Các nhân viên y tế khẩn trương đưa bệnh nhân vào điều trị tại Bệnh viện Gia Đình. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)
Tại cuộc họp giao ban trực tuyến định kỳ với Giám đốc Sở Y tế 63 tỉnh, thành phố ngày 5/8, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh tình hình dịch lần này khó khăn hơn nhiều, tốc độ lây lan nhanh hơn, xuất hiện nhiều chùm ca bệnh tại cộng đồng, gia đình, vì vậy phải khẩn trương, làm rất mạnh và cương quyết tất cả biện pháp để hạn chế ảnh hưởng của dịch.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết riêng về đáp ứng phòng, chống dịch, trong tiền lệ của Bộ Y tế chưa bao giờ lại cử những cán bộ, giáo sư, chuyên gia đầu ngành vào quyết giữ cho được Quảng Nam, Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung, làm sao để khống chế triệt để dịch như lần này.
Việc khống chế dịch triệt để không chỉ ở Quảng Nam, Đà Nẵng mà với tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đó là lý do Bộ Y tế liên tục nhắc nhở, chỉ đạo, ra nhiều công điện, vì phải quyết tâm, cố gắng hơn nữa.
"Quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng trong phòng chống dịch là 'mỗi người dân là một chiến sỹ, mỗi gia đình là một pháo đài.' Với ngành y tế, chúng ta phải coi 'mỗi cơ sở y tế là một pháo đài vững chắc, mỗi cán bộ y tế là chiến sỹ trên tuyến đầu'," quyền Bộ trưởng nhấn mạnh.
Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thanh Long đề nghị các địa phương cần rà soát các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo đã được Bộ Y tế, các cục, vụ, đơn vị thuộc Bộ đã ban hành. Nếu có vấn đề vướng mắc, địa phương phải trao đổi lại với Bộ Y tế để điều chỉnh, hướng dẫn cụ thể hơn. Bên cạnh đó cần chuẩn bị nguồn nhân lực, cơ sở vật chất cho tình huống dịch lan rộng.
"Ngay bây giờ, với các địa phương khi chưa có dịch cũng phải chuẩn bị tình huống này," quyền Bộ trưởng lưu ý.
Từ bài học của Đà Nẵng, Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thanh Long yêu cầu các địa phương phải phân định rõ, về phòng chống dịch, cơ sở nào điều trị bệnh nhân dương tính, cơ sở nào sử dụng trong trường hợp cấp cứu bệnh nhân tại địa phương mình; đồng thời phải lên kịch bản rất chi tiết, đầy đủ cho vấn đề nhân lực. Cùng với đó, đào tạo tập huấn cho cán bộ y tế (kể cả cán bộ đang làm việc, đã nghỉ hưu hay sinh viên trường Y).
"Lần này chúng ta phải làm từ rất sớm. Chúng tôi đã yêu cầu Cục Khoa học, Công nghệ và Đào tạo tiến hành nhanh việc đào tạo tập huấn này. Nếu không, chúng ta sẽ bị hổng nguồn nhân lực lớn khi dịch xảy ra trên địa bàn," quyền Bộ trưởng cho biết.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng yêu cầu các địa phương, trên cơ sở các hướng dẫn Bộ đã ban hành, phải rà soát lại cơ sở vật chất kể cả trong tình huống phải thành lập bệnh viện dã chiến.
Bên cạnh đó, Sở Y tế 63 tỉnh, thành phố phải rà soát lại các cơ sở xét nghiệm trên địa bàn; yêu cầu khẩn trương thiết lập các cơ sở xét nghiệm, thực hiện xét nghiệm trên diện rộng với các trường hợp nghi ngờ để phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời dịch bệnh.
Quyền Bộ trưởng cũng đặc biệt nhấn mạnh công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm trong cơ sở y tế; khuyến cáo người dân hạn chế đến cơ sở y tế, hạn chế thăm nuôi, hạn chế khám chữa bệnh định kỳ mà có thể chuyển về y tế cơ sở.
"Đặc biệt phải thực hiện phân luồng phân tuyến trong cơ sở khám chữa bệnh, đừng để chỉ một bệnh nhân mà phải phong tỏa cả bệnh viện. Phải phân luồng phân tuyến thì chỉ khu vực có bệnh nhân mới áp dụng triệt để biện pháp phòng lây nhiễm," quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Ngoài ra, chúng ta phải bảo vệ những điểm yếu nhất trong cơ sở y tế là các khoa hồi sức tích cực, cấp cứu, thận nhân tạo, các khoa can thiệp hay các trường hợp ung thư giai đoạn cuối... Phải coi đây là điểm phải bảo vệ cốt tử, vì nếu dịch đánh đúng vào đó, số tử vong sẽ lớn. Tại những khoa này, có nhiều bệnh nhân đã phụ thuộc máy móc, sự sống rất mong manh. Nếu thêm COVID-19 thì họ không thể qua khỏi như tám trường hợp ở Đà Nẵng. Vì vậy, tại các khu vực này, không cho thăm nuôi, phải chăm sóc bệnh nhân toàn diện.
Quyền Bộ trưởng cũng lưu ý các sở y tế, cơ sở y tế yêu cầu người đến khám tại cơ sở y tế và nhân viên y tế phải cài đặt phần mềm Bluezone giúp cảnh báo nguy cơ lây nhiễm và phục vụ công tác truy vết, giám sát./.
Theo TTXVN