Tình hình dịch bệnh COVID-19 tại các nước khu vực châu Á

Cập nhật: 02-06-2020 | 15:30:41

Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Bucheon, phía tây thủ đô Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Số liệu thống kê của Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho thấy tính tới 10h ngày 2/6 (giờ địa phương), với 38 ca mới nhiễm virus SARS-CoV-2 được phát hiện, tổng số ca mắc COVID-19 ở Hàn Quốc đã tăng lên thành 11.541.

Số bệnh nhân phục hồi tăng thêm 24 lên thành 10.446 người, chiếm 95,7% trong tổng số ca mắc COVID-19, trong khi số ca tử vong do dịch bệnh tại nước này là 272.

Sau vụ lây nhiễm tập thể tại một trung tâm phân phối hàng hóa của trang bán hàng trực tuyến Coupang, Hàn Quốc lại phát hiện những ca nhiễm mới phát sinh từ các hoạt động tôn giáo.

Số liệu của KCDC cho thấy trong 38 ca mới mắc COVID-19, có tới 36 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 30 ca trong số này nhiễm virus SARS-CoV-2 do tham gia sinh hoạt tôn giáo tập thể, chủ yếu ở thủ đô Seoul và thành phố Incheon.

Thành phố Incheon cùng ngày đã buộc phải ban hành lệnh cấm tụ tập đông người đối với 4.234 cơ sở sinh hoạt tôn giáo tại đây. Trước đó, tỉnh Gyeonggi cũng ban hành lệnh cấm tụ tập đông người tại các kho tập kết hàng hóa, trung tâm chăm sóc khách hàng, dịch vụ cưới hỏi, tang lễ...

Tính đến ngày 1/6, Hàn Quốc vẫn còn hơn 600 cơ sở giáo dục chưa cho phép học sinh trở lại trường học vì dịch bệnh. Đến nay, các cơ quan y tế đã tiến hành xét nghiệm sàng lọc virus SARS-CoV-2 cho gần 900.000 người trên cả nước.

Mặc dù số ca nhiễm COVID-19 mới tại Hàn Quốc những ngày gần đây đã có xu hướng giảm so với con số 79 người ghi nhận trọng ngày 28/5, nhưng KCDC vẫn khuyến cáo hạn chế hoạt động tại tám địa điểm tập trung đông người có nguy cơ cao trở thành ổ dịch, áp dụng từ ngày 2/6, bao gồm các quán rượu, quán bar, hộp đêm, quán karaoke, hội trường biểu diễn không ghế ngồi và phòng tập thể thao trong nhà.

Chủ cơ sở kinh doanh các loại hình này phải ghi lại danh sách khách ra vào và khách hàng buộc phải tuân thủ các quy định phòng dịch bắt buộc như đeo khẩu trang. Nếu vi phạm, chủ doanh nghiệp hoặc khách hàng có thể bị xử phạt tới 3 triệu won (khoảng 2.450 USD).

Ngoài ra, bắt đầu từ ngày 1/6, thành phố Seoul đã áp dụng thí điểm hệ thống điện tử quét mã QR trên điện thoại để lưu danh sách những người ra vào tại 19 cơ sở có nguy cơ lây nhiễm virus cao và áp dụng trên quy mô toàn quốc từ ngày 10/6 tới.

Các cơ quan chức năng cũng sẽ tiến hành đợt tổng kiểm tra 15.000 công trường xây dựng và 23.000 xưởng, nhà máy sản xuất vốn được xác định là những nơi phòng dịch yếu kém.

Cùng ngày 1/6, Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Hong Nam-ki cho biết chính phủ nước này đang cân nhắc gói ngân sách bổ sung cao kỷ lục - lớn hơn nhiều so với 2 gói bổ sung ngân sách trước đó cộng lại, nhằm tháo gỡ những khó khăn kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra.

Phát biểu trên truyền hình quốc gia KBS, Bộ trưởng Hong Nam-ki nhấn mạnh "gói ngân sách bổ sung có thể hơn 30.000 tỷ won (gần 24,5 tỷ USD), sẽ cao hơn cả gói 28.400 tỷ won kỷ lục trước đó."

Đối với hai gói ngân sách bổ sung trước đây, Chính phủ Hàn Quốc cho đến nay mới huy động được hơn 20.000 tỷ won (hơn 16,32 tỷ USD). Chính phủ giải ngân 14.300 tỷ won hỗ trợ các hộ gia đình và hiện đã chi 12.680 tỷ won trong số này.

Trung Quốc ghi nhận thêm ca bệnh "nhập khẩu"

Cùng ngày, tại Trung Quốc, thành phố Thượng Hải đã ghi nhận một ca mới mắc COVID-19 là trường hợp nhập cảnh và không có thêm ca lây nhiễm mới nào tại địa phương.

Ủy ban Y tế thành phố Thượng Hải xác nhận ca bệnh nói trên là công dân Trung Quốc, rời Anh ngày 28/5 và đến sân bay quốc tế Phố Đông của thành phố một ngày sau đó. Nam bệnh nhân này xuất hiện nhiều triệu chứng bệnh trong thời gian thực hiện cách ly và đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Vũ Hán, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tính đến hết ngày 1/6, thành phố Thượng Hải ghi nhận tổng cộng 332 ca bệnh “nhập khẩu" và 341 ca lây nhiễm tại địa phương, trong đó có bảy ca tử vong. Hiện 326 bệnh nhân trong số các ca bệnh "nhập khẩu" đã phục hồi. Chỉ còn sáu trường hợp tiếp tục phải điều trị tại bệnh viện.

Trong khi đó, tỉnh Hắc Long Giang, miền Đông Bắc Trung Quốc, tiếp tục thông báo không ghi nhận thêm ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 nào tại đây trong ngày 1/6.

Tính đến hết 1/6, tỉnh này ghi nhận tổng cộng 559 ca mắc COVID-19 tại địa phương và 386 ca bệnh "nhập khẩu."

Ấn Độ chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất tại thủ đô New Dehli

Cơ quan quản lý thảm họa Delhi (DDMA) ngày 1/6 đã yêu cầu các quận chuẩn bị kế hoạch cho kịch bản dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 diễn biến tồi tệ nhất.

Phó Giám đốc điều hành DDMA Rajesh Gidel cho biết do số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ngày càng tăng ở Delhi, chính quyền bắt buộc phải lên kế hoạch trước.

Theo yêu cầu của DDMA, các quận cần tăng số giường bệnh, tốt nhất là trong các phòng đa năng lớn, đại sảnh hoặc sân vận động trong nhà... Các quận phải báo cáo chính quyền Delhi về kế hoạch chuẩn bị trước 16h ngày 3/6.

Dù áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt từ hồi tháng Ba để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, thời gian qua, số ca mắc mới tại quốc gia đông dân thứ hai thế giới vẫn tăng mạnh.

Theo thống kê của trang worldometers.info, hiện Ấn Độ là quốc gia có số ca mắc COVID-19 cao thứ bảy thế giới với 198.706 ca, trong đó có 5.608 ca tử vong. Dù vậy, chính phủ nước này đang dần nới lỏng các biện pháp phong tỏa, cho phép nối lại một số hoạt động.

Ngày 1/6, đông đảo hành khách xếp hàng dài tại các nhà ga đường sắt ở các thành phố lớn của Ấn Độ khi dịch vụ đường sắt tại quốc gia này hoạt động trở lại sau thời gian gián đoạn từ cuối tháng Ba vì các biện pháp hạn chế đi lại. Ước tính, đường sắt Ấn Độ đã phục vụ ít nhất 149.000 lượt hành khách trong ngày 1/6. Gần 2,6 triệu người đã đặt vé đường sắt Ấn Độ trong tháng Sáu.

Pakistan nới lỏng phong tỏa dù dịch bệnh vẫn phức tạp

Tại Pakistan, Thủ tướng Imran Khan tuyên bố chính phủ nước này sẽ dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đã kéo dài vài tháng qua ngay cả khi số ca mắc mới tại đây vẫn đang tăng nhanh hơn mức dự đoán.

Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Peshawar, Pakistan. (Ảnh: THX/TTXVN)

Phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Khan cho biết quốc gia này không thể tiếp tục kéo dài tình trạng đóng cửa, vì vậy hầu hết các lĩnh vực, trong đó có cả du lịch nội địa, sẽ hoạt động trở lại. Ông cũng kêu gọi người dân tuân thủ các quy trình hoạt động tiêu chuẩn do chính phủ ban hành vì việc nối lại hoạt động kinh tế sẽ được triển khai dựa trên những quy trình này.

Trong nỗ lực nhằm kiềm chế dịch bệnh lây lan, chính quyền thủ đô Islamabad ngày 1/6 triển khai áp dụng mức phạt tối đa tương đương 18 USD với người bị phát hiện không đeo khẩu trong nơi công cộng.

Trước đó, yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc được áp dụng với các nhân viên trong nhà máy, trong các trung tâm mua sắm và cửa hàng sau khi những cơ sở này hoạt động trở lại.

Hôm 30/5, Cố vấn đặc biệt của về y tế Thủ tướng Pakistan, ông Zafar Mirza, cho biết chính phủ nước này đã yêu cầu người dân đeo khẩu trang khi tới đền thờ, chợ, trung tâm mua sắm, trên phương tiện công cộng, tàu hỏa, các chuyến bay thương mại và cả những địa điểm tập trung đông người. Hiện Pakistan ghi nhận khoảng 72.000 người dương tính với virus SARS-CoV-2 trong đó có 1.543 ca tử vong./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=926
Quay lên trên