Từ ngày 1-4 tới, cơ quan Bảo hiểm Xã hội và các bệnh viện trong cả nước bắt đầu triển khai kiểm thử việc gửi và nhận dữ liệu điện tử giấy chuyển tuyến bảo hiểm y tế và giấy hẹn khám lại, tiến tới triển khai chính thức trong toàn quốc từ ngày 1-7.
Đây là một trong những nội dung của Quyết định 4750/QĐ-BYT sửa đổi, bổ sung Quyết định 130/QĐ-BYT ngày 18/1/2023 của Bộ Y tế vừa ban hành, quy định chuẩn và định dạng dữ liệu đầu ra phục vụ việc quản lý, giám định, thanh toán chi phí khám chữa bệnh và giải quyết các chế độ liên quan.
Ảnh minh họa
Tại Quyết định này, Bộ Y tế chính thức bổ sung thêm hai bảng dữ liệu mới gồm: Bảng dữ liệu Giấy chuyển tuyến bảo hiểm y tế và Bảng dữ liệu Giấy hẹn khám lại theo quy định tại Nghị định 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ.
Bộ Y tế cho biết, theo kế hoạch trong năm 2024, Bộ sẽ phối hợp cùng với Cục C06 - Bộ Công an, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam nghiên cứu, triển khai tích hợp hai loại giấy tờ này trên các ứng dụng VNeID, VssID. Đây là nỗ lực của Bộ Y tế trong chuyển đổi số lĩnh vực bảo hiểm y tế, tiến tới loại bỏ hoàn toàn giấy chuyển tuyến và giấy hẹn khám lại bản giấy. Khi hai loại giấy tờ này được tích hợp trên ứng dụng VNeID, VssID, người bệnh khi làm thủ tục chuyển tuyến hoặc tái khám chỉ cần xuất trình giấy chuyển tuyến điện tử hoặc giấy hẹn khám lại điện tử trên ứng dụng VNeID hoặc VssID (có tích hợp sẵn mã QR).
Việc triển khai Giấy chuyển tuyến bảo hiểm y tế điện tử và Giấy hẹn khám lại điện tử góp phần phục vụ quản lý nhà nước về công tác chuyển tuyến bảo hiểm y tế, tạo kho dữ liệu tập trung phục vụ phân tích, thống kê, kịp thời điều chỉnh chính sách bảo hiểm y tế sát với thực tế. Đồng thời, giúp công khai, minh bạch trong công tác chuyển tuyến; đơn giản hoá thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian, tạo thuận lợi, tiện ích cho người bệnh, cơ sở khám chữa bệnh khi tiếp nhận, làm các thủ tục chuyển tuyến/tái khám; góp phần hạn chế các hành vi gian lận, giả mạo trong công tác chuyển tuyến; hỗ trợ cơ quan bảo hiểm xã hội trong công tác giám định, thanh toán bảo hiểm y tế.
Theo các chuyên gia, quy định phân tuyến chuyên môn, chuyển tuyến và giấy chuyển tuyến có ý nghĩa quan trọng góp phần bảo đảm ổn định, cân đối và bền vững hệ thống khám chữa bệnh và công tác khám chữa bệnh. Giấy chuyển tuyến có ý nghĩa quan trọng, cần thiết trong việc cung cấp các thông tin cơ bản như: cơ sở đã điều trị, lý do bệnh nhân chuyển tuyến, tình trạng bệnh, lịch sử điều trị, tóm tắt bệnh án... giúp cơ sở tiếp nhận có thông tin kịp thời, tổng quát về người bệnh, đồng thời cung cấp thông tin thể hiện quyền lợi, mức hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế để phục vụ việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập như: quy định đăng ký khám chữa bệnh ban đầu còn nặng về hành chính. Thủ tục chuyển tuyến, cấp giấy chuyển tuyến còn có tình trạng gây phiền hà cho người bệnh, thậm chí có trường hợp phát sinh tiêu cực, xin cho, giữ bệnh nhân lại, chưa đáp ứng sự hài lòng của người dân. Vì thế, cần hoàn thiện cơ chế tổ chức thực hiện.
Tại Nghị định 75/2023/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế do Chính phủ ban hành cũng có quy định liên quan giấy hẹn này, trong đó đã có những giải pháp để giảm thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người bệnh. Cụ thể, theo quy định cũ, bệnh nhân được hẹn khám lại vào một thời điểm nhất định hoặc đến bất kỳ thời gian nào trước ngày hẹn khám lại nếu có dấu hiệu (triệu chứng) bất thường. Giấy hẹn chỉ có giá trị sử dụng 1 lần trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày được hẹn khám lại. Nếu quá 10 ngày mà không đi khám lại, giấy hẹn sẽ hết hiệu lực, nếu muốn hưởng bảo hiểm y tế đúng tuyến phải xin giấy chuyển tuyến đúng quy định.
Tại quy định mới, nếu người bệnh không thể quay lại trong vòng thời gian 10 ngày của giấy hẹn khám lại thì có thể liên hệ trước với cơ sở y tế để đề nghị một lịch hẹn khác. Như vậy, bệnh nhân không phải xin giấy lại giấy hẹn và không phải chờ đợi.
Theo TTXVN