Thực hiện phong trào “chống rác thải nhựa” do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phát động, UBND TX.Bến Cát ban hành kế hoạch “Chống rác thải nhựa”. Theo kế hoạch này, Phòng TN&MT là nòng cốt phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, địa phương của thị xã triển khai thực hiện phong trào; lấy lực lượng học sinh, cán bộ, đảng viên, công chức hưởng lương Nhà nước làm gương mẫu trong tuyên truyền và hành động.
Cán bộ, đảng viên nêu gương
Phong trào “Chống rác thải nhựa” do Bộ TN&MT phát động đã được UBND tỉnh, Sở TN&MT cụ thể hóa bằng các văn bản cụ thể, giúp các địa phương thuận lợi trong công tác tuyên truyền, vận động toàn dân chung tay chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường, bảo đảm chất lượng cuộc sống cho hôm nay và mai sau.
Bà Phạm Thị Ngọc Nữ, chuyên viên Phòng TN&MT TX.Bến Cát - phụ trách công tác quản lý môi trường và chịu trách nhiệm triển khai thực hiện phong trào, cho hay Phòng TN&MT là cơ quan tham mưu cho UBND thị xã phát động phong trào “Nói không với rác thải nhựa”. Nhóm công tác xây dựng phong trào đã bắt tay vào nghiên cứu thực tiễn, tổ chức phỏng vấn chuyên đề về thói quen dùng bao bì, đồ nhựa sử dụng 1 lần từ người bán hàng đến người mua hàng. Qua giải pháp này bà nhận thấy người mua hàng đang bị “bắt buộc” sử dụng bao bì, đồ nhựa, tức là khách hàng bị thụ động.
Lễ phát động phong trào “Chung tay bảo vệ môi trường” ở TX.Bến Cát được tổ chức tại trường THCS Phú An. Ảnh: DUY CHÍ
Về phía người bán hàng, với 1 sản phẩm họ có thể sử dụng đến vài ba lần túi nhựa chứ không phải 1 lần. Chẳng hạn như, mua con cá, miếng thịt, người bán gói mặt hàng này cho khách trong 1 lần túi nhựa sau đó lại bỏ trong 1 túi nhựa khác để không bị thấm, bẩn. Mỗi lần đi chợ phục vụ bữa ăn hàng ngày trong gia đình 4 người, người đi chợ thường tiếp nhận từ 7 - 10 túi nhựa. Lấy con số này nhân với số hộ trong toàn thị xã sẽ ra con số rất lớn rác thải nhựa thị xã thải ra mỗi ngày.
Bà Nữ cho biết, bức tranh tổng thể đã có nhưng xây dựng phong trào thì phải bắt đầu từ việc cơ bản nhất, thế mạnh sẵn có tốt nhất địa phương có được để lan tỏa ra toàn xã hội và phát huy sức sống của phong trào. “Trong điều kiện khó khăn về nhân lực, kinh phí thực hiện và trách nhiệm được giao thì nhóm công tác xây dựng phong trào có ý tưởng: Cần kết hợp phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh chuyên đề năm 2019, trong đó lồng ghép yêu cầu nêu gương của cán bộ, đảng viên trong sinh hoạt hàng ngày phải mạnh dạn từ chối sử dụng túi nylon, túi nhựa khi có thể nhằm giảm phát thải rác thải nhựa ra môi trường”, bà Nữ nói.
Giáo dục ý thức từ trong trường học
Nhóm đối tượng chiếm số đông và có ý nghĩa rất quan trọng trong thực hiện, phát triển phong trào “Chống rác thải nhựa” là lực lượng học sinh tại các trường phổ thông trên địa bàn thị xã. Nghiên cứu thực tế của nhóm công tác xây dựng phong trào này tại TX.Bến Cát cho thấy, thức ăn nhanh, thức uống mang đi đang phổ biến trong cộng đồng trẻ. Mỗi phần thức ăn nhanh, thức uống mang đi có số lượng rác thải nhựa nhiều gấp vài lần so với số lượng rác thải của các bà nội trợ mỗi lần đi chợ mua sắm phục vụ cho bữa ăn hàng ngày cho gia đình.
Mục tiêu hướng đến của kế hoạch “Chống rác thải nhựa” của UBND TX.Bến Cát là “Cộng đồng cùng nhau chống rác thải nhựa”. Kế hoạch đề cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, từ Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, ban, ngành đến các trường học, cơ quan thông tin đại chúng, cùng vào cuộc vì mục tiêu hướng đến của phong trào liên quan mật thiết đến cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày của người dân. |
Theo bà Nữ, nhóm đối tượng nói trên có thói quen sử dụng bao bì, rác thải nhựa lớn và chiếm số đông trong số các nhóm đối tượng được nhóm công tác xây dựng phong trào nghiên cứu. Vì vậy, trong giải pháp, chiến lược tuyên truyền và phát triển phong trào phải có sự gắn kết, phối hợp giữa nhiều lực lượng, đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Đội Thiếu niên tiền phong, Ban Giám hiệu nhà trường...
Đại diện lãnh đạo Phòng TN&MT TX.Bến Cát chia sẻ, trẻ em nói chung, học sinh nói riêng vừa là lực lượng chiếm số đông vừa rất dễ tuyên truyền, giáo dục. Chúng ta giúp các em nhận thức đúng, hiểu đúng về tác hại của rác thải nhựa đối với cuộc sống, môi trường thì không chỉ giúp giảm phát thải rác thải nhựa từ lực lượng này mà còn góp phần tác động đến những người liên quan như bạn bè, ông bà, cha mẹ, gia đình của các em. Như vậy, phong trào “Chống rác thải nhựa” sẽ đi sâu vào cuộc sống và sức lan tỏa sẽ xa hơn.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, phụ huynh học sinh trường Tiểu học Thới Hòa (TX.Bến Cát), góp ý: Việc tuyên truyền, giáo dục ý thức về phong trào “Chống rác thải nhựa” đến trẻ em, học sinh có nhiều thuận lợi; đây cũng là lực lượng làm nòng cốt phát triển các phong trào liên quan đến môi trường, cuộc sống. Bởi vì các em là lực lượng trẻ được nuôi dưỡng, giáo dục chuẩn bị cho cuộc sống tương lai. Chúng ta từng nghe câu chuyện khi được học về an toàn giao thông, đèn tín hiệu giao thông các em đã lên tiếng nhắc nhở phụ huynh phải dừng lại khi đến đèn vàng, đèn đỏ. Nếu cha mẹ, phụ huynh không nêu gương, cứ phớt lờ nhắc nhở của các cháu hoặc biện minh bằng lý do riêng sẽ làm mất đi ý nghĩa giáo dục. Ngược lại nếu cha mẹ, phụ huynh hợp tác, khen tặng, cổ vũ các cháu thì tác dụng giáo dục, ý nghĩa của phong trào sẽ được nhân rộng, phát triển rất tốt.
Cùng nhau giảm phát thải rác thải nhựa
Hướng tuyên truyền tiếp cận cộng đồng trong thực hiện kế hoạch “Chống rác thải nhựa” của UBND TX.Bến Cát được Phòng TN&MT thị xã triển khai bằng việc in, phát 7.000 tờ rơi được thiết kế đầy đủ nội dung. Cụ thể, các tờ rơi có nội dung: Sử dụng túi nhựa, vỏ chai nhựa không đúng cách sẽ dẫn đến tác động không tốt cho cơ thể, như đốt túi nhựa sẽ tạo ra khí carbonic và metan là những chất khí gây hiệu ứng nhà kính, đồng thời tạo ra dioxin là thành phần cực độc cho cơ thể..; gánh nặng của môi trường, đất, nước, sản xuất nông nghiệp do ô nhiễm rác thải nhựa...
Bà Nữ cho biết, nhóm công tác xây dựng phong trào đã xây dựng 2 phương án tuyên truyền tiếp cận cộng đồng là sử dụng túi vải tặng các bà nội trợ khi đi chợ kèm theo tờ rơi hướng dẫn sử dụng túi vải, hạn chế sử dụng túi nhựa. Giải pháp này nhằm tuyên truyền vận động tiểu thương, người mua bán tại chợ Bến Cát sử dụng bao bì thay thế bao bì nhựa đối với các trường hợp cụ thể để hạn chế phát thải rác thải nhựa. Phương án tiếp theo, nhóm công tác xây dựng phong trào chọn một vài điểm bán lẻ, bán thức ăn nhanh trên địa bàn thị xã vận động chuyển đổi từ gói hàng bằng túi nhựa sang gói hàng bằng túi giấy hợp vệ sinh.
Để các phương án này đi vào cuộc sống cần có thời gian nghiên cứu, chuẩn bị thêm cho phù hợp với đặc điểm sinh hoạt hàng ngày của người dân. Ngoài ra, các địa phương của thị xã còn vận động đặt các thùng rác công cộng với 2 màu khác nhau: Màu xanh là rác dễ phân hủy; màu vàng là rác không phân hủy để rác thải nhựa không làm ảnh hưởng đến môi trường.
Kỹ sư Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Công ty Xây dựng Hùng Phương (phường Mỹ Phước, TX.Bến Cát), chia sẻ ngày nay, ý thức về bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường của người dân đã được nâng lên. Nhiều quán ăn trên địa bàn thị xã đã biết khai thác tâm lý, ký ức và ý thức của khách hàng bằng việc dùng lá chuối, lá sen để bày trí thức ăn vừa mới lạ vừa thể hiện tính thân thiện với môi trường. Việc chuyển đổi từ bao bì nhựa sang bao bì xanh dễ phân hủy, không ô nhiễm đã được các cấp, các ngành phát động. Đến nay, đã có nhiều siêu thị, điểm bán hàng trong tỉnh cũng như cả nước áp dụng giải pháp này bằng cách gói rau, gói thịt, cá bằng lá chuối. Cách làm này cần được phát huy, nhân rộng. Để cách làm này phát huy tốt hiệu quả, bước đầu Nhà nước có thể giao cho đơn vị nào đó cung cấp có hỗ trợ kinh phí, vì muốn thay đổi một thói quen cần phải kiên trì và tạo điều kiện tốt để mọi người cùng thay đổi. |
DUY CHÍ