Vở chèo “Mưa đỏ”-Khúc tráng ca bảo vệ Thành cổ Quảng Trị

Cập nhật: 24-07-2023 | 10:15:17

Hào hùng mà lãng mạn, bi tráng mà vẫn đầy chất thơ, ấy là dấu ấn đặc biệt mà vở chèo “Mưa đỏ” để lại trong lòng khán giả sau đêm công diễn tối 22/7 tại Nhà hát thành phố Hải Phòng.

Đây là công trình nghệ thuật ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2023), cũng là thành quả sáng tạo đáng ghi nhận của chèo Hải Phòng khi chinh phục đề tài chiến tranh cách mạng.

Kịch bản chèo “Mưa đỏ” được tác giả Đức Minh chuyển thể từ kịch bản văn học cùng tên của nhà văn Chu Lai. Vở diễn do Nghệ sĩ Nhân dân Trịnh Thúy Mùi đạo diễn, với phần âm nhạc do Nghệ sĩ Ưu tú Đào Tuấn Hải đảm nhiệm, phần thiết kế sân khấu do Nghệ sĩ Ưu tú Đạt Tăng thực hiện.

“Mưa đỏ” lấy bối cảnh từ cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị mùa hè năm 1972 với các nhân vật ở cả hai bên chiến tuyến, xoay quanh hai nhân vật chính là Cường-chiến sĩ quân Giải Phóng đại diện cho lớp sinh viên tài hoa ra trận, và Quang-chỉ huy hắc báo của Ngụy.

Cường là chàng sinh viên khoa Biên kịch quê ở Hải Phòng, tiếp bước người cha liệt sĩ tình nguyện ra trận theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Tại chiến trường khốc liệt, anh cùng đồng đội được giao nhiệm vụ phải bảo vệ bằng được Thành cổ Quảng Trị. Họ đã sống, chiến đấu và hy sinh bên dòng Thạch Hãn. Máu họ nhuộm đỏ dòng sông, hòa vào mưa, vào đất để nhuộm thắm màu cờ…

Điều đặc biệt là kịch bản “Mưa đỏ” không diễn tiến theo hướng anh hùng ca đơn thuần. Ở đó, không chỉ có sự khốc liệt, hi sinh mà còn có sự lãng mạn, hồi sinh, có những khoảng lặng bình yên của tình yêu nảy mầm trong lửa đạn giữa Cường và Hồng, có cả những trăn trở đầy nhân văn trong suy nghĩ của những người đang cầm súng…

Đáng chú ý, tác giả đã không áp đặt theo lối phản ánh thường thấy là ta tốt, địch xấu, mà khéo léo lột tả ở nhân vật Quang cả những nét nhân văn, lãng mạn rất đời, rất người, khắc họa nên thế giới nội tâm phong phú của những người ra trận dù ở những chiến tuyến khác nhau.

Vở diễn khép lại bằng cuộc gặp gỡ đầy ấm áp, xúc động giữa mẹ Quang và mẹ Cường nơi nghĩa trang liệt sĩ. Dù con họ ở hai phe chiến tuyến nhưng họ cùng chung nỗi đau mất con, cùng chung tình yêu vô bờ dành cho con.

Hình ảnh hai người mẹ nắm chặt tay nhau là cái kết thật đẹp để chuyển đi thông điệp hóa giải mọi hận thù cùng hướng tới tương lai… “Mưa đỏ” có thể xem là bản hùng ca bi tráng của lý tưởng, lòng yêu nước, ý chí kiên cường, của tình đồng chí đoàn kết, tinh thần nhân văn cao cả và tư tưởng hòa hợp dân tộc sâu sắc.

Nghệ sĩ Nhân dân Trịnh Thúy Mùi cho biết, kịch bản “Mưa đỏ” gợi rất nhiều cảm hứng, nhưng cũng đặt ra nhiều áp lực cho bà khi đảm nhận vai trò đạo diễn. Bởi trước hết, đây là tác phẩm có tiếng của một nhà văn nổi tiếng.

Tiểu thuyết “Mưa đỏ” của nhà văn Chu Lai từng đoạt giải A cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn năm 2016. Kịch bản chuyển thể cùng tên của ông đã đoạt giải A Giải thưởng Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam năm 2021. “Mưa đỏ” cũng đã gây tiếng vang khi dàn dựng trên sân khấu kịch.

“Thêm nữa, lâu nay, chèo thường thuận lợi hơn khi làm về đề tài lịch sử, dân gian, không có nhiều lợi thế khi dựng về đề tài chiến tranh cách mạng. Bởi khi đưa các yếu tố hiện đại vào, nếu không khéo sẽ dễ thành tác phẩm kịch hơn là chèo. Tuy nhiên, lần này, tôi mạnh dạn dàn dựng "Mưa đỏ" vì rất yêu tác phẩm này. Đây là một trong những tác phẩm viết về người lính, về cách mạng một cách sâu sắc và nhân văn nhất với nhiều chi tiết đắt giá”- Nghệ sĩ Nhân dân Trịnh Thúy Mùi chia sẻ.

Đó là lí do đạo diễn cùng ê-kíp sáng tạo vở diễn đã dành khá nhiều thời gian trao đổi với nhà văn Chu Lai để lựa chọn ra những chi tiết phù hợp nhất, đưa lên sân khấu ước lệ của chèo trong thời lượng gần hai tiếng mà vẫn giữ được trọn vẹn thông điệp của tác phẩm.

Và trên tinh thần biến những thách thức thành lợi thế, ê-kíp sáng tạo đã vận dụng tối đa những điểm mạnh của chèo để làm nên sức hấp dẫn riêng cho vở diễn. Xuyên suốt các màn là những trận chiến, súng đạn lúc nào cũng đì đoàng nhưng chính sự khốc liệt ấy cũng trở nên đầy chất thơ khi được đan cài cùng những chi tiết lãng mạn, đặc biệt là với sự xuất hiện dày đặc của những làn điệu chèo ngọt ngào, xen lẫn những điệu hò Huế, ca Huế. Nghệ sĩ Nhân dân Minh Thu, người được coi như kho tàng tư liệu sống về chèo đã được mời tham gia hướng dẫn các làn điệu chèo cho nghệ sĩ.

“Càng dựng, chúng tôi càng nhận ra chèo có những lợi thế rất riêng mà các loại hình khác không có được khi truyền tải nội tâm nhân vật. Chúng tôi đã cố gắng tạo ra nhiều mảng miếng đan xen. Có những màn thì rất căng thẳng, khốc liệt; có những màn rất mềm mại, lãng mạn để từ đó khẳng định chiến tranh đâu chỉ có sự khốc liệt. Chính nhờ tình yêu, sự lãng mạn trong chiến tranh mà con người có nhiều sức mạnh hơn để vượt qua khó khăn, chiến thắng kẻ thù”- Nghệ sĩ Nhân dân Trịnh Thúy Mùi nhấn mạnh.

Nhận định về sự khác biệt giữa hai phiên bản kịch và chèo “Mưa đỏ”, nhà văn Chu Lai cảm nhận: Nếu kịch nói là sấm chớp vang trời thì chèo có sự sâu lắng, yên ả hơn song vẫn giữ được hào khí của một thời trận mạc. “Tôi thực sự rất hài lòng với phiên bản "Mưa đỏ" của sân khấu chèo, đặc biệt với cách xử lý đoạn kết rất khéo léo, tinh tế và xúc động”-ông cho hay.

Làm nên sức hấp dẫn của vở chèo “Mưa đỏ”, không thể không nói đến sự nhập vai rất “nuột” của dàn diễn viên giàu nội lực. Vở diễn huy động khoảng hơn 60 diễn viên của Đoàn Chèo Hải Phòng và các đoàn cải lương, múa rối, kịch nói Hải Phòng cùng tham gia. Trong đó, đáng chú ý là việc mời nam diễn viên trẻ sinh năm 1990 Nhật Hóa-một những giọng chèo nam ngọt nhất xứ Thanh vào vai Cường. Sự xuất hiện của bạn diễn mới sở hữu ngoại hình đẹp, giọng ca hay và lối diễn giàu cảm xúc đã mang đến hơi thở, sức sống mới cho các thành viên trong đoàn diễn, đồng thời mở ra cơ chế hợp tác mới giữa các đơn vị nghệ thuật trong nước.

Bắt cặp với Thùy Dương (vai Hồng) thuộc thế hệ 8X của Đoàn Chèo Hải Phòng, nhưng Nhật Hóa và Thùy Dương đã có sự phối hợp ăn ý khi thể hiện câu chuyện tình yêu trong khói lửa chiến tranh. Vào nghề đã gần 17 năm nhưng đây là lần đầu tiên Thùy Dương được tham gia một vở chèo về đề tài chiến tranh cách mạng. Điều này khiến cô và các đồng nghiệp trong đoàn có rất nhiều hứng khởi. Đảm nhận vai diễn là cô gái Huế chèo đò đưa bộ đội qua sông, cô đã chinh phục được người xem bằng cả giọng thoại, ca hò Huế mượt mà và những câu hát chèo ngọt ngào, sâu lắng.

Có thể thấy, sự thành công của “Mưa đỏ” trên sân khấu chèo tiếp tục làm nên điểm sáng cho Đề án Sân khấu truyền hình Hải Phòng do Sở Văn hoá và Thể thao chỉ đạo thời gian qua.

Bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng cho biết, “Mưa đỏ” là lời tri ân đặc biệt tháng 7, trong những ngày cả nước hướng về các hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Đây cũng là vở diễn nhằm thực hiện chủ trương sáng đèn Nhà hát thành phố được Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng triển khai gần đây nhằm tạo cơ chế khai thác Nhà hát trở thành nơi duy trì biểu diễn định kỳ, điểm hẹn nghệ thuật quen thuộc của khán giả, du khách khi đến với thành phố hoa phượng đỏ.

Theo kế hoạch Sáng đèn Nhà hát thành phố của Hải Phòng đã được lên lịch diễn đến cuối năm, sau đêm diễn mở màn, vở chèo “Mưa đỏ” sẽ tiếp tục được công diễn tại Nhà hát thành phố Hải Phòng vào tối 29, 30/7.

Theo NDO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=636
Quay lên trên