Trong những năm vừa qua, Viện Phát triển ứng dụng, trường Đại học Thủ Dầu Một đã đẩy mạnh hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương.
Trại nấm linh chi đỏ của anh Vương Văn Minh vào vụ thu hoạch
Nâng cao giá trị
Viện Phát triển ứng dụng (Viện), trường Đại học Thủ Dầu Một tiền thân là Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm với chức năng nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, hoạt động từ năm 2016. Thời gian qua, viện đã và đang hợp tác chuyển giao với nhiều doanh nghiệp, hộ sản xuất cá nhân trong lĩnh vực sản phẩm chăm sóc sức khỏe, công nghệ sản xuất nấm dược liệu có giá trị kinh tế cao, tốt cho sức khỏe. Đơn cử như các sản phẩm cao được chiết xuất từ nấm đông trùng hạ thảo và nấm linh chi hợp tác với Công ty Cổ phần MHD Inocare; quy trình nuôi trồng các loại nấm dược liệu và nấm ăn hợp tác với Công ty Cổ phần Dược phẩm Khang Minh…
TS.Nguyễn Thị Liên Thương, Giám đốc Viện Phát triển ứng dụng, cho biết: “Là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, hoạt động chuyển giao công nghệ luôn được chúng tôi đẩy mạnh, đưa giá trị khoa học tiếp cận cuộc sống. Cụ thể, chúng tôi đưa những kết quả nghiên cứu khoa học của giảng viên, sinh viên ứng dụng trong đời sống nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh nhà và khu vực”.
Năm 2017, thông qua người bạn giới thiệu, anh Vương Văn Minh, khu phố 5, phường Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một đã tìm đến Viện Phát triển ứng dụng để nhận hợp tác chuyển giao công nghệ trồng nấm linh chi đỏ và nấm rơm. Anh Vương Văn Minh, chia sẻ: “Thời gian đầu mới tiếp nhận công nghệ, gia đình tôi cũng gặp khó khăn trong quá trình trồng, chăm sóc nấm linh chi đỏ. Mỗi khi gặp khó khăn nào chúng tôi đều được viện cử người đến tận tình hướng dẫn cách phòng bệnh và trị bệnh cho nấm. Nhờ đó, tôi đã có kinh nghiệm hơn và làm thành công với mô hình này”.
Anh Minh cho biết, một năm gia đình anh trồng 2 mùa nấm linh chi đỏ trên diện tích hơn 300m2, mỗi mùa trồng nhiều nhất 20.000 phôi nấm. Thời gian từ khi trồng nấm đến khi được thu hoạch khoảng 4 tháng. Bình quân gia đình anh thu về khoảng 200 triệu đồng/năm sau khi trừ hết chi phí đầu tư. Ngoài ra, sau khi thu hoạch nấm linh chi, gia đình còn tận dụng các giá thể để lên men làm nấm rơm. Số nấm rơm này đã cho gia đình anh thu hoạch mỗi ngày được 1 triệu đồng. Sau khi thu hoạch nấm rơm, phần các giá thể còn lại anh tận dụng làm phân vi sinh bán cho các chủ vườn trồng cây bon sai, cây cảnh.
Anh Vương Văn Minh, cho biết: “Trang trại trồng nấm linh chi đỏ và nấm rơm theo quy trình khép kín từ sự chuyển giao, hỗ trợ công nghệ của Viện Phát triển và ứng dụng đã thật sự mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình. Nhờ đó gia đình đã có điều kiện chăm lo cho con cái học hành đến nơi đến chốn”.
Xây dựng chuỗi giá trị
TS.Nguyễn Thị Liên Thương, Giám đốc của Viện Phát triển ứng dụng, cho biết: “Hiện nay, hoạt động chuyển giao công nghệ của viện tập trung vào hướng công nghệ chế biến để nâng chuỗi giá trị nông sản. Vừa qua, viện đã nghiên cứu thành công công nghệ chế biến trà, tiêu biểu là sản phẩm trà đen hợp tác với Công ty Trà Biển Hồ”.
Theo TS.Nguyễn Thị Liên Thương, trà là ngành mũi nhọn của kinh tế thế giới. Hiện thành phẩm của Việt Nam chưa xâm nhập được vào thị trường trà đen của thế giới. Mong muốn của viện là phát triển công nghệ lên men để phối hợp với doanh nghiệp, có thêm nhiều sản phẩm xuất khẩu. Vừa qua, viện đã chuyển giao công nghệ chế biến trà đen cho Công ty Trà Biển Hồ ứng dụng sản xuất 600 ha tại Gia Lai. Đây là dự án được đánh giá thành công, đưa vào ứng dụng sản xuất mang lại giá trị kinh tế.
Theo TS.Nguyễn Thị Liên Thương, sau khi viện chuyển giao kết quả nghiên cứu, doanh nghiệp sẽ đưa vào ứng dụng ngay trên dây chuyền sản xuất. Ngoài việc chuyển giao các quy trình công nghệ, viện còn tư vấn nghiên cứu về bố trí dây chuyền sản xuất phù hợp với nhà máy. Ngoài ra, viện còn phối hợp với doanh nghiệp nghiên cứu sâu hơn về các sản phẩm. Ví dụ, ngoài trà đen đang phục vụ ngành thực phẩm, viện nghiên cứu sâu hơn các công nghệ kế tiếp như chế suất lên men trà đen để có những giá trị tốt hơn. “Giai đoạn tới viện mong muốn tạo sự kết nối, xây dựng chuỗi khép kín liên tục thành hệ sinh thái, mang lại lợi ích chung cho cộng đồng”, TS.Nguyễn Thị Liên Thương chia sẻ.
Có thể thấy, kết quả nghiên cứu và chuyển giao của viện theo định hướng của nhà trường đã tạo được niềm tin với doanh nghiệp và người tiêu dùng, khẳng định định hướng đúng đắn của trường trong hỗ trợ phát triển ứng dụng. Các đề tài của sinh viên và cán bộ giảng viên cũng được định hướng dần theo tính khả thi trong ứng dụng để làm nguồn tài nguyên chuyển giao sau này. Các kết quả nghiên cứu đề tài cấp trường của cán bộ giảng viên được ứng dụng làm tài liệu tham khảo phục vụ công tác đào tạo hoặc chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học.
PHƯƠNG LÊ - QUANG TRÍ