Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn cho biết Việt Nam sẽ vẫn nhận vắc-xin cúm A/H1N1 viện trợ từ WHO. Còn Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường Nguyễn Huy Nga cũng khẳng định chiến dịch tiêm chủng vắc-xin cúm A/H1N1 của Việt Nam sẽ vẫn diễn ra như kế hoạch đã được xây dựng.
Trước những thông tin từ một chuyên gia y tế châu Âu cho rằng dịch cúm A/H1N1 không có thật, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng và Môi trường đồng thời là người phát ngôn của Bộ Y tế, ông Nguyễn Huy Nga, cho biết: “Ngay trong chiều qua, tôi cũng đã nhận được một phản hồi đầu tiên của WHO tại Việt Nam. Đó cũng chính là phần nội dung WHO đã gửi cho các cơ quan thông tin đại chúng”.
Kế hoạch tiêm vắc-xin cúm A/H1N1 sẽ không thay đổi
Ông Nga cho biết những thông tin mà các phương tiện truyền thông đại chúng đang đăng tải rầm rộ chưa phải là thông tin chính thống, đã được Hội đồng châu Âu kiểm chứng, xác nhận và thông qua dưới dạng Nghị quyết, do đó không có tính pháp lý. WHO cũng cho biết chưa có đủ cơ sở để khẳng định điều đó là sự thật.
“Vì thế, ở thời điểm này, thông tin đó không ảnh hưởng đến các hoạt động phòng chống dịch hay chiến dịch tiêm chủng mà Việt Nam đã xây dựng xong (kế hoạch này đã được Bộ trưởng Bộ Y tế ký và hiện đang báo cáo Thủ tướng)”, ông Nga nói.
Điều làm ông Nga lo ngại nhất là hiện nay thông tin cho rằng dịch cúm A/H1N1 không có thật sẽ gây nhiễu tâm lý người dân, có thể khiến họ lơ là với công tác phòng chống.
“Mặc dù dịch cúm ở Việt Nam đang chững lại nhưng thời tiết lạnh có thể khiến dịch trở lại nhanh. Nếu không chủ động phòng tránh sẽ nguy hiểm”, ông Nga cho biết.
Vì thế, trong khi chưa có một thông báo chính thống, chính thức nào, ông Nga khuyến cáo người dân vẫn tiếp tục chủ động, cảnh giác phòng bệnh như trước đây.
Về vấn đề vắc-xin cúm A/H1N1 được WHO viện trợ cho Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn khẳng định: “Việt Nam sẽ vẫn nhận vắc-xin viện trợ từ WHO, khâu kiểm nghiệm sẽ được siết chặt để đảm bảo an toàn”.
Sở dĩ ngành y tế vẫn nhận vắc-xin viện trợ vì theo Thứ trưởng Huấn thì “trong trường hợp không thành dịch lớn thì loại vắc-xin dành cho cúm A/H1N1 có thể chuyển sang dành cho các loại cúm mùa thông thường. Việc tiêm vắc-xin phòng cúm là cần thiết”.
Hiện Cục Quản lý Dược đã đề nghị các công ty cung cấp vắc-xin viện trợ gửi mẫu sang Việt Nam để tiến hành các thử nghiệm lâm sàng. Nếu đảm bảo các điều kiện, Việt Nam sẽ cấp phép để nhập vắc-xin về.
“Quy trình kiểm nghiệm vắc-xin sẽ được siết chặt”, Thứ trưởng Huấn khẳng định.
Dự kiến sẽ có khoảng 1,2 triệu liều vắc-xin cúm A/H1N1 về Việt Nam trong đợt dầu tiên trong tổng số 8,8 triệu liều được WHO viện trợ. Nếu không có gì thay đổi, dự kiến trong tháng 2 chiến dịch tiêm vắc-xin sẽ diễn ra với các phụ nữ có thai trên 3 tháng tuổi ở cả 63 tỉnh thành và các cán bộ y tế trực tiếp tiếp xúc với người bệnh.
Trả lời câu hỏi liên quan đến việc liệu người dân sẽ từ chối tiêm vắc-xin cúm A/H1N1 nếu thông tin trên vẫn chưa được kiểm chứng xong ở thời điểm điểm triển khai tiêm vắc-xin, Thứ trưởng Huấn cho biết: “Được ưu tiên tiêm nhưng việc tiêm vắc-xin cho phụ nữ có thai trên 3 tháng tuổi và cán bộ y tế chỉ được thực hiện nếu người đó tự nguyện”.
(Theo VNN)