TX.Tân Uyên: Kinh tế hợp tác chuyển mạnh sang mô hình mới

Cập nhật: 27-09-2017 | 08:24:11

Hợp tác xã (HTX) là mô hình làm ăn hợp tác nhằm phát huy thế mạnh giữa những người có nghề nhưng ít vốn, thị trường tiêu thụ không lớn. Với mô hình HTX kiểu mới theo Luật HTX năm 2012, TX.Tân Uyên đã tập trung chuyển đổi mạnh mô hình tổ hợp tác (THT), HTX theo hướng phát huy thế mạnh của địa phương, tay nghề của xã viên.

HTX Vận tải - Xây dựng tham gia công trình giao thông nông thôn trên địa bàn TX.Tân Uyên. Ảnh: DUY CHÍ

 

 Trước những “dư âm” của mô hình HTX kiểu cũ, thành lập cho có, theo phong trào…, hiện nay mô hình HTX, THT được TX.Tân Uyên quan tâm đổi mới theo Luật HTX năm 2012 nhằm mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống của xã viên. Để làm được điều đó, nhiệm vụ đầu tiên thị xã cần phải thực hiện là chọn lựa, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ làm công tác này.

Mạnh dạn chuyển đổi phương thức hoạt động

TX.Tân Uyên hiện có 13 HTX với 382 thành viên, vốn điều lệ 140,3 tỷ đồng, hoạt động trên các lĩnh vực nông nghiệp, thương mại - dịch vụ, vận tải - xây dựng, tiểu thủ công nghiệp. Tổng số cán bộ quản lý của 13 HTX là 96 người, gồm 55 cán bộ có trình độ chuyên môn đại học, 17 người có trình độ cao đẳng, trung cấp 2 người, sơ cấp 22 người. Trong số này có 30 người là cán bộ chủ chốt, đã được đào tạo chuyên môn về Luật HTX, được trang bị kiến thức chuyên môn phù hợp với hoạt động của HTX, vượt 50% so với yêu cầu.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX trên địa bàn TX.Tân Uyên tiếp tục chuyển biến. 8 tháng qua, tổng doanh thu của các HTX đạt 67,3 tỷ đồng; thu nhập bình quân đạt từ 4 - 5 triệu đồng/tháng/xã viên. Nhiều HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả đã tạo được uy tín trên thị trường và tích cực xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, được thị trường biết đến như HTX Thành Nam, HTX Tân Nông Phát, HTX Phước Thành…

Theo Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển kinh tế hợp tác TX.Tân Uyên, có được kết quả đó là nhờ đội ngũ quản lý yêu nghề, gắn bó với công việc, được trang bị kiến thức phù hợp. Các HTX đã tích cực chuyển đổi phương thức hoạt động, thay đổi mô hình từ HTX kiểu cũ sang mô hình HTX kiểu mới, phù hợp với Luật HTX năm 2012. Trong quá trình chuyển đổi, có 1 HTX hoạt động không hiệu quả đã được xem xét, cho tiến hành các thủ tục giải thể theo quy định.

Cùng với HTX, mô hình THT trên địa bàn TX.Tân Uyên cũng phát triển tốt. Từ đầu năm đến nay, thị xã đã thành lập mới được 3 THT, nâng tổng số đến nay trên địa bàn có 20 THT với 187 thành viên, vốn hoạt động 4,3 tỷ đồng. Doanh thu của các THT đạt 3 tỷ đồng/năm; thu nhập của tổ viên đạt 5,7 triệu đồng/tháng. Do hoạt động không hiệu quả, THT chăn nuôi bò phường Thạnh Phước đã được xem xét giải thể.

Cái hay của mô hình mới

So với mô hình HTX kiểu cũ, HTX kiểu mới có nhiều cái mới, phù hợp. Ban lãnh đạo, cán bộ chủ chốt của HTX là những người có tâm huyết, trách nhiệm và kiến thức quản lý điều hành HTX theo sự vận hành của nền kinh tế thị trường, đáp ứng được yêu cầu “sản xuất, kinh doanh sản phẩm mà thị trường cần”, thay cho “chỉ bán cái mình có” như trước đây. Từ đó, các HTX đã phát huy được thế mạnh về kinh nghiệm, tay nghề của xã viên, cũng như thế mạnh của địa phương về đất đai, thổ nhưỡng, nguồn nguyên liệu, sản phẩm gắn với làng nghề…

Ông Nguyễn Bình Phước, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, trong quá trình phát triển sản xuất, kinh doanh, tiếp cận thị trường, các HTX cần chủ động đổi mới sản xuất, ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại để tiết kiệm chi phí, nâng cao hàm lượng chất xám/đơn vị sản phẩm.

Theo ông Phước, Sở Khoa học và Công nghệ sẵn sàng hỗ trợ các xã viên, HTX để đổi mới và ứng dụng khoa học - công nghệ vào trong sản xuất. Sở cũng có nguồn quỹ phát triển khoa học - công nghệ khá lớn, sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ các HTX, xã viên khi có yêu cầu đổi mới, phát triển khoa học - công nghệ, phát triển sản xuất.

 Ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng ban Đổi mới phát triển kinh tế tập thể tỉnh cho biết, các nước phát triển như Đức, Nhật Bản hiện nay vẫn tồn tại mô hình HTX, vì hoạt động rất hiệu quả, phù hợp với kinh tế thị trường, không có sự hỗ trợ của Nhà nước. Cụ thể ở Nhật Bản, vẫn còn các HTX gia công các chi tiết của đồng hồ Thụy Sĩ. Bởi vì những món này mà sản xuất tại Thụy Sĩ thì giá thành sẽ rất cao và không bảo đảm bí mật sản xuất. Đây chính là hướng đi, là thị trường tiêu thụ mà các HTX hướng đến.

Bình Dương là tỉnh đầu tiên của cả nước triển khai mạnh mẽ các giải pháp hỗ trợ phát triển HTX kiểu mới bằng nhiều cách đào tạo, dạy nghề, hỗ trợ vốn… Nếu xã viên HTX có nghề, quyết tâm thì dễ thành công.

 DUY CHÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=850
Quay lên trên