Thực hiện Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19, đến thời điểm này các địa phương trong tỉnh đã sẵn sàng rà soát, thống kê các trường hợp được thụ hưởng gói hỗ trợ. Quan điểm nhất quán của Bình Dương là sẽ triển khai nghị quyết với tinh thần minh bạch, khách quan, kịp thời để người dân gặp khó khăn sớm ổn định cuộc sống.
Hội Chữ thập đỏ phường Hiệp Thành vận động tặng quà cho người bán vé số lẻ khó khăn trên địa bàn. Ảnh: HỒNG THUẬN
Rà soát, thống kê đối tượng khó khăn
Triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa nỗ lực phòng chống dịch bệnh, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời phải bảo đảm an sinh xã hội, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP, Bình Dương đã định hướng cho các ngành, địa phương chủ động rà soát, thống kê danh sách đối tượng thụ hưởng.
Theo nghị quyết hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 của Chính phủ, các nhóm đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, không bảo đảm mức sống tối thiểu sẽ được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 3 tháng, từ tháng 4 đến 6-2020. Nguyên tắc hỗ trợ là tập trung cho các đối tượng bị giảm sút thu nhập, mất, thiếu việc làm không bảo đảm mức sống tối thiểu do ảnh hưởng của dịch bệnh. Cụ thể các nhóm đối tượng là: Hộ nghèo, cận nghèo; bảo trợ xã hội; người có công với cách mạng; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm (lao động tự do); hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/ năm tạm ngừng kinh doanh từ ngày 1-4-2020; người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng trở lên do các doanh nghiệp gặp khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19. Ngoài ra, nghị quyết còn có một số chính sách ưu đãi hỗ trợ khác dành cho người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính.
Qua nắm bắt thực tế, phóng viên ghi nhận hiện các địa phương đang tích cực rà soát, khoanh vùng các đối tượng thụ hưởng để có những phương án hỗ trợ phù hợp. Về cơ bản, việc rà soát các nhóm đối tượng thuộc diện thụ hưởng chính sách có nhiều thuận lợi do danh sách các trường hợp đang được ngành lao động- thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH), cơ quan thuế, bảo hiểm và doanh nghiệp quản lý. Duy nhất chỉ có đối tượng lao động tự do mất việc làm là khó nắm bắt, nên các địa phương phải có thời gian rà soát, thống kê từ cơ sở.
Tại phường An Phú (TP. Thuận An), công tác rà soát các đối tượng thụ hưởng được các khu phố đẩy mạnh thực hiện. Ông Trần Văn Tôi, Trưởng khu phố 3, cho biết: “Những ngày gần đây, Ban Điều hành khu phố cùng các ngành, đoàn thể tích cực tuyên truyền rộng rãi cho người dân biết về các gói hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ và xác định mình thuộc gói hỗ trợ nào. Hàng năm, khu phố đều thành lập Hội đồng xét duyệt bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội trên nguyên tắc công khai dân chủ, có sự tham gia của của người dân, bảo đảm đúng đối tượng, không trùng lắp và phản ánh đúng thực trạng đời sống của người dân địa phương”.
Thực tế do Bình Dương đang thực hiện giãn cách xã hội nên các địa phương hạn chế đi khảo sát đông người, chỉ chia thành nhóm nhỏ từ 1 - 2 người xuống địa bàn dân cư. Trong khi đó, đối với người lao động tự do thì phải xác định cụ thể, chi tiết nghề nghiệp, quá trình ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Khó nắm danh sách nhóm lao động tự do
Theo các địa phương khi tiến hành rà soát, nắm danh sách các nhóm đối tượng được hỗ trợ, khó khăn lớn nhất là việc rà soát, xác định số lượng người trong nhóm lao động tự do. Vì đối tượng này không chịu sự quản lý của cơ quan, đơn vị nào. Tuy nhiên, đây lại là đối tượng bị ảnh hưởng, tác động sâu nhất bởi dịch bệnh Covid-19.
Ông Lê Minh Quốc Cường, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết: “Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 được ban hành nhưng các địa phương chưa có hướng dẫn của ngành. Tuy nhiên, Sở LĐ-TB&XH đã chủ động nghiên cứu các văn bản, đặc biệt là Nghị quyết 42/ NQ-CP để nắm chắc tinh thần chỉ đạo cũng như các trường hợp được thụ hưởng chính sách. Song song đó, sở cũng chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nghị quyết để người dân địa phương nắm bắt”. Cũng theo ông Cường thì hiện nay, số lượng lao động tự do ở các địa phương tương đối lớn, nên việc rà soát chính xác số lượng lao động tự do cần phải có thời gian và sự chung tay vào cuộc của cấp chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp cơ sở.
Bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Trưởng phòng LĐ-TB&XH TP.Thuận An, cho biết chưa có hướng dẫn cụ thể của ngành nên địa phương lúng túng trong việc rà soát người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động khi chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. Hiện nay, lao động tự do không có việc làm rất đông, nhưng họ không còn ở địa phương mà đã về quê, vấn đề đặt ra phải điều tra, thống kê như thế nào để không bỏ sót đối tượng thụ hưởng, tránh trùng lắp là điều không đơn giản. Thành phố cũng đang chờ văn bản cụ thể của ngành.
Nghị quyết 42/NQ-CP được Chính phủ ban hành là một quyết định nhân văn, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với người dân bị giảm sâu thu nhập do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, để gói hỗ trợ này đến đúng người, đúng đối tượng thì cần có sự chung tay giúp sức của các ngành, các cấp, đặc biệt ở chính địa phương, cơ sở, các tổ dân phố, khu ấp. q
KIM HÀ