Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Daegu, Hàn Quốc ngày 18/3/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)
Theo số liệu của trang mạng worldometers.info, tính 6 giờ sáng 30/4 (giờ Việt Nam), COVID-19 đã lây lan tới 210 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với 3.207.543 ca nhiễm, 227.379 ca tử vong và 997.120 người đã được điều trị khỏi bệnh.
Mỹ vẫn là quốc gia đứng đầu về số ca tử vong với hơn 61.180 ca, tiếp đến là Italy với hơn 27.682 ca và Anh với hơn 26.097 ca. Hai quốc gia tiếp theo cũng là các nước châu Âu, gồm Tây Ban Nha (hơn 24.275 ca) và Pháp (24.087 ca).
Anh có số ca tử vong do COVID-19 cao thứ 2 tại châu Âu
Theo số liệu công bố ngày 29/4, Anh hiện đã trở thành nước có số người tử vong do virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cao thứ 2 tại châu Âu. Đây là số liệu tổng hợp ở tất cả các cơ sở, trong đó có cả các viện dưỡng lão.
Cơ quan Y tế công cộng xứ England cho hay tính đến 16h ngày 28/4 giờ GMT (23h cùng ngày giờ Việt Nam) có khoảng 26.097 người đã tử vong sau khi dương tính với SARS-CoV-2. Điều này đồng nghĩa số người tử vong do COVID-19 tại Anh đã nhiều hơn ở Pháp và Tây Ban Nha.
Người đứng đầu Cơ quan Y tế công cộng xứ England Yvonne Doyle nói: "Những dữ liệu đầy đủ hơn này sẽ cho chúng tôi có một bức tranh đầy đủ hơn và cập nhật hơn về những ca tử vong ở England và sẽ cho biết về (tính hiệu quả) của cách tiếp cận của chính phủ, trong bối cảnh chúng tôi tiếp tục bảo vệ cộng đồng."
Tuy nhiên, bà Yvonne Doyle lưu ý rằng Anh có tỷ lệ tử vong tính trên đầu người do COVID-19 tương đương với các nước châu Âu khác.
Italy ghi nhận thêm 2.086 ca nhiễm SARS-CoV-2
Theo số liệu của Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy công bố, trong ngày 29/4, nước này ghi nhận thêm 2.086 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 203.591 trường hợp.
Trong khi đó, số ca tử vong do căn bệnh này đã tăng lên 27.682 trường hợp (tăng 323 ca). Có 2.311 ca hồi phục trong ngày, nâng tổng số ca hồi phục lên 71.252 ca. Số ca phải điều trị tích cực do COVID-19 tại Italy cũng tiếp tục giảm 68 ca xuống còn 1.795 ca.
Pháp ghi nhận hơn 24.000 ca tử vong vì COVID-19
Tính đến tối 29/4, số ca tử vong vì dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Pháp đã lên tới 24.087 người (+427 trong 24 giờ), bao gồm 15.053 (+243) ở bệnh viện và 9.034 (+184) ở nhà dưỡng lão và cơ sở y tế xã hội.
Hiện 26.834 người đang nằm viện (-650 so với hôm trước), trong đó 4.207 người phải chăm sóc đặc biệt (-180). Như vậy, số bệnh nhân nặng cần hồi sức tích cực đã giảm liên tiếp từ 21 ngày nay.
Cùng ngày, Thượng viện Pháp thông báo sẽ nghe chính phủ trình bày trước khi bỏ phiếu kế hoạch dỡ bỏ từng bước lệnh phong tỏa quốc gia, vào chiều 4/5. Kế hoạch này, dự kiến bắt đầu từ ngày 11/5, đã được Hạ viện thông qua tối 28/4, với 368 phiếu thuận, 100 phiếu chống và 103 phiếu trắng.
Liên quan đến lĩnh vực sản xuất ôtô, Ủy ban châu Âu đã quyết định phê duyệt khoản vay trị giá 5 tỷ euro cho tập đoàn Renault, với sự bảo lãnh của chính phủ Pháp. Mục đích nhằm hạn chế tác động của đại dịch lên một trong những ngành công nghiệp trọng điểm của quốc gia này.
New York: Lần đầu tiên trong 12 ngày qua, số người nhập viên trong một ngày qua tăng nhẹ
Thống đốc bang New York (Mỹ) Andrew Cuomo ngày 29/4 cho biết số người nhập viên trong một ngày qua có tăng nhẹ, lần đầu tiên trong 12 ngày qua và đây là tình hình đáng lưu tâm.
New York ngày 29/4 ghi nhận 330 người tử vong trong 24h qua, thấp chưa bằng một nửa số người tử vong mỗi ngày hồi đầu tháng 4 nhưng vẫn là một con số đáng quan ngại.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tripoli, Libya, ngày 1/4/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Ông Cuomo cho biết đã cho phép 35 hạt ở bang New York không bị ảnh hưởng trầm trọng bởi dịch COVID-19 được phép thực hiện phẫu thuật các bệnh khác theo yêu cầu.
Hiện tiểu bang đang tiến hành xét nghiệm SARS-CoV-2 cho khoảng 30.000 người một ngày, và khả năng tiến tới mục tiêu xét nghiệm cho 40.000 người một ngày là hoàn toàn có thể trong thời gian tới.
Cùng ngày Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio đã tuyên bố sẽ cho bắt giữ những người vi phạm quy định giãn cách xã hội sau khi cảnh sát thành phố phải rất vất vả giải tán đám đông lên tới hàng nghìn người tham gia đám tang một giáo sỹ Do Thái mất vì COVID-19 ở ngay khu Williamsburg thuộc quận trung tâm Brooklyn vào tối 28/4.
Mỹ mở rộng điều tra về sự bùng phát dịch bệnh COVID-19 tại tàu sân bay USS Theodore Roosevelt
Quyền Bộ trưởng Hải quân Mỹ James McPherson ngày 29/4 thông báo về việc mở một cuộc điều tra sâu rộng hơn đối với sự bùng phát dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại tàu sân bay USS Theodore Roosevelt.
Vụ việc khiến hạm trưởng tàu này là Brett Crozier đã bị cách chức, do viết một bức thư, sau đó bị rò rỉ trên truyền thông, mô tả tình hình khó khăn trên tàu và cáo buộc Lầu Năm Góc không có sự chú ý thích hợp.
Việc ông Crozier bị cách chức được xem là quá nặng tay và vội vàng trước khi một cuộc điều tra được tiến hành. Trong một diễn biến liên quan sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper thông báo quyền Bộ trưởng Hải quân Mỹ Thomas Modly ngày 7/4 đã từ chức do cách thức xử lí của ông đối với vụ việc.
Ông James McPherson cho biết ông vẫn đặt nghi vấn về sự vụ này sau báo cáo sơ bộ gửi tới Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper hồi tuần trước. Ông McPherson nhấn mạnh ông "có những nghi vấn về vụ việc và chỉ có thể giải đáp bằng một cuộc điều tra sâu rộng hơn.”
Ông McPherson cũng lưu ý rằng cuộc điều tra sẽ cung cấp “thêm nhận thức về chuỗi các sự kiện, các động thái và các quyết định trong chuỗi chỉ huy.”
Hiện nay, ngoài tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, tình trạng lây nhiễm COVID-19 trong quân đội Mỹ trở thành một vấn đề đáng quan ngại.
Theo Lầu Năm Góc, số ca dương tính với COVID-19 trong các lực lượng vũ trang Mỹ bao gồm cả những thành viên gia đình họ, công nhân viên chức và các nhà thầu quốc phòng đã lên tới 6.754 ca, tăng 106 ca trong 24 giờ qua, trong đó có 283 ca đang điều trị tại bệnh viện, 2.176 ca đã bình phục.
Đan Mạch tuyên bố dịch COVID-19 đã được kiểm soát
Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen ngày 29/4 tuyên bố nước này đã khống chế được dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và đang từ từ dỡ bỏ các hạn chế.
Phát biểu tại Quốc hội, Thủ tướng Frederiksen nêu rõ: "Sự lây nhiễm đã nằm trong tầm kiểm soát và chiến lược của Đan Mạch đã thành công trong giai đoạn khó khăn đầu tiên."
Giữa tháng 3, Copenhagen đã đóng cửa các trường học cũng như các quán càphê, nhà hàng, quán bar, phòng tập thể thao và các tiệm làm tóc. Những hoạt động tụ tập hơn 10 người đều bị cấm.
Hiện một số biện pháp hạn chế đã được dỡ bỏ, với việc mở cửa trở lại các trường học cho trẻ em từ 11 tuổi trở lên, các cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ cũng như các dịch vụ làm đẹp. Giai đoạn thứ 2 tái mở cửa dự kiến bắt đầu vào ngày 10/5.
Tính đến ngày 29/4, Đan Mạch ghi nhận tổng cộng 9.206 ca mắc COVID-19, trong đó có 443 ca tử vong.
Đức tiếp tục kéo dài cảnh báo du lịch nước ngoài
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết, chính phủ nước này đã kéo dài cảnh báo du lịch nước ngoài hiện tại đến ngày 14/6 do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Tuy nhiên, Đức sẽ có những thỏa thuận riêng lẻ với các quốc gia châu Âu để cho phép các chuyến du lịch xuyên biên giới vào mùa Hè này.
Ngoại trưởng Maas cho rằng, một giải pháp châu Âu là điều mong muốn nhưng do những diễn biến khác nhau trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19 ở từng quốc gia, nên cũng sẽ có những khác biệt. Tuy nhiên, điều này chỉ được thực hiện "trong vài tuần tới."
Theo tờ Thế giới (die Welt), do dịch COVID-19, Chính phủ Đức đã kéo dài cảnh báo du lịch trên toàn thế giới đối với người dân muốn đi du lịch ít nhất dến ngày 14/6. Trong ngày, Nội các liên bang đã thông qua đề xuất tương ứng từ Bộ Ngoại giao Đức.
Die Welt dẫn thông tin từ một nguồn tài liệu rằng, biện pháp này là cần thiết "vì những hạn chế mạnh mẽ và quyết liệt đối với giao thông hàng không, du lịch quốc tế và hạn chế nhập cảnh trên toàn thế giới, các biện pháp kiểm dịch và hạn chế đối với đời sống công cộng có thể được thực hiện dự kiến ở nhiều quốc gia."
Trước đó ngày 17/3, Ngoại trưởng Maas đã đưa ra cảnh báo du lịch đối với các chuyến du lịch nước ngoài do dịch COVID-19 - chưa từng có trong tiền lệ. Biện pháp hạn chế này ban đầu được giới hạn đến cuối tháng Tư và sau đó được kéo dài tới ngày 3/5. Theo trang thông tin của Bộ Ngoại giao Đức, quyết định về kỳ nghỉ Hè sẽ được đưa ra sau ngày 14/6.
Số người mắc COVID-19 ở Tây Ban Nha có thể tới 1,2 triệu
Ngày 29/4, một nghiên cứu của Quỹ nghiên cứu kinh tế ứng dụng (Fedea) của Tây Ban Nha chỉ ra rằng số người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại nước này cao hơn nhiều so với số liệu thống kê chính thức và có thể lên tới 1,2 triệu người, và con số người tử vong có thể là hơn 34.000.
Trong khi đó, theo Bộ Y tế quốc gia, đến nay, Tây Ban Nha đã chính thức ghi nhận gần 213.000 trường hợp nhiễm COVID-19, trong đó 24.000 trường hợp tử vong.
Bốn tác giả của nghiên cứu đến từ Đại học Complutense Madrid và Đại học tự trị Madrid lưu ý rằng số liệu thống kê chính thức chỉ bao gồm những người đã được xét nghiệm và bỏ qua một phần đáng kể những người bị nhiễm bệnh mà không có triệu chứng cũng như những người đã không tới các cơ sở y tế do tình trạng quá tải.
Các học giả kết luận rằng từ khi bắt đầu dịch bệnh đến ngày 26/4, 1,23 triệu người - tương đương 2,6% dân số Tây Ban Nha - đã mắc COVID-19. Nhóm này cũng dự đoán rằng đến khi dịch bệnh kết thúc sẽ có 1,3 triệu người Tây Ban Nha, tương đương 2,8% dân số bị mắc bệnh.
Theo nghiên cứu, số trường hợp mắc bệnh ở người cao tuổi cao hơn nhiều so với các nhóm tuổi khác - 9,9% trong độ tuổi 80-89 và 19,2% ở những người trên 90 tuổi.
Nghiên cứu cũng dự báo rằng dịch bệnh sẽ tiếp tục hoành hành cho đến ngày 25/8 và người cuối cùng bị nhiễm bệnh sẽ được chữa khỏi vào ngày 28/11.
Tây Ban Nha là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19, đứng thứ 3 sau Mỹ và Italy về số người tử vong và đứng thứ hai sau Mỹ về số trường hợp mắc bệnh.
Số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Trung Đông tiếp tục tăng mạnh
Ngày 29/4, truyền thông Trung Đông dẫn số liệu thống kê của Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ nêu rõ, số người đã tử vong do bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại nước này đã lên tới 3.081 trường hợp sau khi ghi nhận thêm 89 bệnh nhân mắc COVID-19 tử vong trong 24h qua.
Bên cạnh đó, tổng số ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) ở Thổ Nhĩ Kỳ hiện là 117.589 người sau khi phát hiện thêm 2.936 ca nhiễm mới. Ngoài ra, tính đến nay cũng đã có 44.022 người đã khỏi bệnh.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tripoli, Libya, ngày 1/4/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Trong khi đó, Bộ Y tế Qatar cùng ngày thông báo nước này đã phát hiện thêm 643 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số người mắc COVID-19 lên 12.564, trong đó có 11.311 bệnh nhân đang được điều trị bệnh. Hiện ở Qatar đã có tổng cộng 1.243 người bình phục hoàn toàn trong khi số bệnh nhân tử vong do căn bệnh nay là 10 người.
Cùng ngày, Ai Cập đã ghi nhận thêm 226 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và tổng số trường hợp mắc COVID-19 đã là 5.268 người. Theo thông báo của Bộ Y tế Ai Cập, tính đến nay đã có 380 người tử vong do COVID-19 sau khi xác nhận có thêm 21 người tử vong do căn bệnh hiểm nghèo này. Bên cạnh đó, số bệnh nhân khỏi bệnh và xuất viện đã đạt 1.335 người.
Cũng trong ngày 29/4, chính phủ được quốc tế công nhận ở Yemen đã ghi nhận thêm 5 ca nhiễm virus SARS-CoV-2. Thông tin trên diễn ra trong bối cảnh nhiều tổ chức y tế và cứu trợ quốc tế đã cảnh báo rằng đại dịch COVID-19 có thể gây ra những hậu quả thảm khốc ở quốc gia này./.
Theo TTXVN