Xây dựng dự thảo Nghị định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản

Cập nhật: 21-07-2020 | 15:52:41

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên yêu cầu Tổng cục Địa chất và Khoáng sản xem xét lại nội dung thời hạn nộp hồ sơ cấp Giấy phép thăm dò, Giấy phép khai thác sau khi trúng đấu giá.

Ngày 21/7, tại Hà Nội, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức cuộc họp báo cáo về tình hình triển khai xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 22/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên yêu cầu Tổng cục Địa chất và Khoáng sản xem xét lại các nội dung về thời hạn nộp hồ sơ cấp Giấy phép thăm dò, Giấy phép khai thác sau khi trúng đấu giá; hình thức và phương pháp đấu giá; tài nguyên, trữ lượng của khu vực đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Đồng thời, Thứ trưởng cũng yêu cầu Tổng cục hoàn thiện báo cáo và xin ý kiến của các Bộ, ngành liên quan.

Báo cáo về tình hình triển khai xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 22/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản, Phó Cục trưởng Cục kinh tế địa chất và khoáng sản thuộc Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam Đào Chí Biền cho biết đến nay, Tổng cục đã nhận được ý kiến góp ý của Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính…và của 49 trong tổng số 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

[Công bố kết luận thanh tra về khai thác khoáng sản ở miền núi phía Bắc]

Theo các ý kiến đóng góp, nhiều vấn đề Tổng cục cần tiếp thu và chỉnh sửa, trong đó có nguyên tắc, trình tư thủ tục đấu giá quyền khai thác khoáng sản; bước giá trong đấu giá quyền khai thác khoáng sản; thời hạn nộp hồ sơ cấp giấy phép thăm dò, giấy phép khai thác sau khi trúng đấu giá; tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản; hủy kết quả cuộc đấu giá…

Cụ thể, về hình thức và phương thức đấu giá, các tỉnh đều cho rằng Tổng cục cần xem xét, quy định theo hướng linh hoạt hơn; cần có thêm nhiều hình thức phương thức để có thể lựa chọn tùy vào điều kiện, hoàn cảnh thực tế phù hợp.

Đặc biệt, việc đấu giá theo hình thức bỏ phiếu kín trực tiếp tại cuộc đấu giá theo phương thức trả giá lên là phù hợp, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, khách quan.

Về đầu giá quyền khai thác khoáng sản trong trường hợp thế chấp quyền khai thác khoáng sản, các tỉnh, thành phố đề nghị bổ sung nội quy quy định về quy trình, cách thức tổ hợp thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với các trường hợp được nêu trong Công văn 1498/BTNMT-DCKS về việc thế chấp quyền khai thác khoáng sản của tổ chức, cá nhân tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng…

Do đó, các địa phương đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể tại Nghị định nhằm thống nhất cách thức triển khai trên toàn quốc.

Phó Cục trưởng Cục kinh tế địa chất và khoáng sản Đào Chí Biền cho rằng hiện nay, Luật Khoáng sản không quy định việc thế chấp quyền khai thác khoáng sản.

Mặt khác, trường hợp thế chấp quyền khai thác khoáng sản có nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến quyền khai thác khoáng sản: giá trị quyền sử dụng đất; tài sản gắn liền quyền sử dụng đất; các nghĩa vụ tài chính; tài sản thế chấp... Do đó, vấn đề này cần phải được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung vào Luật Khoáng sản.

Bên cạnh đó, một số ý kiến tại cuộc họp còn đề cập các vấn đề khác như quy chế cuộc đấu giá; thông báo, niêm yết cuộc đấu giá; phê duyệt kết quả trúng đấu giá; phương thức thu nộp tiền trúng đấu giá; bố cục của văn bản... nhằm đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc được quy định tại Luật Đấu giá tài sản./.

(Theo TTXVN/Vietnam+)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1535
Quay lên trên