Đôi điều về xây dựng văn hóa cộng đồng cơ sở

Cập nhật: 24-07-2014 | 00:00:00

  Biểu diễn văn nghệ quần chúng tại xã Minh Tân, Kiến Xương (Thái Bình).

Văn hóa cộng đồng cơ sở là những giá trị tiến bộ trong lối sống, đạo đức, hành vi ứng xử, v.v trong đời sống hằng ngày của mỗi cá nhân. Để xây dựng văn hóa cộng đồng cơ sở, đòi hỏi cần có những tiêu chí, chuẩn mực cho các thành viên trong cộng đồng tự nguyện noi theo và gắn bó các giá trị văn hóa dân tộc.

Cộng đồng dân cư cơ sở là một bộ phận của tổng thể nhân dân cả nước. Cộng đồng dân cư cơ sở có thể là xóm làng, tổ dân phố, đơn vị công tác, cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, công nông trường, đơn vị công an, bộ đội... Cộng đồng cơ sở là nơi diễn ra mọi hoạt động của đời sống con người hằng ngày, hằng giờ một cách rất phong phú, đa dạng và phức tạp trên mọi lĩnh vực và do những thành viên của cộng đồng qua các thế hệ gom góp, xây dựng nên trong quá trình lao động, sản xuất, chiến đấu, xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.

Nhìn một cách tổng thể hơn, văn hóa cộng đồng cơ sở còn là nền tảng của văn hóa dân tộc, là cơ sở hình thành những sắc mầu đa dạng và bản chất tinh khôi, bền vững của văn hóa dân tộc. Chính văn hóa cộng đồng cơ sở đã rèn luyện nên phẩm chất, nhân cách, lối sống, thói quen của mỗi thành viên bằng những truyền thống, những quy ước, hương ước chặt chẽ, văn minh tiến bộ của cộng đồng.

Văn hóa cộng đồng cơ sở không chỉ có giá trị tinh thần mà còn là động lực thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng; là chất kết dính những thành viên, tạo nên sức mạnh vật chất, tinh thần của cộng đồng. Để xây dựng văn hóa cộng đồng cơ sở phải có những tiêu chí, những chuẩn mực làm căn cứ để mọi thành viên trong cộng đồng noi theo cũng như để kiểm tra, giám sát, đánh giá trình độ văn hóa của mỗi thành viên và của cả cộng đồng. Những chuẩn mực văn hóa cộng đồng cơ sở không nằm ngoài những chuẩn mực của văn hóa chung của dân tộc.

Tuy nhiên, chuẩn mực văn hóa cộng đồng cơ sở không thoát ly thực tế trình độ, điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội. Việc xây dựng những chuẩn mực văn hóa cộng đồng cơ sở được tiến hành công khai, dân chủ. Nhân dân trực tiếp tham gia xây dựng những tiêu chí văn hóa cộng đồng ở địa phương, đơn vị mình mà không bị thụ động, chấp nhận sự áp đặt chủ quan hoặc vay mượn từ bên ngoài.

Những chuẩn mực văn hóa phải trở thành cơ sở pháp lý để mọi thành viên trong cộng đồng tự giác thực hiện, thành cơ sở pháp lý để kiểm tra, đánh giá, gạt bỏ những biểu hiện có hại tới cộng đồng. Quá trình đó phải dựa trên việc nghiên cứu phong tục tập quán, điều kiện và đặc điểm lịch sử, văn hóa, kinh tế, xã hội của cộng đồng. Nắm vững thực tế của sự hình thành cấu tạo những thành viên của cộng đồng mà xác định tiêu chuẩn văn hóa cộng đồng phù hợp.

Những tiêu chí, tiêu chuẩn văn hóa cộng đồng có nhiều, rất phong phú, song không thể bỏ qua những tiêu chuẩn cơ bản về chính trị, đạo đức, lối sống, sự thống nhất về bản sắc dân tộc.

Mọi thành viên đều nhận rõ mình sống trong chế độ chính trị xã hội nào. Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân ta đang trên con đường tiếp tục đổi mới, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập với thế giới hiện đại. Tư tưởng ấy, đường lối ấy phải được các thành viên trong cộng đồng nhận thức sâu sắc, cùng nhau góp sức phấn đấu. Cũng bởi vậy, văn hóa chính trị cộng đồng thể hiện ở sự nghiêm chỉnh thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Bên cạnh đó, cộng đồng cơ sở cần có được những quy định, quy ước về đạo đức, lối sống. Đó là lòng trung thực, tính ngay thẳng, tình thương yêu giúp đỡ, gắn bó với cộng đồng. Trong các mối quan hệ gia đình, xã hội phải chân tình, cởi mở, gần gũi, gắn bó, không cá nhân, ích kỷ. Một cộng đồng có văn hóa luôn luôn giữ gìn những giá trị truyền thống tốt đẹp, mọi người đều gương mẫu, tôn trọng, tự giác thực hiện các quy định về đạo đức, lối sống, nếp sống văn minh, tiến bộ; là nơi có đời sống kinh tế ổn định và phát triển, đời sống vật chất, tinh thần được nâng cao, có nơi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, vui chơi; không mê tín dị đoan, thực hiện ma chay, cưới hỏi, lễ hội, các hoạt động văn hóa lành mạnh, tiến bộ.

Văn hóa cộng đồng cơ sở thật sự là "mảnh ghép" của nền văn hóa dân tộc, thể hiện và chứng minh những giá trị của nền văn hóa dân tộc Việt Nam hiện nay. Những tiêu chí và các biểu hiện kết quả của văn hóa cộng đồng cơ sở không nằm ngoài, không tách rời nền văn hóa dân tộc mà trái lại, nó làm nổi bật tính phong phú, đa dạng và hoàn chỉnh nền văn hóa dân tộc. Những kinh nghiệm, điển hình tiên tiến ở cộng đồng văn hóa có giá trị phổ biến, áp dụng rộng rãi về những vấn đề cơ bản ở nhiều nơi.

Quá trình xây dựng văn hóa cộng đồng cơ sở về cơ bản là do nhân dân chủ động, tự giác thực hiện trong những điều kiện cụ thể. Tức là phải có chủ trương, chính sách tuyên truyền giáo dục, cổ động, có các tổ chức và những người chịu trách nhiệm cụ thể triển khai thực hiện một cách thường xuyên, sáng tạo với tình cảm, tâm huyết, trách nhiệm và giàu kinh nghiệm. Muốn thế, phải có chính sách phù hợp cho những người làm việc này ở cơ sở trong điều kiện kinh tế thị trường.

Để xây dựng văn hóa cộng đồng cơ sở, nên kết hợp hiệu quả Nhà nước và nhân dân cùng làm trong xây dựng các thiết chế văn hóa, giải quyết những nhu cầu cơ bản về giao thông, điện chiếu sáng, trường học, trạm y tế; giúp cộng đồng xác định nội dung, phương hướng hoạt động, xây dựng cảnh quan môi trường, vệ sinh sạch đẹp, văn minh, giữ gìn trật tự an toàn xã hội...

Công tác đào tạo cán bộ trong xây dựng văn hóa cộng đồng cơ sở cần được quan tâm, vì họ hoạt động sát với dân và phải là những người có văn hóa và am hiểu về văn hóa cơ sở. Chỉ có như vậy việc xây dựng văn hóa cộng đồng cơ sở mới thật sự hiệu quả.

Theo Nhân Dân

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên