Phiên họp lần thứ 66 Đại hội đồng Y tế Thế giới - cơ quan hoạch định chính sách tối cao của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đã khai mạc ngày 20-5 tại Geneva, Thụy Sĩ, với sự tham dự của đại diện các quốc gia thành viên WHO.
Đoàn Việt Nam gồm 27 đại biểu do Bộ trưởng Y tế, phó giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội nghị WHO Tây Thái Bình Dương 63, làm trưởng đoàn.
Quang cảnh lễ khai mạc. Tại kỳ họp, Bộ trưởng Y tế Việt Nam đại diện cho khu vực Tây Thái Bình Dương với 37 quốc gia và lãnh thổ, một trong sáu khu vực của WHO, đã có bài tham luận tại phiên toàn thể với chủ đề "Chăm sóc sức khỏe quốc gia ở Việt Nam trong giai đoạn mới."
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, bảo vệ, chăm sóc và cải thiện sức khỏe cho người dân không chỉ là mục tiêu mà còn là chiến lược của ngành y tế trong giai đoạn 2011-2020.
Với sự đầu tư của chính phủ, những hỗ trợ tài chính và kỹ thuật của các đối tác và sự đóng góp của toàn xã hội, lĩnh vực y tế đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc chăm sóc y tế và hoàn thành Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG) liên quan đến lĩnh vực sức khỏe.
Việc ngăn ngừa các căn bệnh truyền nhiễm cũng như các bệnh không lây nhiễm như bệnh phong, bệnh lao, bệnh sốt rét, HIV/AIDS, bệnh ung thư, tiểu đường được chú trọng và trở thành các chương trình mục tiêu quốc gia về sức khỏe.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết việc giám sát và phòng chống những bệnh nhiễm trùng, đặc biệt là những đợt dịch đang nổi lên như dịch cúm, lây truyền từ gia cầm và từ người sang người ở khu vực châu Á sẽ là chủ đề chính thảo luận tại hội nghị.
Ngoài ra, các vấn đề như già hóa, bảo hiểm y tế toàn dân, tài chính y tế, kinh tế y tế cùng với việc phân bổ kinh phí toàn cầu của WHO, dự thảo ngân sách 2014-2015, cải tổ WHO... cũng nằm trong chương trình nghị sự.
Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự hội nghị lần này có số lượng đông đảo nhất từ trước tới nay. Tất cả các thành viên trong đoàn đều có những báo cáo tham luận chia sẻ kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực.
Các chuyên đề của hội nghị đều có đoàn Việt Nam phát biểu và là dịp tốt để các nhà quản lý, cũng như giới chuyên môn của các nước được học tập, trao đổi kinh nghiệm nhằm đề ra những chương trình hành động phù hợp nhất cho đất nước.
Việc trao đổi học hỏi kinh nghiệm giữa các nước còn giúp đưa ra những chiến lược về các vấn đề giám sát phòng chống và nâng cao sức khỏe chung toàn cầu, của khu vực, cũng như của riêng đất nước mình.
Trong những năm qua, cộng đồng thế giới đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc khống chế các bệnh lây nhiễm như SARS, cúm AH5N1, phòng chống lao...
Việt Nam được coi là một trong những điểm sáng so với các nước có cùng điều kiện kinh tế và trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới khống chế thành công dịch SARS.
WHO, tổ chức có chuyên môn về y tế cao nhất của Liên hợp quốc được thành lập năm 1948, hiện có 192 quốc gia thành viên, chia thành sáu khu vực, trong đó Việt Nam thuộc Khu vực Tây Thái Bình Dương.
Phiên họp lần thứ 66 Đại hội đồng Y tế Thế giới sẽ kết thúc vào ngày 28-5 tới.
Theo TTXVN