Cẩn thận với dị vật “đi lạc” vào mũi!

Cập nhật: 08-01-2014 | 00:00:00
Theo BS Nguyễn Văn Công, khoa Tai Mũi Họng (TMH) Bệnh viện Đa khoa tỉnh, dị vật (DV) bị lọt vào TMH là một trong những trường hợp gặp khá nhiều, hầu như ngày nào cũng có. Phụ huynh cần thận trọng khi con chơi, ăn để không gặp sự cố đáng tiếc…

BS Công cho biết vừa lấy DV ở mũi cho một bé gái 3 tuổi. Đó là hạt bưởi, khi ăn, bé “táy máy” cho vào mũi và hạt bưởi trơn nên bị lọt sâu vào bên trong, người nhà không tự lấy ra được và đã đem bé đến bệnh viện. Cũng theo BS Công, DV mũi thường xảy ra ở trẻ nhỏ 2 - 5 tuổi. DV rất đa dạng: đồ chơi (nguy hiểm là pin đồng hồ), thức ăn, các hạt như thóc, lạc, ngô, nụ hoa, cúc áo, mảnh giấy, cọng thun… do trẻ khi chơi nhét vào mũi, không lấy ra được và quên đi. Cũng có thể DV do sặc thức ăn từ miệng vào hốc mũi....

Thường trẻ được đưa đến khám khi người nhà thấy mũi của trẻ hôi, chảy mũi đục hoặc lẫn máu, hoặc tình cờ quan sát thấy.

Triệu chứng

Toàn thân: Thường ít ảnh hưởng, bé vẫn chơi và học tập bình thường. Cơ năng: bé ngạt mũi một bên, nên không có cảm giác khó chịu. Sau vài ngày hốc mũi bên đó bị tắc hẳn và chảy mũi có mùi hôi, thối, có thể lẫn máu. Khi đưa đến bệnh viện, BS sẽ khám thấy hốc mũi một bên đầy mủ hôi ứ đọng, lau hút sạch mủ thấy cuốn dưới nề sũng, sàn mũi và các khe mũi có mủ ứ đọng. Thường thấy ở sàn mũi , khe dưới hay khe giữa có một khối có mủ bám quanh, tròn, nhẵn nên hay lầm lẫn với khối u hốc mũi. Nếu DV nhỏ như hạt đậu, hạt thóc có thể khó phát hiện. Để phát hiện DV, có cảm giác đụng chạm khi đưa đầu ống hút hay qua que thăm dò. Cần nội soi mũi khi không thấy rõ dị vật.

Cách xử trí

Lấy DV cần chuẩn bị chu đáo về phương tiện và tinh thần cho trẻ cũng như người nhà bệnh nhân. Trẻ nhỏ phải được bế ẵm đúng tư thế, hoặc cho trẻ nằm và quấn khăn quanh người để trẻ khỏi vùng vẫy. Trường hợp khó phải gây mê (Mark), lấy DV qua nội soi mũi là tốt nhất. Trước khi lấy DV, nếu điều kiện cho phép, cần hút sạch mủ, xịt thuốc tê + co mạch. Lấy DV bằng dụng cụ riêng, gắp nhẹ nhàng tránh DV vỡ khó lấy. Lấy DV cẩn thận, tránh thành DV đường thở khi DV bị lọt ra cửa mũi sau. Trường hợp DV là pin đồng hồ có thể gây viêm mũi do hóa chât nên sau lấy DV cần lưu trẻ lại để rửa mũi hàng ngày cho đến khi sạch các vảy đen.

Phòng tránh

Cần dặn trẻ khi chơi hoặc ăn trái cây đừng nhét hạt vào mũi hoặc thấy trẻ cầm trên tay cần lấy bỏ ngay, đặc biệt là pin đồng hồ. Cha mẹ khi thấy con mình chảy mũi mủ thối một bên kéo dài, có thể lẫn máu, đã điều trị kháng sinh không khỏi, thì phải nghĩ đến DV mũi. Đưa các cháu đến các cơ sở y tế chuyên khoa lấy DV, không tự ý lấy ở nhà có thể nguy hiểm cho các cháu.

Q.NHƯ (ghi)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=641
Quay lên trên