Hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh trong 8 tháng qua tiếp tục có nhiều thuận lợi; nhiều DN có hợp đồng xuất khẩu hàng hóa ổn định và dài hạn. Đáng chú ý, trong tháng 8, xuất khẩu hàng hóa của các DN trên địa bàn tỉnh tăng 52,5% so với tháng trước và tăng 54% so với cùng kỳ năm 2018.
8 tháng năm 2019, kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ của tỉnh tăng đến 15,1% so với cùng kỳ năm 2018. Trong ảnh: Sản xuất gỗ tại Công ty Cổ phần Kỹ nghệ Long Việt (TX.Dĩ An). Ảnh: TIỂU MY
Thặng dư thương mại 4,5 tỷ USD
Theo đánh giá của Sở Công thương, với việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA và IPA) tiếp tục mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu mặt hàng nông sản (gạo, cà phê, mật ong, chăn nuôi, hoa quả, thủy sản...), dệt may, da giày, đồ gỗ... khi EU xóa bỏ phần lớn các dòng thuế nhập khẩu.
Chỉ riêng trong tháng 8-2019, kim ngạch xuất khẩu của cả tỉnh ước đạt 3 tỷ 404 triệu USD, tăng 52,5% so tháng trước và tăng 54% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 551,8 triệu USD, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 2 tỷ 702 triệu USD. Tính chung trong 8 tháng năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của cả tỉnh ước đạt 17 tỷ 534 triệu USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 3 tỷ 356 triệu USD, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 14 tỷ 953 triệu USD.
Điều đáng chú ý, thặng dư xuất nhập khẩu của cả tỉnh 8 tháng đạt 4,5 tỷ USD. Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh tiếp tục đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm ngoái, như dệt may tăng 13,5%, giày dép tăng 13,5%, sản phẩm bằng gỗ tăng 15,1%, linh kiện điện tử tăng 14,6%...
Ông Nguyễn Văn Dành, Giám đốc Sở Công thương, cho biết xuất khẩu của khối DN trong nước tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động thương mại của Việt Nam nói chung, tỉnh Bình Dương nói riêng trong 8 tháng năm 2019. Kết quả này cho thấy việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tận dụng các cơ hội trong hội nhập đã được các DN trong nước thực hiện tốt.
Vẫn lắm thách thức
Chỉ trong tháng 8, ngành gỗ của tỉnh có kim ngạch xuất khẩu ước đạt 355 triệu USD, tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 10,9% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Tính chung trong 8 tháng năm 2019, xuất khẩu gỗ của cả tỉnh ước đạt trên 2 tỷ 082 triệu USD. Các thị trường xuất khẩu chính của ngành gỗ là Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… tiếp tục duy trì mức tăng trưởng tốt. Đặc biệt, ngành gỗ ghi nhận sự gia tăng tiêu thụ tại các thị trường mới như Canada, Liên minh kinh tế Á - Âu…
Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, cho hay Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và EVFTA như đòn bẩy thúc đẩy thêm cho ngành gỗ phát triển. Dự báo, trong thời gian tới đơn hàng xuất khẩu của ngành gỗ sẽ còn tăng.
“Ngành gỗ của nước ta có khả năng cạnh tranh cao. Dù vậy, tốc độ tăng trưởng của chúng ta lại đến từ việc dùng sức và lượng để cạnh tranh, trong khi các nước phát triển đầu tư vào thiết kế, nhãn hiệu, công nghệ tự động hóa, nhà xưởng hiện đại… Nước ta phải giải quyết bài toán này để ngành gỗ phát triển bền vững”, ông Hiệp nói.
Trong khi đó, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp Bình Dương, cho rằng việc Trung Quốc giảm giá mạnh đồng nhân dân tệ trong tháng 8 nhằm đáp trả Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh thương mại dự báo sẽ gây nhiều tác động đến tình hình xuất khẩu sản phẩm gỗ nói riêng và các sản phẩm xuất khẩu khác của nước ta nói chung. Theo đó, giá hàng hóa của Việt Nam sẽ kém cạnh tranh hơn hàng hóa của Trung Quốc, đồng thời giá hàng hóa ở các thị trường xuất khẩu truyền thống như Mỹ, EU sẽ tăng do tác động của việc quy đổi tỷ giá, dẫn đến sức mua của người người tiêu dùng sẽ giảm.
Với ngành dệt may, kim ngạch xuất khẩu của các DN trên địa bàn tỉnh trong tháng 8-2019 ước đạt 323 triệu USD, tăng 2,5% so với tháng trước, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 9,9% kim ngạch xuất khẩu cả tỉnh. Như vậy, trong 8 tháng qua kim ngạch xuất khẩu của ngành này đạt gần 1 tỷ 895 triệu USD. Các mặt hàng dệt may xuất khẩu của tỉnh tiếp tục giữ mức tăng trưởng khá và ổn định. Tuy nhiên, theo Sở Công thương, đến thời điểm này tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của ngành dệt may chưa tạo ra sự đột phá như kỳ vọng.
Trong bối cảnh hiện nay, việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm dệt may là điều tiên quyết. Tuy vậy, hiện nay không phải DN nào cũng đủ tiềm lực tài chính để đầu tư cải tiến máy móc, thiết bị sản xuất hiện đại để có thể đáp ứng được các đơn hàng lớn, nâng tầm quản trị, xây dựng thương hiệu… Đại diện Sở Công thương cho biết việc đơn vị tổ chức đoàn các DN dệt may tham gia hội chợ Magic Show (từ ngày 11 đến 14-8-2019) và khảo sát thị trường Hoa Kỳ đã có những thành công bước đầu, cụ thể là các đối tác Hoa Kỳ rất quan tâm đến việc hợp tác với DN dệt may của Bình Dương.
TIỂU MY