Theo các nhà nghiên cứu, ước tính tốc độ lây lan của biến thể Omicron nhanh gấp 5 đến 6 lần so với biến thể Delta. Dự kiến trong tình huống biến thể Omicron xâm nhập vào Bình Dương sẽ làm số lượng ca bệnh tăng cao, có thể đạt đến đỉnh điểm hơn 10.000 ca bệnh/ngày. Bình Dương đang xây dựng thế trận ứng phó với biến thể Omicron, giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của dịch bệnh đối với sức khỏe người dân và hoạt động kinh tế - xã hội.
Sẵn sàng khu điều trị, tăng cường tiêm vắc xin
Sở Y tế vừa xây dựng kế hoạch dự thảo phòng, chống biến thể Omicron trên địa bàn tỉnh. Theo đó ngành sẵn sàng các khu điều trị theo mô hình tháp 3 tầng đáp ứng theo từng tình huống dịch từ 4.000 - 5.000 ca bệnh/ngày tăng lên 8.000 - 10.000 ca/ngày và có thể đạt trên 10.000 ca bệnh/ngày. Trường hợp dưới 10.000 ca bệnh/ngày với thời gian điều trị trung bình 10 ngày, ngành chuẩn bị dưới 100.000 giường bệnh, trong đó 95% giường bệnh dành cho các trường hợp nhẹ, không triệu chứng tương ứng với 95.000 trường hợp cách ly tại nhà, nơi lưu trú; 4% giường bệnh (4.000 giường) dành cho bệnh nhân tầng 2 tại các huyện, thị, thành phố và 1% tức là 1.000 giường cho các bệnh viện ngoài công lập và các bệnh viện tầng 3 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Quốc tế Becamex. Trong trường hợp số ca bệnh trên 10.000 ca/ ngày sẽ quá khả năng đáp ứng của ngành y tế, ngành đề xuất giãn cách xã hội, tập trung điều trị cho bệnh nhân tầng 2, 3 (kể cả ICU) tại các huyện, thị, thành phố và 2 bệnh viện tầng 3.
Nhân viên y tế kiểm tra danh sách người nước ngoài nhập cảnh tại khách sạn Saigon Park Resort, TP.Thuận An
Ông Nguyễn Lộc Hà, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “Để chủ động ứng phó với dịch bệnh Covid-19 diễn biến khó lường và nguy cơ biến chủng Omicron có thể xâm nhập vào địa bàn, UBND tỉnh đề nghị các địa phương tiếp tục đánh giá cấp độ dịch để có biện pháp phù hợp với diễn biến phức tạp, bảo đảm các hoạt động phục hồi sản xuất. Ngành y tế chú trọng nâng cao năng lực y tế cơ sở, chủ động và sẵn sàng trang bị nhân lực, thuốc điều trị, ô xy y tế để bảo đảm người dân được tiếp cận y tế từ sớm, từ xa. Ngành cũng chủ động tăng cường xét nghiệm tầm soát với các trường hợp, địa bàn có nguy cơ cao nhằm sớm phát hiện chủng mới; khẩn trương tổ chức tiêm chủng an toàn, nhanh nhất có thể”.
Ông Nguyễn Lọc Hà cũng lưu ý, theo yêu cầu của Thường trực Tỉnh ủy, các địa phương phải đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tiêm vắc xin ngừa Covid-19 theo hướng chuyển từ ưu tiên cho nhóm người có bệnh nền, người trên 50 tuổi sang phấn đấu tiêm cho tất cả người dân thuộc nhóm tuổi chỉ định tiêm; đặc biệt không để người trên 50 tuổi, người có bệnh nền chưa được tiêm. Để phòng, chống biến thể mới Omicron, người dân tiếp tục nâng cao tinh thần chủ động phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, cùng với tiêm đầy đủ vắc xin, tuân thủ thông điệp “5K” của Bộ Y tế.
Tăng cường quản lý người nước ngoài nhập cảnh
Xác định các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài là một trong những nguồn lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 vào địa bàn, đặc biệt là biến thể Omicron, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh phối hợp với Sở Y tế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Ngoại vụ tham mưu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh về hoạt động nhập cảnh của người nước ngoài. Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế cho biết, hiện nay phương án cách ly, giám sát y tế đối với người nước ngoài nhập cảnh vào Bình Dương được Sở Y tế phê duyệt, chấp thuận, sau đó được Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an xem xét thủ tục nhập cảnh đối với các chuyên gia này. Công an tỉnh chỉ đạo công an địa phương quản lý, theo dõi các trường hợp người nước ngoài nhập cảnh, thực hiện cách ly lưu trú tại các địa phương.
Trong khi đó, Trung tâm Y tế các huyện, thị, thành phố giám sát, theo dõi, lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2, hướng dẫn người nước ngoài các biện pháp cách ly, tự theo dõi sức khỏe, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh theo quy định của Bộ Y tế. Các đơn vị báo cáo tình hình quản lý, giám sát người nhập cảnh của địa phương về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Sở Y tế. Đối với các công ty, doanh nghiệp mời chuyên gia nước ngoài cần tuân thủ các quy định cho người nước ngoài nhập cảnh, bố trí phương tiện chở chuyên gia từ sân bay, cửa khẩu về đến nơi cách ly, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh. Các công ty khai báo ngay cho chính quyền địa phương, cơ quan y tế cơ sở để được hướng dẫn theo dõi sức khỏe và lấy mẫu xét nghiệm; đồng thời cam kết thực hiện các quy định và chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.
Theo số liệu thống kê, từ đầu đợt dịch bệnh đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh đã tiếp đón 4.385 chuyên gia nước ngoài và người thân của họ (vợ, con, cha, mẹ) vào Bình Dương học tập, làm việc. Các chuyên gia này thuộc các doanh nghiệp nằm trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh như: VSIP I, VSIP II, Nam Tân Uyên, Việt Hương… và đến nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan, Anh, Mỹ, Đức, Ý, Singapore, Philippines, Đan Mạch, Pháp, Úc, Canada, Ireland… Trong tổng số 4.385 chuyên gia có 4.197 chuyên gia nhập cảnh từ sân bay Tân Sơn Nhất và 188 chuyên gia nhập cảnh tại cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh. Kết quả 7 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.
HOÀNG LINH