Ứng dụng công nghệ thông tin kết nối cơ sở cung ứng thuốc: Người dân dễ tiếp cận, biết thông tin thuốc sử dụng

Cập nhật: 04-09-2018 | 08:52:32

Việc thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) kết nối cơ sở cung ứng thuốc trên toàn quốc không chỉ giúp cơ quan quản lý trong công tác quản lý dữ liệu, mà còn giúp người dân biết được những thông tin liên quan đến thuốc mình đang dùng và có thói quen sử dụng thuốc theo đơn…

Bệnh viện đã triển khai thực hiện

Nhằm tăng cường giám sát hoạt động kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản pháp quy quy định hoạt động này. Hiện nay, hầu hết các bệnh viện đã áp dụng và triển khai thực hiện việc kê đơn điện tử đã giảm được nhiều sai sót trong việc kê đơn thuốc cho bệnh nhân ngoại trú. Tuy nhiên, việc thực hiện quy chế kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, vẫn còn tình trạng kê đơn theo tên thương mại đối với trường hợp thuốc không có nhiều hoạt chất. Nội dung ghi hướng dẫn cho bệnh nhân cũng còn sai sót và chưa đầy đủ về hàm lượng, liều dùng, đường dùng, thời điểm dùng; thông tin bệnh nhân chưa đầy đủ. Những bất cập này đã và đang tồn tại, cần có các biện pháp khắc phục cụ thể, kịp thời nhằm hướng tới sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và kinh tế.


Người bệnh nhận thuốc BHYT tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc mới đây, Bộ Y tế cho rằng, cùng với sự phát triển của nền kinh tế và sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, trong những năm gần đây, mạng lưới kinh doanh dược cũng phát triển, hệ thống các doanh nghiệp, công ty, nhà thuốc phát triển rộng khắp trên toàn quốc. Điều này đã góp phần bảo đảm quyền của người dân được tiếp cận thuốc, đặc biệt là người dân ở những địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa và đã có những đóng góp tích cực bảo đảm cung cấp kịp thời, đầy đủ thuốc có chất lượng với giá cả hợp lý cho nhân dân. Tuy nhiên, hoạt động cung ứng thuốc đang gặp nhiều thách thức như tình trạng mua bán thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc giả, thuốc kém chất lượng, mua bán thuốc không theo đơn, đặc biệt là mua bán, sử dụng thuốc kháng sinh không có đơn thuốc dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh ở mức độ đáng báo động. Nguyên nhân quan trọng của tình trạng này theo Bộ Y tế đó là do thói quen mua bán sử dụng thuốc không cần đơn, không theo đơn còn nhiều...

Trước tình hình đó, ngày 25-10-2017, tại Hội nghị Trung ương 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới và Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 31-12-2017 của Chính phủ về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW. Một trong những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhằm thúc đẩy, phát triển ngành dược đó là “Tập trung quản lý hệ thống bán buôn, bán lẻ, các nhà thuốc trong và ngoài bệnh viện. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để truy xuất nguồn gốc thuốc, chấn chỉnh tình trạng bán thuốc không theo đơn. Ứng dụng CNTT, thực hiện kết nối, bảo đảm kiểm soát xuất xứ, giá cả thuốc được mua vào, bán ra ở mỗi nhà thuốc trên toàn quốc”.

Ngày 10-7-2018, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 90/NQ-CP về nghị quyết phiên họp Chính phủ với các địa phương và phiên họp thường kỳ tháng 6-2018. Theo chỉ đạo của Chính phủ tại nghị quyết này, “Bộ Y tế thực hiện việc kết nối các nhà thuốc, các cơ sở cung ứng thuốc theo quy định, kiểm soát chặt chẽ việc kê đơn thuốc, mua bán và sử dụng thuốc theo đơn, quản lý hiệu quả hệ thống cung ứng thuốc. UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo việc kết nối các nhà thuốc, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân và các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở cung ứng thuốc thực hiện”.

Nhiều lợi ích

Với việc triển khai ứng dụng CNTT kết nối các cơ sở cung ứng thuốc, người dân dễ dàng tiếp cận với các thông tin của thuốc như nguồn gốc xuất xứ, hạn dùng, cách dùng, liều dùng. Các cơ sở cung ứng thuốc cũng có công cụ hữu hiệu phục vụ hoạt động kinh doanh như chức năng thống kê, báo cáo, kiểm soát chặt chẽ hạn dùng của thuốc…

Việc ứng dụng CNTT kết nối cơ sở cung ứng thuốc có ý nghĩa rất quan trọng, mang lại nhiều lợi ích cho cơ quan quản lý cũng như người sử dụng. Tại hội nghị trực tuyến triển khai ứng dụng CNTT kết nối cơ sở cung ứng thuốc toàn quốc mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam bày tỏ sự đồng tình rất cao đối với việc kết nối này. Ông cho rằng, những thông tin liên quan đến thuốc như: Quản lý giá thuốc, nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng, công dụng, giá cả, bảo quản thuốc, thuốc giả, thuốc nhái… luôn được người dân quan tâm. Việc thực hiện kết nối mạng các cơ sở cung ứng thuốc có ý nghĩa rất quan trọng, giúp người dân dễ dàng biết được những thông tin liên quan đến loại thuốc mình mua, làm thay đổi thói quen của người dân trong việc mua thuốc theo đơn; tiến tới loại bỏ dần những hành vi kinh doanh thuốc gian lận.

Theo lộ trình chung, hết năm 2018 sẽ hoàn thành việc kết nối đối với các nhà thuốc và trạm y tế xã; trong năm 2019 sẽ triển khai đến các tủ thuốc, cơ sở bán lẻ thuốc còn lại trên phạm vi toàn quốc. Hiện nay, ngành y tế Bình Dương cũng đang tích cực xây dựng kế hoạch nhằm triển khai thực hiện việc kết nối cơ sở cung ứng thuốc trên địa bàn tỉnh trong thời gian sớm nhất.

CẨM LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=783
Quay lên trên