. Trang 7 liệt kê Paracel trong bảng miêu tả về Cochinchine và ghi rõ: “Đối diện với Huế là quần đảo Paracels tức là Kat-vang (Cát Vàng)”. Đây là sự khẳng định Paracels chắc chắn thuộc về Việt Nam vào thời kỳ đó.
Cuốn The Oriental Herald and Colonial Review - Tập 1 (tạm dịch Ngược dòng lịch sử Thực dân dự báo tương lai phương Đông) xuất bản ở London (Anh) năm 1824. Trang 330 của cuốn sách này có đề cập sự kiện đại úy Daniel Ross được phái đến Cochinchina (tên người Anh gọi xứ Đàng Trong của Việt Nam lúc bấy giờ) để khảo sát quần đảo Praracels (Hoàng Sa) với một bức thư ủy nhiệm rất thân thiện trình lên vua Cochinchina (tức vua Gia Long). Sự kiện đại úy Daniel Ross trình thư ủy nhiệm để xin phép khảo sát Paracels cho thấy nước Anh thời đó thừa nhận Paracels thuộc về vua Cochinchina, tức là thuộc chủ quyền của Việt Nam lúc bấy giờ.
“Khó ai có thể phản đối chủ quyền của xứ Đàng Trong đối với Hoàng Sa”
Đó là nhận định chung của một số cuốn sách khi đề cập tới chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa. Trong mắt các nhà hàng hải, các nhà phát kiến địa lý và các thương gia phương Tây từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX, quần đảo Hoàng Sa là những bãi san hô và bãi cát nguy hiểm, xa xôi nhưng triều đình phong kiến Việt Nam lại rất coi trọng, thường xuyên cắt cử người đến đo đạc, xác lập chủ quyền. Thậm chí, đích thân nhà vua đã không quản xa xôi, trắc trở để đến tận nơi cắm lá cờ chủ quyền.
Trong một trang của Tạp chí The Journal of the Asiatic Society of Bengal xuất bản tại Calcuta (Ấn Độ) năm 1837. Tập VI, phần II, có in bài viết của Giám mục Jean Louis Taberd, khẳng định: “Quần đảo Pracel hay Paracels là một khu vực chằng chịt những hòn đảo nhỏ, đá ngầm và bãi cát… Những người dân xứ Cochinchina gọi khu vực đó là Cồn Vàng”. Đặc biệt, trang 745 ghi rõ: “Mặc dù rằng hình như loại quần đảo này chỉ có độc những tảng đá ngầm mà không có gì khác và độ sâu của biển hứa hẹn những điều bất tiện hơn là sự thuận lợi, nhưng vua Gia Long vẫn nghĩ rằng ông đã tăng cường được quyền thống trị lãnh thổ của mình bằng sự sáp nhập tội nghiệp đó. Vào năm 1816, nhà vua đã tới long trọng cắm lá cờ của mình và đã chính thức giữ chủ quyền ở các bãi đá này, mà chắc chắn là sẽ không có một ai tìm cách tranh giành với ông”.
Sách Taschenbuch zur Verbreitung geographischer Kenntnisse của Johann Gottfried Sommer, xuất bản tại Praha (Séc) năm 1839, trên trang 296, mục Cochinchina (Đàng Trong), viết: “Ngoài biển của vương quốc Cochinchina có rất nhiều đảo. Nếu đứng từ đất Siam mà quan sát, ta thấy dân Cochinchina sinh sống tới tận đảo Ko-Khram, đảo này nằm dưới vĩ tuyến 13… Các đảo từ Ko-Khram tới Ko-kong vẫn còn thuộc chủ quyền của người Siam. Tuy nhiên, kể từ đây tới một chuỗi đảo khác, như: Pulo- Ubi, Pulo Pandschang và Pulo- We thì đều thuộc chủ quyền của người Cochinchina, cho dù chúng nằm rất xa bờ biển Cochinchina. Phần nhiều các đảo này đều hẹp, với các vách đá dựng đứng và được phủ bởi rừng rậm rạp, không thể sinh sống và canh tác.
Trong vùng biển Trung Hoa, chỉ có các đảo sau thuộc chủ quyền Cochinchina là quan trọng: Pulo-Condore, Pulo- Canton hay là Col-lao-Ray và Tscham-col-lao hay là Col-lao- Tscham. Ngoài các đảo này ra, năm 1816, vua Cochinchina đã chiếm hữu bãi đá san hô nguy hiểm và không có người sinh sống, gồm nhiều bãi đá và cồn cát có tên là Paracles. Khó ai có thể phản đối chủ quyền của Cochinchina về phần đất mới chiếm của vương quốc này”.
Như vậy, những tấm bản đồ và các tư liệu cổ phương Tây là những nguồn sử liệu khách quan, là bằng chứng vững chắc về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nó chứng tỏ rằng Nhà nước phong kiến Việt đã xác lập và thực thi chủ quyền liên tục và hòa bình đối với hai quần đảo này. Những bằng chứng này cũng giúp bác bỏ những luận điệu xuyên tạc lịch sử, những yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
T.S (tổng hợp)