Liên minh Wi-Fi (Wi-Fi Alliance) đã bắt đầu chính thức cấp chứng nhận chuẩn Wi-Fi 6 cho các nhà sản xuất thiết bị có sử dụng Wi-Fi. Các tổ chức và doanh nghiệp dùng chuẩn mới có nhiệm vụ đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn kỹ thuật giống nhau và nếu được, họ sẽ gắn biểu tượng Wi-Fi 6 lên bao bì.
|
Wi-Fi 6 có nhiều ưu điểm về tốc độ kết nối và bảo mật. |
Chuẩn kết nối không dây mới còn có tên là 802.11ax, được giới thiệu lần đầu vào tháng 10 năm ngoái nhưng đến nay mới ra mắt chính thức. Ưu điểm của nó là mang lại tốc độ nhanh hơn 37% so với 802.11ac (Wi-Fi 5) hiện tại, có thể đạt mức tải xuống tối đa 1.000 Mb/s.
Tất nhiên, việc đạt đến tốc độ tải xuống như vậy trong thời điểm hiện nay là không thể, bởi hầu hết các gói Internet áp dụng cho hộ gia đình chỉ có băng thông tối đa 200 Mb/s. Điều này cũng tương tự với việc sử dụng một smartphone 5G để dùng mạng 4G.
Bên cạnh đó, Wi-Fi 6 còn được tối ưu hóa về băng tần, đảm bảo độ trễ thấp, tốc độ truyền dữ liệu cao. Kết nối mới cũng hỗ trợ giao thức MU-MIMO (đa người dùng, đa đầu vào, đa đầu ra) cho phép tải dữ liệu nhanh hơn trong trường hợp nhiều thiết bị sử dụng đồng thời. Mục tiêu của Wi-Fi 6 là sử dụng cho nhiều mục đích, chẳng hạn streaming phim trực tuyến độ phân giải siêu cao, các ứng dụng kinh doanh quan trọng đòi hỏi băng thông cao và độ trễ thấp...
Ngoài ra, Wi-Fi 6 cũng có bảo mật cao hơn với WPA3 (Wi-Fi Protected Access) giúp thiết bị kết nối an toàn khi dùng modem có chuẩn này với mạng công cộng, chống lại các cuộc tấn công nặc danh, mã hóa thiết bị truy cập và kết nối dễ dàng hơn cho thiết bị không có màn hình. Chuẩn mới cũng hỗ trợ TWT (Target Wake Time) cho phép thiết bị xác định thời gian và tần suất thức dậy để gửi hoặc nhận dữ liệu, điều này giúp cải thiện đáng kể thời lượng pin của chúng.
Các sản phẩm mạng đầu tiên có chứng nhận Wi-Fi 6 thuộc về Broadcom, Intel, Netgear... Samsung Galaxy Note10 và iPhone 11 cũng là hai trong số thiết bị di động đầu tiên đạt chuẩn Wi-Fi mới.
Theo VNE