Cuộc tấn công vào hệ thống của Vietnam Airlines hôm 29-7 là vụ xâm nhập lớn, đáng chú nhất thời gian gần đây. Tuy nhiên, theo các chuyên gia bảo mật, những vụ "đánh" vào hạ tầng mạng Việt Nam không chỉ đơn lẻ mà xảy ra liên tục trong suốt nhiều năm qua.
Chỉ tính riêng hôm qua 1-8, đã có hơn 20 trang có tên miền .vn bị tấn công, theo thống kê của Zone-h. Website mà các hacker thường khoe "thành tích" xuất hiện địa chỉ của Công an Khánh Hòa (hiện đã truy cập bình thường), nhiều trang của các tổ chức, cá nhân khác vẫn chưa được khắc phục.
|
zone-h thống kê có hơn 20 website tên miền .vn bị hack trong ngày 1-8. |
Tình trạng mất an toàn trong các cổng thông tin ở Việt Nam là vấn đề đã được cảnh báo từ lâu. Theo công bố của Bkav năm 2014, tỷ lệ website trong nước tồn tại lỗ hổng lên đến 40%, trong khi đó, con số này ở châu Âu chỉ là 15%, châu Mỹ là 5%. Cá biệt, một số trang web ở Việt Nam tồn tại tới hơn 150 lỗ hổng nghiêm trọng.
Thiệt hại do virus máy tính gây ra đối với người dùng Việt Nam trong năm 2015 theo ước tính của Bkav là 8.700 tỷ đồng. Con số này ở mức cao và tăng so với dự báo 8.500 tỷ đồng của năm 2014. Năm 2015 ghi nhận hàng loạt cuộc tấn công trên diện rộng của mã độc tống tiền, phần mềm gián điệp để đánh cắp thông tin và các cuộc tấn công từ chối dịch vụ với mục đích chính trị.
Theo ông Ngô Tuấn Anh, Phó chủ tịch phụ trách An ninh mạng Bkav, việc tồn tại nhiều lỗ hổng là nguyên nhân chính của các vụ lọt thông tin thẻ tín dụng, bí mật kinh doanh dẫn đến việc các công ty, tổ chức bị xâm nhập, bị đánh cắp thông tin xảy ra thường xuyên trong vài năm gần đây. Hầu như cơ quan, doanh nghiệp nào cũng có website, song việc đảm bảo an ninh lại chưa được quan tâm đúng mức.
Chuyên gia của Bkav cho biết: "Trong một dự án công nghệ thông tin, cần đầu tư ít nhất từ 5 đến 10% cho an ninh mạng, nếu không, hệ quả tất yếu là hệ thống bị xâm nhập, bị đánh cắp dữ liệu. Việc khắc phục rất tốn kém và mất nhiều thời gian". Ông Tuấn Anh cũng nhận định: "Với cách thức dễ dàng thực hiện và hiệu quả cao, chúng ta sẽ thường xuyên chứng kiến các cuộc tấn công mạng đi kèm các xung đột, tranh chấp chính trị trong thời gian tới".
Trong năm 2015 đã có 62.863 dòng virus máy tính mới xuất hiện tại Việt Nam, 61,7 triệu lượt máy tính đã bị lây nhiễm virus. Bình quân mỗi người sử dụng máy tính tại Việt Nam đã bị thiệt hại 1.253.000 đồng. Với ít nhất 6,98 triệu máy tính, mức thiệt hại do virus gây ra trong năm lên tới hơn 8.700 tỷ đồng.
Theo VNE