Việt Nam hiện còn lưu giữ nhiều văn bản cấp Nhà nước chứng minh chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa. Nhiều sách điển chế, lịch sử, địa lý, nhiều bản đồ của Việt Nam và nước ngoài cũng ghi rõ việc xác lập chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa. Những bằng chứng đó mang đầy đủ giá trị lịch sử và pháp lý chứng minh mạnh mẽ chủ quyền của Việt Nam ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Hệ thống văn bản (cổ) của Nhà nước
Chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được ghi chép trên tư liệu và bản đồ từ thời Lê. Vua Lê Thánh Tông là người đầu tiên cho vẽ rõ Hoàng Sa và Trường Sa trên Hồng Đức bản đồ - bản đồ quốc gia đầu tiên đến nay được biết của Việt Nam - hoàn thành năm Hồng Đức thứ 21 (1490). Nhiều bộ sách khác thời Lê - Trịnh như Đại Việt sử ký tục biên (1775) hay Hậu Lê thời sự kỷ lược (1676-1789) do các sử thần thời Lê - Trịnh viết nhiều chi tiết về việc khai thác sản vật ở Hoàng Sa. Hậu Lê thời sự kỷ lược viết: “Đặt đội Hoàng Sa gồm 70 suất, lấy người xã An Vĩnh xung vào đội ấy, cắt lược nhau đi thuyền đến đảo mò tìm sản vật. Mỗi năm cứ tháng ba ra đi, mang lương ăn sáu tháng, đi thuyền ra biển ba ngày ba đêm mới đến đảo. Ở đấy tha hồ tìm nhặt, được sản vật gì, bao nhiêu, đến kỳ tháng tám thuyền cửa Eo, đem đến Phú Xuân nộp. Trong khoảng ấy cũng có người mò được tiền bạc, chì, thiếc, nồi đồng, súng, khí giới, ngà voi, bát bằng đá...”.
Các châu bản triều Nguyễn có nội dung nhất quán khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa
Phủ biên tạp lục (1776) của Lê Quý Đôn, quyển 2 có hai đoạn văn đề cập đến việc Chúa Nguyễn xác lập chủ quyền của Đại Việt tại Hoàng Sa bằng hoạt động của đội dân binh Hoàng Sa kiêm quản đội Bắc Hải ở phía Nam (tức Trường Sa). Dư địa chí (1821) của Phan Huy Chú, hoặc Hoàng Việt dư địa chí (thường gọi là cuốn Địa dư Minh Mạng được khắc in vào năm Minh Mạng thứ 14 (1833) và sau đó được tái khắc in nhiều lần) hay Đại Nam thực lục (phần Tiền biên, quyển 10, soạn năm 1821, khắc in năm 1844) của Quốc Sử quán triều Nguyễn đều ghi chép những hoạt động của đội quân Hoàng Sa và đội Bắc Hải, tiếp tục khẳng định việc xác lập chủ quyền của Đại Việt.
Cho đến thời Nguyễn đã có một hệ thống văn bản Nhà nước gồm các châu bản (có bút phê của vua bằng mực đỏ); những bản tấu, phúc tấu của đình thần các bộ (như bộ Công) và các cơ quan khác về các công việc quản lý và khai thác Hoàng Sa - Trường Sa; những Dụ của vua chỉ đạo các công việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa như việc vãng thám, đo đạc, vẽ họa đồ Hoàng Sa, cắm cột mốc... Theo thời gian, có thể thấy các văn bản này có tính liên tục với nội dung nhất quán khẳng định chủ quyền, phản ánh việc quản lý, khai thác của Việt Nam trên hai quần đảo này trong hòa bình, không có tranh chấp. Xin nêu một vài dẫn chứng:
- Dụ ngày 18 tháng 7 năm Minh Mạng thứ 16 (1835) có đoạn viết: “Giao cho Bộ Công phạt cai đội Hoàng Sa Phạm Văn Nguyên 80 trượng vì tội trì hoãn thời gian công tác... Phạt 80 trượng giám thành Trần Văn Vân, Nguyễn Văn Tiệm, Nguyễn Văn Hoằng chưa chu tất việc vẽ bản đồ Hoàng Sa... Thưởng dân binh đội Hoàng Sa Võ Văn Hùng, Phạm Văn Sanh, mỗi người một quan tiền vì đã có công hướng dẫn hải trình của thủy quân đi Hoàng Sa”.
- Phúc tấu của Bộ Công ngày 12 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 17 (1836) trong tập châu bản Minh Mạng 55 trang 336, ghi lời phê của vua Minh Mạng: “Mỗi thuyền vãng thám Hoàng Sa phải đem theo 10 tấm bài gỗ (cột mốc) dài 4, 5 thước, rộng 5 tấc, khắc sâu hàng chữ: Năm Bính Thân (Minh Mạng thứ 17), họ tên cai đội thủy quân phụng mệnh đi đo đạc, cắm mốc ở Hoàng Sa để lưu dấu. Vua cũng phê rằng thuyền đi đâu, phải cắm cột mốc đến đó để lưu dấu. Phúc tấu cũng còn ghi chánh đội trưởng Phạm Hữu Nhật được phái từ Thuận An vào Quảng Ngãi để đi công tác Hoàng Sa”.
- Dụ ngày 13 tháng 7 năm Minh Mạng thứ 18 (1837) có đoạn viết: “Trước có phái thủy sư, giám thành, binh dân hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định đi Hoàng Sa đo đạc, cắm mốc, vẽ họa đồ, trừ bọn Phạm Văn Biện gồm bốn tên can tội đã có chỉ phạt trượng, còn binh dân đi theo lặn lội biển cả cực khổ, thưởng mỗi tên binh đinh một tháng lương, dân phu mỗi tên 2 quan tiền”.
- Trong tập Châu bản ngày 19 tháng 7 Minh Mạng thứ 19 (1838) có ghi: “Xin chiếu lệ miễn thuế năm nay cho hai chiếc “bổn chinh thuyền” đã đưa binh dân đến Hoàng Sa đo đạc giáp vòng từ hạ tuần tháng 3 tới hạ tuần tháng 6, hoàn tất công vụ nay đã trở về”.
- Tờ Tâu số 664 ngày 27 tháng 12 năm Bảo Đại thứ 13 (15-2-1939) của Phạm Quỳnh, Tổng lý Ngự tiền văn phòng Nội các thời Bảo Đại, xin vua phê chuẩn thưởng tặng cho người có công phòng thủ Hoàng Sa.
Sách sử và tư liệu trong dân
Bên cạnh những tư liệu gốc là các văn bản kể trên còn nhiều sách điển chế, chính sử, sách địa lý minh chứng chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (1851) của Nội các triều Nguyễn chép việc dựng miếu ở Hoàng Sa trong quyển 207; trong quyển 221 chép: “Bộ Công tâu rằng: Hoàng Sa ngoài biển rất là hiểm yếu. Hàng năm cần phải đi khám dò khắp chỗ thuộc đường bể. Lại từ năm nay trở về sau, mỗi khi hạ tuần tháng giêng, chiếu theo lệ ấy mà làm”. Sách Đại Nam thực lục chính biên, được Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, trong đệ nhất kỷ (khắc in năm 1848); đệ nhị kỷ (khắc in xong năm 1864); đệ tam kỷ (khắc in xong năm 1879) có đến 11 đoạn viết về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa với nhiều nội dung mới, phong phú, rất cụ thể về sự tiếp tục xác lập chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sách Đại Nam nhất thống chí (1882 soạn xong, 1910 soạn lại lần 2 và khắc in) cũng do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, xác định Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Ngãi và tiếp tục khẳng định hoạt động đội thủy quân Hoàng Sa và đội thủy quân Bắc Hải do đội Hoàng Sa kiêm quản. Quyển 3, đời Minh Mạng, sách Quốc triều chính biên toát yếu của Quốc Sử quán triều Nguyễn có 3 đoạn văn liên quan đến việc xác lập chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa.
Các bản đồ của của Việt Nam như Đại Nam nhất thống toàn đồ có vẽ Hoàng Sa và Vạn lý Trường Sa trong cương vực của Việt Nam. Gần đây, TS.Trần Đức Anh Sơn công bố phát hiện sách Khải đồng thuyết ước, sách giáo khoa dạy trẻ học vỡ lòng bằng chữ Hán - được khắc in năm Tự Đức thứ 6 (1853), ở các trang 15 - 16 có vẽ Hoàng Sa.
Nhiều tư liệu văn bản khác còn đang được lưu giữ trong nhân dân, tại các di tích, ở các dòng họ như những bảo vật. Một gia đình ở xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn đã trao tặng Bộ Ngoại giao một văn bản là giấy lệnh viết trên hai tờ là tờ tư hay tờ lệnh công tác Hoàng Sa của quan Bố chánh, Án sát tỉnh Quảng Ngãi (triều vua Minh Mạng vào năm 1834), ghi rõ ông Võ Văn Hùng đã tuyển chọn một bọn gồm 10 người, đứng đầu là Đặng Văn Siểm, người thôn Hoa Diêm, phường An Hải, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi có thể đảm nhận công việc lái thuyền. Nhân đấy mà cấp cho bằng này để đi một thuyền dẫn các thủy thủ trên thuyền theo quân của phái viên và Võ Văn Hùng cùng đến Hoàng Sa thi hành việc công.
T.S (tổng hợp)