Vi chất dinh dưỡng (VCDD) có vai trò đặc biệt đối với cơ thể con người. 4 VCDD thường bị thiếu nhiều nhất ở trẻ em Việt Nam là sắt, vitamin A, iốt và kẽm. Tình trạng thiếu vitamin A, sắt và iốt đã giảm nhiều trong những năm qua nhưng vẫn tiếp tục là mối đe dọa tiềm ẩn đối với tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe. Bác sĩ (BS) Võ Nguyễn Diễm Thy, Trung tâm Sức khỏe sinh sản tỉnh đã chia sẻ những thông tin quan trọng về những VCDD thiết yếu này…
Vitamin A với sự phát triển của trẻ
VitaminA có nhiều chức năng quan trọng đối với cơ thể. Ở người lớn, tình trạng thiếu vitamin A ít gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, do vitamin A được dự trữ tốt ở gan và có thể được huy động sử dụng trong một thời gian dài. Do vậy, tình trạng thiếu vitamin A thường chỉ gặp ở trẻ em.
Các bà mẹ nên quan tâm đến việc bổ sung đầy đủ vitamin A và sắt cho sự phát triển của trẻ. Trong ảnh: Cán bộ y tế tập huấn cho các bà mẹ về tổ chức bữa ăn dinh dưỡng cho trẻ ở phường Phú Hòa, TP.TDM .Ảnh: H.THUẬN
Vitamin A có vai trò quan trọng đối với quá trình phát triển của trẻ. Thiếu vitamin A làm giảm tăng trưởng, tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn và tăng nguy cơ tử vong ở trẻ. Thiếu vitamin A dẫn đến bệnh khô mắt, có thể để lại hậu quả mù lòa vĩnh viễn. Người mẹ nuôi con bú, nhất là trong 6 tháng đầu bị thiếu vitamin A dẫn tới sữa mẹ cung cấp không đủ vitamin A cho trẻ, ảnh hưởng không tốt tới quá trình phát triển của bé.
Vitamin A có rất nhiều vai trò quan trọng trong cơ thể, trước hết là có vai trò quan trọng đối với quá trình tăng trưởng. Trẻ em cần vitamin A để phát triển bình thường. Vitamin A tham gia trong cấu trúc của các tế bào thị giác. Do vậy, vitamin A rất cần thiết đối với sự nhìn thấy của mắt. Biểu hiện sớm của thiếu vitamin A là khả năng nhìn thấy lúc ánh sáng yếu giảm, nhân dân ta gọi là bệnh “quáng gà”. Vitamin A cần thiết cho sự bảo vệ toàn vẹn của biểu mô giác mạc mắt và các tổ chức biểu mô dưới da, khí quản, tuyến nước bọt, niêm mạc đường hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu… Khi thiếu vitamin A, sản xuất các niêm dịch giảm, da bị khô và có hiện tượng sừng hóa, hệ thống niêm mạc biểu mô bị tổn thương và giảm sức đề kháng đối với sự xâm nhập của vi khuẩn. Vitamin A tham gia vào quá trình đáp ứng miễn dịch, giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng để chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn, vi-rút và các yếu tố bất lợi.
Vai trò của sắt
Sắt là một yếu tố vi lượng đã được nghiên cứu từ lâu, đây là một trong 3 VCDD (gồm vitamin A, sắt, iốt) đang được quan tâm vì sự thiếu hụt các vi chất này ở các nước đang phát triển đã và đang trở thành vấn đề có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng. Mặc dù hiện diện trong cơ thể với một lượng rất nhỏ, nhưng sắt rất cần thiết cho sự sống, vì sắt cần thiết cho nhiều chức năng sống.
Sắt cần thiết cho tất cả mọi người, nhưng đối với trẻ em sắt vô cùng quan trọng, vì trẻ em là đối tượng dễ bị thiếu sắt nhất do nhu cầu tăng cao. Nhu cầu sắt ở trẻ còn bú mẹ tăng gấp 7 lần so với người lớn (tính theo trọng lượng cơ thể). Vai trò quan trọng nhất của sắt là cùng với protein tạo thành huyết sắc tố (hemoglobin) vận chuyển oxy, cho nên thiếu sắt dẫn đến thiếu máu dinh dưỡng - là bệnh phổ biến ở trẻ em. Khi thiếu máu khả năng vận chuyển oxy của hồng cầu bị giảm, làm thiếu oxy ở các tổ chức đặc biệt là tim, cơ bắp, não gây nên hiện tượng tim đập nhanh. Trẻ nhỏ có thể bị suy tim do thiếu máu, với các biểu hiện như: Hoa mắt, chóng mặt do thiếu oxy não, cơ bắp yếu và cuối cùng là cơ thể mệt mỏi. Thiếu máu não ở trẻ lớn còn làm cho trẻ mệt mỏi hay ngủ gật, thiếu tập trung trong giờ học dẫn đến học tập sút kém.
Để bổ sung sắt cho trẻ, các bậc phụ huynh nên quan tâm đến vấn đề dinh dưỡng trong ăn uống cho con em mình. Phụ nữ mới kết hôn, bà mẹ trước, trong khi mang thai cần ăn, uống đầy đủ và uống thêm viên sắt/axit folic hoặc viên đa vi chất theo hướng dẫn. Trẻ em cần được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục cho bú đến 24 tháng tuổi. Khi trẻ đến 6 tháng tuổi, nên cho trẻ ăn dặm với đầy đủ các chất dinh dưỡng từ 4 nhóm thực phẩm (chất bột, đường, chất đạm, chất béo, vitamin và muối khoáng), đặc biệt chú trọng các loại thực phẩm giàu sắt và vitamin C. Chế độ ăn hàng ngày cần cung cấp đủ vitamin A và carotene; ưu tiên thức ăn động vật là loại thức ăn giàu vitamin A như: Thịt gà, thịt heo, cá, lòng đỏ trứng gà… Bữa ăn của trẻ cần có đủ dầu hoặc mỡ để giúp hấp thu tốt vitamin A. Một số rau, quả có màu vàng, đỏ, da cam chứa hàm lượng bêta caroten cao, như: Cà rốt, rau dền, xoài, dưa hấu, đu đủ chín, cà chua, gấc. Bữa ăn hàng ngày cần sử dụng phối hợp 15 - 20 loại thức ăn từ 4 nhóm thực phẩm, chú ý tăng cường sử dụng các loại thực phẩm giàu VCDD.
Các bậc phụ huynh cần lưu ý, không nên bắt trẻ ăn kiêng khem khi trẻ bị bệnh. Trẻ em trong độ tuổi cần được uống vitamin A 2 lần/một năm. Bà mẹ ngay sau khi sinh con cũng cần uống một liều vitamin A. Tẩy giun 2 lần một năm cho trẻ em từ 24 - 60 tháng tuổi. Giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống để tránh nhiễm giun sán, không đi chân đất để tránh nhiễm giun móc. Sử dụng muối iốt hoặc bột canh iốt trong chế biến thức ăn để cung cấp đủ iốt cho sự phát triển của trẻ.
HỒNG THUẬN