Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Mulhouse, Pháp ngày 17/3/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Tính đến sáng 24/3 giờ Việt Nam, 387.741 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đã được ghi nhận tại 189 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó 16.497 ca tử vong.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh "đại dịch đang tăng tốc."
Tại châu Âu, hiện vẫn chưa có dấu hiệu giảm bớt sự lây lan của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại 4 nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Italy, Tây Ban Nha, Đức và Pháp, cũng như tại các quốc gia khác.
Đến ngày 23/3, Italy vẫn đứng đầu danh sách với 63.927 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 6.077 ca tử vong, sau đó là Tây Ban Nha với 33.089 ca nhiễm và 2.182 ca tử vong. Đức đứng thứ ba với 22.600 ca nhiễm và 86 ca tử vong. Pháp ghi nhận tổng cộng 19.856 ca nhiễm và 860 ca tử vong. Thụy Sĩ có 8.060 ca nhiễm và 66 ca tử vong, trong khi Anh hiện có 6.650 ca nhiễm và Áo 4.424 ca.
Trong bối cảnh số người nhiễm virus SARS-CoV-2 gia tăng rất nhanh, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã công bố lệnh phong tỏa toàn quốc trong 3 tuần kể từ tối 23/3. Quyết định trên được đưa ra sau cuộc họp khẩn cấp Ủy ban Cobra, cơ chế họp liên ngành cao cấp nhất do thủ tướng chủ trì chuyên đối phó với các tình huống khẩn cấp của chính phủ Anh.
Lệnh phong tỏa bắt buộc mọi người dân Anh phải ở trong nhà, chỉ đi ra ngoài khi đi mua thực phẩm cần thiết, đến hiệu thuốc và đến cơ quan làm việc những việc không thể làm được tại nhà.
Lệnh phong tỏa cũng cấm tụ tập gặp gỡ từ 2 người trở lên, tuy nhiên 2 người ở cùng một nhà có thể đi cùng nhau. Mọi người có thể ra ngoài tập thể dục như chạy, đi bộ. Mọi hoạt động như gặp gỡ bạn bè, lễ cưới, cầu nguyện đông người đều không được phép, trừ trường hợp đám tang. Cảnh sát Anh có quyền hỏi và bắt phạt các trường hợp vi phạm.
Quyết định được Thủ tướng Johnson công bố được cho là vô cùng "khắt khe," xa lạ, ảnh hưởng rất nhiều đến lối sống hàng ngày của người Anh. Tuy nhiên, ông Johnson nói không còn cách nào khác nếu như nước Anh muốn ngăn chặn đại dịch, mối đe dọa lớn nhất cho nước Anh trong nhiều thập kỷ trở lại đây.
Cùng ngày, cựu Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh (BOE) Mervyn King nhận định nền kinh tế thứ 5 thế giới đang đối mặt với thách thức nghiêm trọng hơn cuộc khủng hoảng năm 2008 khi hệ thống ngân hàng của Anh gần như sụp đổ.
Trong cuộc họp trực tuyến ngày 23/3, các Bộ trưởng Tài chính thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý đình chỉ các quy tắc nghiêm ngặt về quản lý thâm hụt công của khối, lần đầu tiên trong lịch sử cho phép các quốc gia thành viên tự do chi tiêu để giải quyết những tác động của đại dịch COVID-19.
"Điều khoản thoát hiểm" mang lại cho các chính phủ sự linh hoạt cần thiết để thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết hỗ trợ các hệ thống bảo vệ sức khỏe và an sinh cũng như bảo vệ nền kinh tế của EU.
Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis cho biết các điều kiện cho thấy châu Âu đang trải qua một cuộc suy thoái nghiêm trọng trong Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) nói riêng và EU nói chung.
Các Bộ trưởng tài chính EU sẽ tiếp tục họp trực tuyến trong ngày 24/3 để thảo luận về những biện pháp khác với mục đích hợp lực chống lại hiểm họa về một cuộc suy thoái trên toàn bộ lục địa và cả nền kinh tế thế giới.
Ngừng các quy tắc tài khóa là nỗ lực lớn nhất của các quốc gia thành viên EU để cùng nhau đối mặt với tai họa của đại dịch COVID-19. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã công bố gói kích thích tiền tệ trị giá 750 tỷ euro để trấn an thị trường và "giải phóng" các ngân hàng với khoản cho vay 1.800 tỷ euro.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Lombardy, Italy ngày 17/3/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Các biện pháp mạnh trên được đưa ra trong bối cảnh Viện nghiên cứu kinh tế Ifo của Đức ngày 23/3 nhận định dịch COVID-19 sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế lớn nhất châu Âu "hàng trăm tỷ euro," cao hơn rất nhiều so với những gì mà nước này từng phải hứng chịu trong các cuộc khủng hoảng kinh tế hay thiên tai những thập kỷ gần đây. Theo tính toán của Ifo, nền kinh tế Đức sẽ giảm 7,2% xuống còn 20,6%, tương ứng với thiệt hại từ 255 đến 729 tỷ euro (khoảng 780 tỷ USD).
Trong 3 tháng tạm ngừng một phần các hoạt động kinh tế do dịch bệnh, nền kinh tế Đức sẽ thiệt hại ít nhất 354 tỷ euro. Trong trường hợp tiếp tục kéo dài tình trạng này, Chính phủ Đức sẽ phải mất thêm khoản chi phí bổ sung từ 15 đến 57 tỷ euro/tuần.
Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng COVID-19 cũng sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng lớn đến thị trường lao động Đức. Có tới 1,8 triệu việc làm ở Đức có thể bị cắt giảm và hơn 6 triệu nhân viên bị ảnh hưởng do giảm giờ làm. Các biện pháp và gói cứu trợ kinh tế của Chính phủ Đức là rất cần thiết trong thời điểm hiện nay để giúp nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Trước đó cùng ngày, Chính phủ Liê bang Đức đã thông qua gói cứu trợ khẩn cấp có tổng giá trị lên tới 750 tỷ euro để ổn định nền kinh tế trước những hậu quả do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra. Dự kiến, Hạ viện Đức sẽ nhanh chóng thông qua gói biện pháp này vào ngày 25/3 và sau đó hai ngày sẽ được Thượng viện phê chuẩn.
Trong khi đó, Chủ tịch Liên đoàn Giới chủ công nghiệp Italy (Confindustria) Vincenzo Boccia cảnh báo nước này có khả năng bước vào giai đoạn "nền kinh tế thời chiến" sau khi chính phủ thông qua các biện pháp nghiêm ngặt, ngừng mọi hoạt động sản xuất không thiết yếu, nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan.
Chủ tịch Confindustria ước tính nếu Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Italy là 1.800 tỷ euro/năm thì hoạt động sản xuất mang lại 150 tỷ euro/tháng, và nếu ngừng 70% hoạt động sản xuất, Italy sẽ mất khoảng 100 tỷ euro/tháng.
Theo ông Boccia, chỉ 20-30% hoạt động sản xuất thiết yếu được duy trì sẽ gây tổn thất lớn cho quốc gia. Italy sẽ phải đối mặt với một khoản nợ khổng lồ, chỉ có thể được trả trong vòng 30 năm, như “một khoản nợ thời chiến.” Tuy nhiên, ông Boccia khẳng định Italy phải chiến thắng trong cuộc chiến chống virus SARS-CoV-2, chưa xét đến sự hồi sinh của nền kinh tế./.
Theo TTXVN