Ngày 6-5, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng (TCM) và sốt xuất huyết (SXH).
Theo đó, từ đầu năm đến nay, dịch bệnh TCM và SXH xảy ra tại hầu hết các tỉnh, thành phố. Tuy số người mắc bệnh ở mức thấp hơn so với năm 2013, song tại một số tỉnh, thành phố có số người mắc bệnh cao hơn và có nguy cơ dịch bùng phát. Đến nay cả nước đã ghi nhận 17.410 trường hợp mắc bệnh TCM, trong đó đã có 2 người bệnh tử vong; 7.931 trường hợp mắc bệnh SXH, trong đó có 4 người bệnh tử vong.
Nhằm chủ động ngăn chặn lây lan dịch, hạn chế đến mức thấp nhất số người mắc bệnh và tử vong, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế tập trung chỉ đạo việc cấp cứu, điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh TCM, SXH tại các cơ sở y tế nhằm hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong, phân loại cách ly nhằm ngăn ngừa lây chéo trong bệnh viện, đặc biệt là các cơ sở y tế tại các địa phương có có số người bệnh mắc cao như TP.Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kon Tum, Cà Mau… khẩn trương dập dịch; thường xuyên cập nhật phương pháp phát hiện sớm, phác đồ điều trị bệnh TCM và SXH. Bảo đảm đủ trang thiết bị y tế, thuốc để cấp cứu điều trị bệnh nhân và chế độ đối với người làm công tác phòng, chống dịch; phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo hoạt động phòng, chống dịch bệnh TCM, SXH tại các địa phương có nhiều người mắc bệnh và tiếp tục theo sõi sát tình hình dịch bệnh TCM, SXH ở trong nước và các nước lân cận để có biện pháp chỉ đạo kịp thời, hiệu quả các cơ sở y tế và người dân cách phòng ngừa bệnh TCM và SXH; chủ động phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch cho các cơ quan báo chí.
Thủ tướng cũng yêu cầu, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Bộ Y tế chỉ đạo ngành y tế và các ngành liên quan thực hiện quyết liệt công tác cấp cứu, điều trị hiệu quả các trường hợp mắc bệnh cũng như ngăn ngừa lây lan dịch bệnh tại cộng đồng và trong bệnh viện; khoanh vùng ổ dịch và xử lý triệt để không để lan rộng; triển khai các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường; kiểm soát không để dịch bệnh bùng phát; bảo đảm việc cung cấp đủ phương tiện, kinh phí cho các hoạt động phòng, chống dịch trên địa bàn. Bộ Giáo dục - Đào tạo chỉ đạo triển khai tích cực các hoạt động phòng, chống dịch bệnh TCM và SXH trong trường học, đặc biệt tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo không để xảy ra ổ dịch trong nhà trường; thông báo ngay cho các cơ sở y tế khi phát hiện có trường hợp mắc bệnh để phối hợp xử lý kịp thời; tổ chức đợt tổng vệ sinh môi trường tại các trường học.
C.LÝ