Trong những năm qua (2011-2019) Bình Dương đã quan tâm, chú trọng đến công tác xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất theo đúng quy định của pháp luật. Bảng giá các loại đất ban hành phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội và thực tế của địa phương, góp phần tăng thu ngân sách, tạo sự công bằng trong xã hội, bảo đảm giữa quyền lợi và nghĩa vụ của người sử dụng đất, ổn định thị trường bất động sản, phát triển đô thị theo đúng quy hoạch.
Xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, góp phần tăng thu ngân sách, ổn định thị trường bất động sản, phát triển đô thị theo đúng quy hoạch. Trong ảnh: Khu làng chuyên gia The Oasis, TP.Thuận An
Ổn định thị trường
Từ sau khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành đến nay, UBND tỉnh đã ban hành 2 bảng giá đất áp dụng cho giai đoạn 2015-2019 và 2020-2024. Tuy nhiên, do tình hình giá đất phổ biến trên thị trường biến động tăng, nên giai đoạn 2015-2019, UBND tỉnh đã ban hành 3 quyết định thay thế vào các năm 2016, 2017 và 2019.
Trong quá trình xây dựng, điều chỉnh bảng giá các loại đất, tỉnh đã phối hợp với các tỉnh, thành phố có đất giáp ranh rà soát giá đất theo từng khu vực, tuyến đường, vị trí bảo đảm chênh lệch giá đất giáp ranh không vượt quá 30% theo quy định. Ngoài ra, Bình Dương còn quy định nguyên tắc xử lý đối với vùng đất giáp ranh để bảo đảm giá đất chênh lệch dưới 20%.
Ông Từ Phương Thắng, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Quản lý đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết: “Bảng giá các loại đất ban hành phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội và tình hình thực tế của địa phương, góp phần tăng thu ngân sách, tạo sự công bằng trong xã hội, bảo đảm giữa quyền lợi và nghĩa vụ của người sử dụng đất, giúp cơ quan Nhà nước quản lý và kiểm soát thị trường bất động sản, đồng thời tạo lực đẩy phát triển đô thị”.
Hiện nay, khung giá các loại đất do Chính phủ quy định được áp dụng trên địa bàn tỉnh đã phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, trừ khung giá đất nông nghiệp hiện còn thấp hơn nhiều so với giá chuyển nhượng phổ biến trên thị trường, đặc biệt là đất nông nghiệp thuộc các phường, thị trấn, trung tâm đô thị. Lý giải về vấn đề này, ông Thắng cho biết thêm: “Nguyên nhân do đặc thù địa phương là tỉnh phát triển công nghiệp, hầu hết diện tích đất nông nghiệp không sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp mà nằm xen kẽ trong khu đô thị, khu dân cư, được quy hoạch là đất ở và các loại đất khác”.
Từ hạn chế nêu trên đã ảnh hưởng đến việc xây dựng bảng giá đất và việc xác định giá đất cụ thể. Sau các lần điều chỉnh bảng giá đất thì khoảng chênh lệch giữa giá đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp ngày càng cao so với chênh lệch thực tế của thị trường. Dẫn đến khó khăn trong quá trình thực hiện xác định giá đất cụ thể trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với các tổ chức có dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, theo Điều 14 Nghị định số 44/2014/NĐ-CP, quy định khi giá đất phổ biến trên thị trường tăng/giảm trên 20% so với giá đất tối đa/tối thiểu trong bảng giá đất thì phải thực hiện điều chỉnh nhưng không có quy định hướng dẫn cụ thể nên gây khó khăn trong việc triển khai.
Tăng thu ngân sách
Ông Từ Phương Thắng, cho biết: “Thời gian qua, việc xác định giá đất cụ thể dựa trên cơ sở điều tra, thu thập thông tin về thửa đất, giá đất thị trường và thông tin về giá đất trong cơ sở dữ liệu đất đai, áp dụng phương pháp định giá đất phù hợp đã góp phần tăng thu cho ngân sách Nhà nước và giải quyết hài hòa lợi ích của Nhà nước, chủ đầu tư và người sử dụng đất”. Tuy nhiên, năng lực của đơn vị tư vấn định giá còn hạn chế, dẫn đến nhiều chứng thư định giá phải chỉnh sửa nhiều lần mới đạt theo yêu cầu. Ngoài ra, tại địa phương chưa có tổ chức tư vấn định giá nào có đủ năng lực thực hiện dẫn đến việc ký kết hợp đồng, bàn giao, chỉnh sửa chứng thư định giá khi có yêu cầu thường kéo dài. Mặc khác, việc thuê tư vấn định giá bên ngoài tỉnh còn hạn chế.
Theo quy định hiện nay thì việc xác định nghĩa vụ tài chính về đất trong một số trường hợp phải thực hiện theo cơ chế giá thị trường do UBND tỉnh quyết định cuối cùng. Chủ đầu tư chưa có được một đơn vị tư vấn, cung cấp thông tin tham khảo để có thể tính toán về khả năng tài chính, sự phù hợp của dự án. Từ đó, dẫn đến một số chủ đầu tư khi nhận được thông báo số tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp đã vượt xa khả năng tài chính nên phải hủy dự án hoặc xin rút hồ sơ thực hiện dự án.
Ông Từ Phương Thắng, cho biết: “Nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế tài chính đất đai trong giao đất, cho thuê đất, xác định giáđất, phát triển quỹ đất và đấu giá quyền sử dụng đất nhằm huy động nguồn lực tài chính từ đất đai phục vụ hiệu quả cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, UBND tỉnh đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế mẫu về quản lý, sử dụng Quỹ phát triển đất; quy định các phương thức, nguồn vốn và cơ chế tài chính trong tạo lập phát triển quỹ đất, trong sử dụng đất để tạo vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng”. |
PHƯƠNG LÊ