Phun thuốc khử trùng tại chi nhánh Đài phát thanh quốc gia Republik Indonesiatại Surabaya. (Nguồn: CNN)
Ngày 14/7, chi nhánh Liên minh các nhà báo độc lập (AIJ) ở thành phố Surabaya, tỉnh Đông Java, cho biết 3 người tử vong và hàng chục người khác được xét nghiệm dương tính sau khi một ổ dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 nghiêm trọng được phát hiện.
Theo người đứng đầu AIJ Surabaya, ông Miftah Faridl cho biết, cho đến nay, 57 nhà báo đã được xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR) cho kết quả dương tính với COVID-19, trong đó 3 người đã thiệt mạng.
54 trong số 57 trường hợp dương tính được phát hiện nói trên là nhân viên thuộc chi nhánh Đài phát thanh quốc gia Republik Indonesia (RRI). Ngoài ra, còn có 6 người khác có kết quả xét nghiệm nhanh dương tính với COVID-19.
Cũng theo ông Faridl, Ban quản lý RRI đã hợp tác với Cơ quan Y tế Surabaya để thực hiện xét nghiệm PCR cho hàng trăm nhân viên RRI vào ngày 26/6.
Tuy nhiên, sau một thời gian không nhận được kết quả, RRI đã quyết định đề nghị Cơ quan giảm nhẹ thiên tai quốc gia (BNPB) tiến hành một đợt xét nghiệm PCR khác vào ngày 6/7.
Kết quả được BNPN thông báo vào ngày 7/7 cho thấy tất cả các nhân viên của RRI Surabaya đều âm tính.
Tuy nhiên, vào ngày 11/7, Cơ quan Y tế Surabaya đã công bố kết quả xét nghiệm PCR với 54 người được phát hiện dương tính với virus SARS-CoV-2 và chỉ hai trong số đó được nhập viện điều trị.
Do các kết quả xét nghiệm PCR trái ngược nhau, Ban quản lý RRI đã tổ chức đợt xét nghiệm thứ ba vào ngày 13/7 với các kết quả như trên.
Ông Faridl cho biết có 3 nguyên nhân khiến nhiều nhà báo và nhân viên truyền thông ở Surabaya nhiễm COVID-19.
Một là, nhiều nhà báo không tuân thủ các quy định về y tế và tiếp tục tham dự các sự kiện hoặc các cuộc họp báo.
Hai là, mong muốn của các quan chức muốn báo chí đưa tin về các hoạt động của mình trong các sự kiện, nghi lễ lớn. Chẳng hạn, một quan chức đã mời hàng chục nhà báo và thuê hàng trăm tài xế tham gia phân phát viện trợ xã hội.
Ba là, các công ty truyền thông, báo chí không có các biện pháp để bảo vệ sức khỏe cho nhân viên của mình.
Kể từ cuối tháng 5, tỉnh Đông Java đã thay thế thủ đô Jakarta trở thành tâm dịch mới của Indonesia với 16.877 ca lây nhiễm tính đến ngày 13/7, trong đó gần một nửa tại thành phố Surabaya./.
Theo TTXVN