Windows Phone - thất bại trong nuối tiếc

Cập nhật: 14-10-2017 | 06:50:14

Cuối tuần qua, Microsoft chính thức đưa ra thông điệp mà mọi người đã biết từ lâu: hệ điều hành Windows Phone đã chết.

Sẽ không cón tính năng hay phần cứng mới cho Windows 10 Mobile, không có "sự trở lại thần kỳ" và thị trường di động chỉ còn là cuộc đua song mã giữa Apple iOS và Google Android. Tất nhiên, rất ít người kỳ vọng Microsoft có thể lật đổ vị trí của hai tên tuổi trên, nhưng giới công nghệ vẫn mong đợi sự tồn tại của các hệ điều hành khác nhau để thị trường không trở nên quá nhàm chán.

Ra đời năm 2010, Windows Phone không đạt được nhiều thành công nhưng đã để lại nhiều bài học đáng giá. Trang công nghệ Verge cho rằng có lẽ trong tương lai, sẽ hiếm có cơ hội nào để nói về Windows Phone nên đây là lúc điểm lại những dấu ấn của hệ điều hành này 7 năm qua.

Tháng 10-2010: Một hệ điều hành hoàn toàn khác biệt

windows-phone-that-bai-trong-nuoi-tiec

Windows Phone 7 với giao diện động khác biệt.

Cách đây tròn 7 năm, chuyên gia công nghệ Stephen Fry chia sẻ rằng ông đặc biệt háo hức với hệ điều hành Windows Phone. Là người yêu thích iPhone, Fry bị cuốn hút trước sự mới mẻ của Windows Phone, bởi hệ điều hành này hoàn toàn khác với iOS, Android và phần nào còn đi trước xu hướng.

Trong khi iPhone và Android sử dụng những icon tĩnh, Windows Phone là những ô động, hiển thị những thông tin mới nhất từ lịch họp tiếp theo của bạn hay cuộc gọi bạn vừa bỏ lỡ... Nếu muốn nói về một hệ thống thông báo hiệu quả hay các thông tin hữu ích trên màn hình khóa, bạn cần nhắc tới giải pháp mà Microsoft đã đưa ra từ cách đây gần một thập kỷ.

Tháng 11-2011: Đột phá thiết kế

windows-phone-that-bai-trong-nuoi-tiec-1

HTC Windows Phone 8X.

Windows Phone đã có mặt trên một số điện thoại độc đáo như Samsung Omnia 7 với màn hình OLED, Dell Venue Pro với bàn phím trượt hay HTC 7 Surround với loa khủng từ năm 2010. Nhưng phải một năm sau, khi HTC giới thiệu Windows Phone 8X và 8S còn Nokia tung ra Lumia 800, thì Windows Phone mới được nhắc đến như là một trong những nền tảng sở hữu những sản phẩm tiên phong về thiết kế công nghiệp.

Ở thời đó, những thiết bị này nằm trong những smartphone "bảnh" nhất, sáng tạo và đẹp mắt nhất, trong khi iPhone 4S vẫn gây ăn khách nhưng có thiết kế cũ từ thời iPhone 4 cùng màn hình cảm ứng chỉ 3,5 inch.

Tháng 7-2013: Đột phá về camera

windows-phone-that-bai-trong-nuoi-tiec-2

Lumia 1020 được coi là một tượng đài về camera trên điện thoại.

Với sự ra đời của Lumia 1020, hệ sinh thái Windows Phone tiếp tục thể hiện sự tiên phong về công nghệ camera. Lumia 1020 là phiên bản đẹp hơn của Nokia 808 PureView chạy Symbia. Ngày nay, điện thoại đã chụp ảnh ấn tượng với camera kép và công nghệ AI, nhưng cách đây nửa thập kỷ, sự xuất hiện của camera với cảm biến 41 megapixel là một thông tin chấn động, trở thành một dấu mốc không thể không nhắc đến trong lịch sử camera di động.

Blog công nghệ ReadWrite gọi Lumia 1020 là smameraphone (smartphone + camera): "Máy về cơ bản là rất ổn và camera trên đó thì... ôi trời, Lumia 1020 là điện thoại có camera tốt nhất mà bạn có thể mua. Tôi đã chụp khá nhiều ảnh trên smartphone và thường phải điều chỉnh các góc chụp và cân bằng ánh sáng để có bức ảnh mong muốn. Lumia 1020 loại bỏ gần hết mọi vấn đề mà tôi từng gặp".

Tháng 8-2013: Thiếu ứng dụng YouTube

windows-phone-that-bai-trong-nuoi-tiec-3

Vì sao Windows Phone với phần cứng tốt, thiết kế đẹp, chụp ảnh chất lượng và thời lượng pin ổn lại vuột mất những cơ hội để trở thành một nền tảng phổ biến?

Câu trả lời là vì nó đã thất bại trong việc thu hút các nhà phát triển bên thứ ba. Mỗi khi Nokia giới thiệu một điện thoại Windows Phone mới, nó lại đối mặt với những câu hỏi kiểu như khi nào sản phẩm có ứng dụng Instagram. Ngay cả khi Microsoft đã đánh bại Google trong việc mang đến trải nghiệm ứng dụng mượt mà hơn, đẹp mắt hơn, thì Google vẫn cứ chiến thắng khi có sẵn nhiều ứng dụng mà người dùng cần hơn nhờ sự tham gia đông đảo của các nhà phát triển phần mềm.

Có lẽ, sự thiếu hụt ứng dụng gây tổn hại nhất cho Microsoft là YouTube. Tập đoàn phần mềm Mỹ và Google đã có những tranh cãi dai dẳng trong việc đưa YouTube lên Windows Phone, nhưng vấn đề là bản thân Google không muốn trao cho Windows Phone cơ hội để trở thành một đối thủ thực thụ của Android. YouTube chỉ là một trong số hàng triệu ứng dụng, nhưng nó tiêu tốn rất nhiều thời gian của người sử dụng di động, do đó bất cứ nền tảng nào thiếu YouTube là đã tự đặt mình vào thế bất lợi.

Tháng 9-2013: Mua lại Nokia

windows-phone-that-bai-trong-nuoi-tiec-4

Thân thiết với Nokia, Microsoft bị các đối tác phần cứng HTC và Samsung dần xa lánh. Họ quyết định bắn phát súng cuối cùng: mua lại Nokia với quyết tâm trực tiếp tham gia sản xuất smartphone. Tuy nhiên, mọi cố gắng gói gọn trong từ "thất bại" khi mà những vấn đề cố hữu của Windows Phone đã nhắc đến ở phần trên không thể được giải quyết.

Bài học của Microsoft cũng phần nào giúp ích cho Google - hãng mới mua lại đội ngũ phát triển smartphone của HTC. Việc đi theo hướng của Apple - xây dựng hệ sinh thái hoàn chỉnh từ phần cứng, phần mềm đến dịch vụ - sẽ mang lại trải nghiệm người dùng tốt hơn. Ngược lại, là một công ty phần mềm, họ có thể bị cô lập khi các đối tác phần cứng cảm thấy bị phản bội. Microsoft vừa muốn tự sản xuất điện thoại Nokia, vừa muốn Samsung và HTC đổ tiền vào phát triển thiết bị Windows Phone. Lựa chọn tham lam ấy không mang lại kết quả tốt đẹp.

Từ năm 2015, thị trường smartphone chính thức chỉ còn là cuộc đua giữa iOS và Android khi Gartner cho biết có tới 96,8% số smartphone được bán ra trong năm chạy hai hệ điều hành này. Microsoft chỉ chiếm vỏn vẹn 2,5% và giảm dần theo từng quý.

Đối với nhiều người, Windows Phone thực ra đã chết từ cách đây hai năm, trước khi có sự thừa nhận của lãnh đạo Microsoft tuần trước. Hệ điều hành này sẽ luôn được nhớ đến như là một trong những thất bại lớn nhất và đáng tiếc nhất trong lịch sử smartphone.

Theo VNE

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1908
Quay lên trên