Tình hình bệnh sốt xuất huyết (SXH) ở Bình Dương đang diễn biến phức tạp. Số ca bệnh SXH đến giữa tháng 11-2011 là 4.607 ca, 4 ca tử vong. Trong đó, huyện có ca bệnh và tử vong cao nhất là Tân Uyên 1.196 ca, 2 ca tử vong, TX.Thủ Dầu Một 1.098 ca, 2 ca tử vong. Nhìn chung, tình hình vào cuối năm 2011, số ca mắc và tử vong do SXH có giảm so với cùng kỳ. Nhưng không thể chủ quan, do số ca mắc, trở nặng, vẫn còn nhiều. Nhất là gần đây thời tiết nóng xen những cơn mưa, là yếu tố cho muỗi phát triển. Do quá tải, bệnh nhân SXH phải nằm cả ngoài hành lang khoa Nội 1, BVĐK Bình Dương
Bác sĩ Phan Văn Tiếng, Trưởng khoa Nội 1, BVĐK tỉnh cho biết: “Bệnh SXH người lớn ngày càng nhiều và tử vong cũng tập trung trong đối tượng này. Hơn 80% bệnh nhân SXH đều là công nhân nhập cư từ miền Bắc vào và đang ở nhà trọ, có điều kiện sống, sinh hoạt chật chội, ẩm thấp. Thường quần áo sạch, dơ treo chung, là nơi muỗi trú ẩn”...
Để chủ động cho việc phòng bệnh SXH hiệu quả trong 2 tháng cuối năm 2011, Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) tỉnh vừa lập kế hoạch mở chiến dịch diệt lăng quăng, phòng chống SXH dựa vào cộng đồng đợt 3 năm 2011. Bác sĩ Lương Hồng Lê, Giám đốc TTYTDP Bình Dương cho biết: “Dân số Bình Dương biến động mạnh, vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng diễn ra khá trầm trọng, vấn đề giao lưu các vùng miền diễn ra mạnh mẽ, làm gia tăng nguy cơ dịch bệnh nên rất cần xã hội hóa việc phòng chống dịch bệnh. TTYTDP tỉnh đã đề nghị các TTYT huyện, thị nhanh chóng lập kế hoạch vệ sinh môi trường và diệt lăng quăng đợt 3 năm 2011, trong thời gian từ cuối tháng 11-2011 đến 10-12-2011. Đặc biệt, tuyến y tế cơ sở cần tham mưu UBND huyện, thị để chỉ đạo chính quyền các xã, phường, thị trấn, các trường học và huy động ban ngành, đoàn thể tham gia vào chiến dịch. Nhằm mục tiêu chủ động phòng chống dịch SXH, giảm số mắc, số tử vong, không để dịch lớn xảy ra. Thực hiện thành công chỉ tiêu, tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng tại 100% các xã “nóng” trong tỉnh. Với phương châm chiến dịch là “không bỏ sót”, bảo đảm không bỏ sót hộ gia đình không được kiểm tra dụng cụ chứa nước, không bỏ sót dụng cụ chứa nước không được kiểm tra, không bỏ sót dụng cụ chứa nước có lăng quăng không được xử lý. Phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại 100% các xã có nguy cơ bùng phát dịch, trên địa bàn 7 huyện, thị. Kế hoạch kinh phí: kinh phí từ nguồn ngân sách của địa phương tỉnh bổ sung. Trong tổ chức thực hiện chiến dịch, cần phân công rõ nhiệm vụ của các đơn vị tham gia, để công tác diệt lăng quăng, phòng chống bệnh, dịch, thực sự hiệu quả”.
Rút kinh nghiệm từ các trường hợp mắc bệnh và tử vong thời gian qua ở Bình Dương, bác sĩ Quách Hoàng Mỹ, Phó Giám đốc TTYTDP cho biết: “Trong đợt chiến dịch này, chúng tôi đã đề ra yêu cầu đối với các cơ sở điều trị “định bệnh sớm, điều trị đúng” nhằm giảm tỷ lệ chết đối với các ca SXH Dengue nặng. TTYTDP cũng đã đề ra các biện pháp như tập huấn nâng cao khả năng chẩn đoán và điều trị sốt Dengue, SXH Dengue cho các bác sĩ và điều dưỡng các khoa nhiễm, nhi, hồi sức cấp cứu của bệnh viện tỉnh, huyện và trạm y tế. Thực hiện đúng “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị SXH Dengue” ban hành kèm theo Quyết định số 458/QĐ-BYT ngày 16-2-2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Thiết lập và tuân thủ quy chế ca trực. Đặc biệt, tuyến y tế, các cơ quan truyền thông đại chúng, các ban ngành đoàn thể, cần phối hợp, tăng cường giáo dục sức khỏe cho các bà mẹ về kiến thức nhận dạng bệnh và khi nào cần đưa trẻ đến cơ quan y tế”.
Và qua thực tế các ca tử vong trong thời gian qua (đa số là SXH ở người lớn), nên những ai bị sốt đều không được chủ quan. Biện pháp để giảm tệ lệ mắc, tử vong hữu hiệu nhất vẫn là phát hiện bệnh sớm, đến cơ sở y tế sớm. Triệu chứng sốt là yếu tố giúp ta phát hiện bệnh. Chứng sốt trong bệnh SXH có một số đặc điểm khác với chứng sốt của các bệnh khác đó là sốt đột ngột bất thình lình. Ví dụ, buổi sáng thì nhiệt độ bình thường, vậy mà đến chiều đột nhiên sốt cao. Nhiệt độ lên tới 39 độ C hoặc cao hơn, hoặc sốt liên tục cả ngày đêm, không lúc nào ngưng. Có dùng thuốc hạ nhiệt thì nhiệt độ cũng chỉ giảm xuống một lát, rồi lại tăng lên ngay. Với những đặc điểm trên, sau 2 ngày dùng thuốc mà vẫn sốt, bạn cần nghĩ đến bệnh SXH và đi khám bệnh ngay.
Bác sĩ Lê cho biết thêm: “Ngoài việc tổ chức sớm chiến dịch diệt lăng quăng vệ sinh môi trường, ngay từ đầu cho đến cuối mùa mưa, tại các xã có nguy cơ. Toàn ngành còn tăng cường hoạt động tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức của cộng đồng về các biện pháp phòng chống SXH, thay đổi hành vi tự phòng bệnh cho cộng đồng. Tăng cường giám sát dịch tễ: ca bệnh, côn trùng, huyết thanh, virus, phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ để có biện pháp phòng chống tích cực, kịp thời trách dịch lớn xảy ra. Thực hiện đúng “Hướng dẫn giám sát và phòng chống SXH Dengue của Bộ Y tế. Xây dựng đường công dự báo dịch tới tuyến xã. Triển khai giám sát ca bệnh theo quy định, thực hiện nghiêm túc chế độ thống kê báo cáo ca mắc, chết do SXH Dengue theo đúng phác đồ lâm sàng và lứa tuổi. Tăng cường giám sát bệnh nhân, huyết thanh, virus. Giám sát côn trùng: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của tuyến dưới. Áp dụng các biện pháp khẩn cấp phòng chống véc tơ, điều tra ca bệnh khi có dịch theo quy định”.
BẢO ANH