Theo Đông y, khi ngũ tạng trong cơ thể (tim, gan, thận, tì, phổi) có bệnh sẽ biểu hiện qua sự thay đổi của thất khiếu trên khuôn mặt, đó chính là hai mắt, hai tai, mũi, miệng, và lưỡi.
Tâm khai khiếu ở lưỡi
Tâm khí thông với lưỡi, tâm hoà, lưỡi sẽ tự có thể phân biệt được ngũ vị. Trên thực tế, tâm khí đủ không chỉ giúp lưỡi có thể phân biệt được rõ ràng năm loại vị, mà đầu lưỡi còn chuyển động linh hoạt hơn, việc nói năng sẽ lưu loát hơn. Thông thường, lưỡi có màu hồng nhuận biểu thị sự đầy đủ khí huyết ở tâm.
Tim chủ về huyết mạch, các mạch máu trên lưỡi cũng rất dày đặc, và lưỡi cũng rất linh hoạt trong việc phản ánh trạng thái của tim. Tâm dương không đủ, lưỡi sẽ phù, hoặc có màu tím thẫm. Tâm âm không đủ, lưỡi sẽ có màu đỏ sắc. Khi tâm huyết suy, lưỡi có màu nhạt, ảm đạm. Tâm huyết bị tắc, lưỡi sẽ có màu tím, hoặc mọc mụn…
Thận khai khiếu ở tai
Thận khí thông với tai, khi thận hoà, tai sẽ có thể nghe rõ các âm thanh. Hay nói cách khác, người thận khí đủ có khả năng nghe tốt. Về phương diện bệnh lý, khi tinh thận bị suy, dễ gây hiện tượng chóng mặt, ù tai, thính lực suy giảm… Người bị thận âm suy thường có cảm giác ong tai. Hiện tượng suy giảm khả năng nghe ở người già cũng là biểu hiện của thận khí suy nhược. Do đó, những người có thính lực kém nên chú ý bồi bổ thận khí.
Gan khai khiếu ở mắt
Thị lực tốt hay xấu có liên quan mật thiết đến gan. Theo Đông y, gan tàng huyết, mà huyết lại là vật chất cơ bản trực tiếp nhất liên quan đến hoạt động của mắt. Do đó, gan huyết suy hay thịnh có ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng thị giác. Nếu gan huyết không đủ, mắt sẽ bị thiếu dưỡng chất, dẫn đến tình trạng hoa mắt, nhìn không rõ, quáng gà… Nếu gan bốc hoả, mắt sẽ bị đỏ, sưng phù. Khi gan âm suy, mắt sẽ khô, nhìn không rõ, hoặc con ngươi không linh hoạt. Gan khí bị ách tắc quá lâu sẽ dẫn đến miệng đắng, mắt hoa…
Phổi khai khiếu ở mũi
Phổi khí thông với mũi. Phổi hoà, mũi sẽ có thể ngửi được các mùi hương. Phổi chủ về hô hấp, mũi lại chính là nơi thực hiện việc hô hấp. Do đó có thể nói mũi muốn thực hiện chức năng hô hấp và ngửi mùi bình thường cần dựa vào sự điều tiết thuận lợi của phổi. Chức năng chủ về khí của phổi sẽ cung cấp dưỡng chất cho mũi, giúp mũi được thông, và có tác dụng ngăn ngừa bệnh về mũi.
Về lâm sàng, một số bệnh về phổi được biểu hiện qua mũi, như cảm phong hàn ảnh hưởng đến phổi, sẽ khiến mũi bị tắc, chảy nước mũi, ảnh hưởng đến khứu giác. Khi phổi bị nóng, mũi sẽ bị khô. Ngược lại, khi mũi có biểu hiện bất thường, cũng có thể suy đoán phổi đã mắc bệnh.
Tì khai khiếu ở miệng
Môi là một bộ phận của miệng, cũng được coi là biểu hiện bên ngoài của tì. Khi khí tì vận hành bình thường, khí huyết đầy đủ, môi được đầy đủ dưỡng chất sẽ có màu hồng nhuận. Khi tì khí không thông, khí huyết suy nhược, môi thiếu dưỡng chất sẽ có màu trắng, nhợt, hoặc vàng vọt, không tươi hồng.
Tuy nhiên, bạn cần lưu ý, mặc dù ngũ quan có quan hệ mật thiết với thất khiếu nhưng các chuẩn đoán lâm sàng vẫn cần được kết hợp với các phán đoán tổng hợp khác để có kết quả chính xác nhất.
Theo People