Đón bằng công nhận Di sản tư liệu Châu bản triều Nguyễn

Cập nhật: 30-07-2014 | 00:00:00

 

Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước long trọng tổ chức lễ đón nhận bằng Di sản tư liệu Châu bản triều Nguyễn (Ảnh: TTXVN)

Sáng 30-7, tại Hà Nội, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ) đã long trọng tổ chức lễ đón nhận bằng Di sản tư liệu Châu bản triều Nguyễn (thuộc chương trình “Ký ức thế giới” khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO).

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình khẳng định, Châu bản triều Nguyễn được ghi danh vào danh mục Di sản tư liệu thuộc chương trình “Ký ức thế giới” khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của UNESCO bởi những giá trị nổi bật về mặt nội dung phong phú, hình thức độc đáo, tính duy nhất, không thể thay thế và có tầm ảnh hưởng lớn trong khu vực và thế giới.

Đây là các tài liệu hành chính của triều đại cuối cùng trong lịch sử phong kiến Việt Nam (1802-1945), lưu giữ bút tích của các vua triều Nguyễn phê duyệt các vấn đề của đất nước.

Các tài liệu này hình thành trong hoạt động quản lý nhà nước dưới triều Nguyễn, bao gồm: văn bản của các cơ quan trong bộ máy chính quyền trung ương và địa phương trình lên nhà vua phê duyệt, văn bản của các vua triều Nguyễn ban hành và một số văn kiện ngoại giao.

Châu bản triều Nguyễn chứa đựng nhiều thông tin phong phú, phản ánh mọi lĩnh vực trong xã hội dưới triều Nguyễn như chính trị, an ninh quốc phòng, kinh tế, ngoại giao, văn hóa, giáo dục...

“Bên cạnh đó, Châu bản triều Nguyễn là những tài liệu gốc đặc biệt quan trọng trong việc xác lập chủ quyền, cương giới và lãnh thổ Việt Nam. Châu bản cung cấp nhiều thông tin làm căn cứ pháp lý để chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và giải quyết những vấn đề tranh chấp trên Biển Đông hiện nay,” Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình nhấn mạnh.

Châu bản triều Nguyễn được soạn thảo chủ yếu bằng chữ Hán, chữ Nôm và một số ít văn bản được soạn thảo cả bằng chữ Hán Nôm, tiếng Pháp và chữ Quốc ngữ của vua Bảo Đại.

Hiện nay, Châu bản triều Nguyễn dang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1 (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước), gồm 85.000 văn bản của 11 triều vua nhà Nguyễn.

Đại diện Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước cho hay, sau khi Châu bản triều Nguyễn được công nhận là Di sản tư liệu thuộc chương trình “Ký ức thế giới” khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của UNESCO, đơn vị này sẽ chỉ đạo Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1 xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy hơn nữa giá trị của khối tài liệu này.

Cụ thể, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước sẽ chỉ đạo Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1 xây dựng website song ngữ Việt-Anh về Châu bản triều Nguyễn để quảng bá rộng rãi đến toàn thế giới; tăng cường việc xuất bản ấn phẩm về Châu bản triều Nguyễn; dịch Châu bản triều Nguyễn từ chữ Hán Nôm sang tiếng Việt để công chúng tiếp được tiếp cận dễ dàng hơn…./.

Châu bản triều Nguyễn của Việt Nam đã chính thức được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu (thuộc “Chương trình Ký ức thế giới Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương”) tại phiên họp thứ hai-Hội nghị toàn thể lần thứ sáu của Ủy ban “Chương trình Ký ức thế giới Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương 2014" (MOWCAP) diễn ra ngày 14/5 tại Quảng Châu (Trung Quốc).

Châu bản triều Nguyễn là Di sản tư liệu thứ tư của Việt Nam được UNESCO công nhận (sau Mộc bản triều Nguyễn-2007, 82 Bia đá Tiến sỹ tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám (2010) và Mộc bản Chùa Vĩnh Nghiêm (2012).

Chương trình “Ký ức thế giới” được UNESCO khởi xướng vào năm 1992 với mục đích bảo tồn các di sản tư liệu của nhân loại; nâng cao ý thức, sự chú ý của thế giới tới việc gìn giữ các sưu tập tài liệu quý, hiếm...

Chương trình này được quản lý bởi các ủy ban ở ba cấp: quốc tế, khu vực và quốc gia.

Theo Vietnam+

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên