Người Việt xưa có rất nhiều tục lệ từ xông đất, kiêng kỵ trong mấy ngày tết đến cưới gả, cầu con… Nhiều tục lệ của người xưa tuy không có cơ sở về mặt khoa học, nhưng phần nào trấn an con người về mặt tinh thần, giúp họ vượt qua nghịch cảnh để vươn lên trong cuộc sống với cầu mong sự an lành, hạnh phúc luôn đến với mọi người, mọi nhà.
Tục xông đất vào ngày đầu năm mới
Theo quan niệm dân gian của người Việt xưa, tục xông đất là 1 trong 11 tập tục Tết cổ truyền của người Việt. Dân gian quan niệm người xông đất đầu năm rất quan trọng, vì ảnh hưởng lớn đến vận mệnh cả một năm của gia đình. Theo người xưa, ngày đầu năm mới chủ nhà thường chọn một người hợp tuổi với mình để bước vào nhà sau lễ giao thừa hay sáng mùng 1 tết. Người được mời xông đất phải hợp tuổi với gia chủ, đặc biệt phải tránh tuổi “xung khắc”.
Người được chọn xông đất thường là người ngoài, nhưng nếu không chọn được người ngoài gia chủ có thể chọn người thân trong gia đình. Thông thường nếu người thân trong gia đình được chọn xông đất đầu năm mới thì phải ra ngoài trước giao thừa và trở về nhà khi đã sang năm mới nhằm mang lại sự may mắn, tốt lành cho gia đình trong suốt cả năm.
Theo quan niệm của các cụ ngày xưa, việc xông đất hay xông nhà có ảnh hưởng rất lớn đến vận mệnh, tài lộc của gia chủ trong năm đó. Nếu tìm được người xông đất tốt, hợp tuổi thì gia chủ ăn nên làm ra, mọi chuyện tốt lành, luôn luôn may mắn, sung túc trong năm mới.
Tục cầu tự của những gia đình hiếm muộn
Cầu tự là tục lệ đã có từ rất lâu đời. Theo “Việt Nam phong tục” của Phan Kế Bính, tục này từ thời thượng cổ đã có, như vua Đế Cốc cầu tự ở đền Cao Môi mà sinh ra ông Hậu Tắc. Tục lệ này được cho là giải quyết vấn đề về niềm tin, có tác dụng như một liệu pháp tâm lý với những gia đình hiếm muộn.
Thời xưa, cứ sau tết vào khoảng tháng giêng, tháng hai, các vợ chồng hiếm muộn thường dắt nhau vào chùa Hương Tích (ngày nay gọi là chùa Hương, ở huyện
Mỹ Đức, Hà Nội) để cầu tự. Trong chùa có một hang đá, thạch nhũ mọc lổn nhổn hai bên, tục gọi là núi Cô, núi Cậu. Những người muốn cầu con trai thì đem lễ vật đến chỗ hang thạch nhũ, coi hòn nào thích mắt thì xoa tay vào mà khấn: “Cậu về ở với vợ chồng nhà tôi nhé”. Ai muốn cầu con gái thì sang dãy núi Cô và cũng khấn cầu: “Cô về ở với vợ chồng nhà tôi nhé”. Khấn xong lúc ra về, ăn thì thêm bát đũa, đi đò trả thêm tiền, xem như có người đang đi theo vậy. Sau khi cầu mà vợ có chửa sinh con thì hàng năm phải đem con về chùa tạ ơn trời phật.
Tục cầu tự cũng giống như “có bệnh thì vái tứ phương”. Tục lệ này ít được nhắc đến, nhưng được hình thành từ khao khát có con của những cặp vợ chồng hiếm muộn. Và, khao khát đó thì dù ở thời đại nào cũng đều chính đáng cả.
Tục mẹ tặng con gái chiếc trâm trước khi về nhà chồng
Ngày xưa, cứ sau khi mùa màng đã gặt hái xong, trong thời gian chờ đón tết người ta thường tổ chức cưới vợ, gả chồng cho con. Đối với những gia đình có con gái sắp theo chồng, đêm trước ngày diễn ra hôn lễ bao giờ người mẹ cũng tặng con gái chiếc trâm cài đầu hay bảy chiếc kim khâu như một tục lệ không thể thiếu trong ngày cưới.
Tục lệ này hóa ra mang ý nghĩa rất đặc biệt. Chiếc trâm cài đầu hay bảy chiếc kim khâu lại là thứ “bí truyền” mà người mẹ trao truyền cho con gái. Càng bất ngờ hơn khi biết món quà tặng này lại liên quan đến chuyện phòng the. Mục đích của việc tặng món quà “đặc biệt” này là để đề phòng tai biến “phạm phòng” trong đêm đầu tiên gần gũi nhau của cô dâu, chú rể. Trước khi về nhà chồng, cô dâu sẽ được mẹ dặn dò kỹ lưỡng về kỹ năng sơ cứu khi “phạm phòng”. Chiếc trâm cài đầu hay chiếc kim sẽ là “trợ thủ” đắc lực trong kỹ thuật ấy. Khi người chồng xuất hiện chứng co giật, chân tay lạnh toát, mạch chậm thì người vợ giữ im “hiện trường” và với tay lấy chiếc trâm cài đầu hay cái kim khâu rồi đâm mạnh vào điểm lún ở xương cùng gần kẽ hậu môn (tức huyệt trường cường hay huyệt hội âm) để cứu chồng.
Từ ý nghĩa của tục lệ này, có thể thấy thời xưa các cụ rất chu đáo. Ngày nay tục lệ này không còn, lý do chính vì thực tế rất ít trường hợp xảy ra “phạm phòng”. Hơn nữa, chuyện trai gái ngày nay tìm hiểu nhau trước đêm động phòng được coi là bình thường, kiến thức giáo dục giới tính cũng dễ dàng tìm kiếm nên trai gái phần nào làm chủ được “chuyện chăn gối" so với thời xưa.
THƯ KỲ