Thời tiết nóng ẩm cộng với điều kiện vệ sinh không tốt là môi trường thuận lợi để bệnh tay chân miệng (TCM) phát triển. Trong những ngày đầu mùa mưa này, việc chủ động phòng bệnh TCM cần được mọi người dân quan tâm chú ý nhiều hơn, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ...
Khi phát hiện trẻ sốt, nổi bọng nước ở TCM cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám, điều trị đúng cách. Trong ảnh: Trẻ em đến chờ khám bệnh tại Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh
Bác sĩ (BS) Quách Hoàng Mỹ, Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh - Vắc xin Sinh phẩm, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, cho biết nguyên nhân gây bệnh TCM là do nhóm vi rút đường ruột Enterovirus gây nên. TCM là một bệnh truyền nhiễm cấp tính. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 10 tuổi. Tuy nhiên, người lớn chưa có miễn dịch với bệnh cũng có thể mắc phải.
Triệu chứng bệnh thường xuất hiện sau khi nhiễm vi rút từ 3 - 6 ngày. Triệu chứng thường gặp đầu tiên của bệnh là mệt mỏi, sốt nhẹ, rát họng, sổ mũi. Sau vài ngày, bệnh chuyển sang giai đoạn phát ban, nổi bọng nước. Những bọng nước bắt đầu xuất hiện ở niêm mạc miệng và nhanh chóng vỡ ra tạo những vết loét đau rát và khó ăn uống. Tiếp đó, ban đỏ, bọng nước sẽ xuất hiện trên da bàn chân, bàn tay và có khi còn nổi ở mông. Những ban đỏ, bọng nước này sẽ tự khỏi và biến mất trong thời gian từ 7 - 10 ngày. Sau khi hết bệnh, cơ thể bệnh nhân có miễn dịch với chủng vi rút đã gây bệnh. Tuy nhiên, một người có thể bị bệnh TCM nhiều lần nếu lần sau bị nhiễm các chủng vi rút khác lần trước.
Vi rút bệnh TCM có tính chất lây lan rất mạnh và khá nguy hiểm. Vi rút truyền trực tiếp từ người sang người qua đường tiêu hóa, hô hấp, tiếp xúc trực tiếp với dịch bọng nước vỡ ra hoặc tiếp xúc với phân của bệnh nhân. Bệnh thường tự khỏi sau 7 ngày xuất hiện các triệu chứng trên. Bệnh cũng có thể gây biến chứng nguy hiểm, như viêm não, màng não, viêm cơ tim, viêm phổi. Dù rất hiếm gặp nhưng nếu bị các biến chứng này có thể gây tử vong.
Hiện nay, bệnh TCM vẫn chưa có thuốc phòng và điều trị đặc hiệu. Biện pháp điều trị chủ yếu là điều trị hỗ trợ và chăm sóc bệnh nhân. Vì thế, khi thấy trẻ sốt, nổi hồng ban ở miệng, chân, tay cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được khám, điều trị đúng cách. Theo BS Mỹ, bệnh nhân có khả năng lây bệnh cho người khác khi bắt đầu có dấu hiệu sốt và sau khi hết bọng nước vẫn có khả năng lây bệnh. Vì thế, trong thời gian này, người mắc bệnh không nên đến những chỗ đông người nhằm tránh lây lan trong cộng đồng; đồng thời tránh mắc phải các bệnh khác vì lúc này khả năng miễn dịch của bệnh nhân còn kém.
Theo khuyến cáo của các BS, để phòng bệnh là hạn chế tiếp xúc với người bệnh. Sau khi chăm sóc bệnh nhân, người chăm sóc cần rửa tay kỹ với xà phòng diệt khuẩn. Các đồ dùng cá nhân, nơi sinh sống của người bệnh cần được sát khuẩn cẩn thận. Cần theo dõi chặt chẽ những trẻ có biểu hiện sốt trong vùng dịch. Khi trẻ mắc bệnh, cần cho trẻ nghỉ học đến khi khỏi bệnh hoàn toàn. Có một điều mà BS Mỹ cũng lưu ý là bệnh TCM thường do người lớn lây cho trẻ em, do họ có thể tiếp xúc với nguồn bệnh bên ngoài bất cứ lúc nào mà không hề hay biết. Thế nên, khi ra ngoài về tốt nhất người lớn cần vệ sinh, tắm rửa sạch sẽ rồi mới tiếp xúc với trẻ.
HỒNG THUẬN