Ứng dụng khoa học - công nghệ: “Chìa khóa” tạo động lực phát triển nhanh và bền vững

Cập nhật: 13-04-2023 | 09:26:35

Hiện toàn tỉnh có 212 hợp tác xã (HTX), trong đó lĩnh vực nông nghiệp dẫn đầu về số lượng với 68 HTX. Ứng dụng khoa học công nghệ đang là “chìa khóa” tạo động lực cho kinh tế tập thể, HTX có sức cạnh tranh trên thị trường, mang lại hiệu quả giá trị kinh tế cao, phát triển nhanh và bền vững.

 Ông Nguyễn Hồng Quyết, Giám đốc HTX Kim Long, xã An Bình, huyện Phú Giáo kiểm tra hệ thống phun tưới tự động theo công nghệ Israel ứng dụng trong mô hình sản xuất dưa lưới

 Giá trị kinh tế cao

Mạnh dạn đầu tư ứng dụng khoa học - công nghệ (KH-CN) trong trồng trọt, HTX Cây ăn trái Tân Mỹ (xã Tân Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên) đã đầu tư vào quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Bên cạnh đó, HTX ứng dụng hệ thống tưới tự động, quy trình làm hàng, đóng gói sản phẩm để giảm chi phí lao động. Đối với dưa lưới, HTX trồng trên giá thể xơ dừa, bón phân hữu cơ kết hợp nước tưới tiêu từ nguồn nước suối tự nhiên.

Anh Lê Minh Sang, Giám đốc HTX Cây ăn quả Tân Mỹ, cho biết: “Đến nay, nhiều sản phẩm của HTX đã đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh như bưởi da xanh của HTX đã đạt 4 sao, bưởi đường lá cam đạt 3 sao, dưa lưới đạt 3 sao. Hiện nay sản phẩm bưởi da xanh của HTX được tiêu thụ với số lượng lớn trong siêu thị Co.opmart, ngoài ra, sản phẩm bưởi da xanh còn được xuất khẩu. Doanh thu thành viên thời điểm cao nhất đạt tới 1-2 tỷ đồng/tháng đối với vườn lớn”. Hiện tại, diện tích vườn bưởi của HTX Tân Mỹ cho thu hoạch quanh năm, trong đó hơn 40 ha cây bưởi luân phiên ra trái do các hội viên HTX trồng, có thể điều chỉnh được mùa vụ để cây bưởi ra hoa, kết trái theo ý muốn, cũng như cân nặng của quả bưởi để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Tại HTX Kim Long, xã An Bình, huyện Phú Giáo, nhờ việc ứng dụng KH-CN với hệ thống phun tưới tự động theo công nghệ Israel, hệ thống nhà màng… vào mô hình trồng dưa lưới, sản phẩm của HTX đã đạt chất lượng cao, được công nhận đạt chuẩn VietGAP và OCOP. Ông Nguyễn Hồng Quyết, Giám đốc HTX Kim Long, xã An Bình, huyện Phú Giáo, cho biết: “Bình quân hiện nay trên diện tích 18 ha, mỗi năm HTX thu hoạch khoảng 1.000 tấn dưa, cung ứng chủ yếu cho hệ thống Bách hóa xanh, BigC. Doanh thu HTX đạt hơn 40 tỷ đồng/năm, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho các thành viên”.

Ông Hà Văn Phúc, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho biết: “Những năm qua, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh và Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp chặt chẽ, triển khai nhiều hoạt động về chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng KH-CN mới vào hoạt động sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế tập thể địa bàn tỉnh, thúc đẩy nền sản xuất xanh”.

Đẩy mạnh chuyển đổi số

Chuyển đổi số được xác định là “chìa khóa” tạo động lực cho kinh tế tập thể, HTX phát triển nhanh và bền vững. Thời gian qua, nhiều HTX đã tiếp cận chuyển đổi theo mô hình HTX kiểu mới, linh hoạt, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, thích ứng với nhu cầu thị trường, góp phần làm thay đổi tổ chức và quản trị hoạt động của HTX so với phương thức quản lý truyền thống, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.

Ông Nguyễn Thanh Kiên, Giám đốc HTX Ổi Thanh Kiên, huyện Phú Giáo, chia sẻ năm 2022, HTX đã được Liên minh HTX Việt Nam hỗ trợ hệ thống tưới tự động EOTI. Từ khi sử dụng hệ thống tưới này, HTX đã tiết kiệm được nước, thời gian và chi phí nhân công, đồng thời có thể hòa tan phân bón trong hệ thống này, mang lại hiệu quả cao cho cây trồng. Đặc biệt, toàn bộ quá trình trồng ổi tại HTX đều được quản lý bằng ứng dụng trên điện thoại di động, như hệ thống tự động chăm sóc cây trồng tưới tiêu thông minh, giám sát điều kiện môi trường cây trồng từ xa và quản lý, điều khiển thông qua Smartphone. Hiện trên diện tích 5 ha ổi sử dụng hệ thống tưới tự động, cho thu nhập 500 triệu đồng/năm. Ngoài cung cấp cho thị trường trong nước, sản phẩm ổi của HTX Thanh Kiên còn được xuất sang các nước Nhật Bản, Ấn Độ, Singapore, Hàn Quốc.

Ông Nguyễn Minh Châu, Phó Giám đốc Sở KH-CN, cho biết: “Trong thời gian tới, Sở KH-CN sẽ tập trung hỗ trợ ứng dụng KH-CN vào phát triển các ngành nghề chăn nuôi, trồng trọt cho các tổ chức kinh tế tập thể theo hướng sản xuất hàng hóa vùng chuyên canh tập trung, có sức cạnh tranh cao, dần khẳng định thương hiệu, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh đó, Sở KH-CN còn hỗ trợ triển khai các dự án chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh của các ngành hàng nông nghiệp. Các dự án ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao sẽ tạo ra giá trị tăng thêm cho các ngành hàng nông nghiệp. Sở KH-CN cũng phối hợp hỗ trợ tổ chức kinh tế tập thể phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng chuyển giao công nghệ”.

 Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh: “Sự chủ động hợp tác chặt chẽ, linh hoạt giữa 2 ngành KH-CN và nông nghiệp, tích cực triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển KH-CN, tạo tiền đề cho việc đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và phát triển đồng bộ nông nghiệp - nông dân và nông thôn. Đặc biệt, với việc phát huy lợi thế của mô hình hợp tác 3 nhà (nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp), lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh đã dần định hình và phát triển theo hướng hiện đại, bền vững hơn”.

 PHƯƠNG LÊ - QUANG TRÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên