Dưỡng nhi - cần cả tấm lòng yêu nghề, yêu trẻ

Cập nhật: 29-10-2012 | 00:00:00
 “Cô tên gì? Là bà nội hay bà ngoại của bé? Ba bé đâu? Anh nói tên vợ mình đi. Chị ấy sinh năm bao nhiêu? Nhập viện sinh ngày nào? Con anh tên gì?... Đó là hàng loạt câu hỏi của một điều dưỡng nhi hỏi người nhà trước khi “bàn giao” em bé! Người nhà hạnh phúc khi bồng con cháu mình về cho mẹ. Và, công đoạn chăm sóc đặc biệt em bé sơ sinh tới lúc đó mới tạm ổn…

  Chăm sóc trẻ ở phòng dưỡng nhi

 Yêu nghề và yêu trẻ

Thở phào nhẹ nhõm, nữ điều dưỡng mới xong nhiệm vụ trả bé về với người nhà quay lại giải thích: “Phải hỏi kỹ như thế chứ trao nhầm con thì không biết bao hệ lụy xảy ra...”. Để chăm sóc một em bé từ khi chào đời đến khi khỏe mạnh như thế là cả một quá trình gian nan, vất vả của ê-kíp làm việc tại phòng dưỡng nhi. Các phòng này thuộc Khoa nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ở đây có 4 phòng, chăm sóc đặc biệt cho hơn 40 bé với 5 bác sĩ (BS), 21 điều dưỡng, nữ hộ sinh và 1 hộ lý.

BS. Nguyễn Thị Hồng Thủy, Phó Trưởng khoa Nhi cho biết: “Hiện, ngoài một bác sĩ đang đi học dài hạn, số cán bộ, nhân viên còn lại chia ca nhau trực liên tục 24/24. Số trẻ được chăm sóc ở đây là trẻ sơ sinh có bệnh, mẹ sinh mổ, những ca bất thường từ khoa sản chuyển sang, bệnh nhi từ tuyến huyện lên… Luôn trong tình trạng quá tải như thế nhưng chúng tôi động viên nhau làm việc hết sức với tấm lòng vừa yêu nghề vừa yêu trẻ mới hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

Có đi giữa những chiếc nôi đặc biệt cho trẻ sơ sinh đang được chăm sóc rất chu đáo, ân cần này mới thấy hết vất vả, lo âu của các BS, điều dưỡng ở đây. BS điều dưỡng Nguyễn Thị Hoàng Trang đang chăm sóc cho một bé bị tim bẩm sinh. Lồng ngực của em nhô lên hạ xuống nhanh, liên tục trong nhịp thở gấp gáp. Kia nữa là các cô đang bồng, nhẹ nhàng đút sữa cho mấy bé sinh thiếu tháng, có bé mới được 26 tuần tuổi và cân nặng mới hơn một ký! Các bé khác đang nằm ngủ ngon lành trong lồng ấp. Những bé vàng da sơ sinh cũng được thăm khám, điều trị thường xuyên…

Nữ hộ sinh Nguyễn Thị Kim Phụng có thời gian công tác ở phòng dưỡng nhi BVĐK tỉnh hơn 10 năm nay. Nhớ lại những ngày đầu mới về đây công tác, chị Phụng nói: “Lúc mới vào làm nghe tiếng các em bé khóc mình chịu không nổi, tối ngủ nhiều khi giật mình thức giấc”. Thế nhưng, lòng yêu nghề đã giúp chị vượt qua những khó khăn ban đầu để trụ với nghề.

BS. Nguyễn Thị Hồng Thủy, người có thâm niên 16 năm cho biết thêm: “Các em làm ở đây phải phụ trách từ khâu đầu đến cuối của công việc chăm sóc trẻ sơ sinh như: cho ăn, tiêm thuốc, tắm rửa, thay tả… Các bé thường sinh thiếu tháng, nhẹ cân, bệnh lý… nên phương pháp chăm sóc phải là toàn diện. Ngoài những công việc thường ngày, phải theo dõi cặn kẽ từng bé để phát hiện những bệnh lý kịp thời”. Cũng theo BS. Hồng Thủy, những người làm việc ở đây đòi hỏi phải có sự nhiệt tình, nhẹ nhàng và tính cẩn thận, tỉ mỉ. Đặc biệt là các điều dưỡng, hầu như họ làm việc suốt ca trực, vất vả lắm nhưng yêu nghề nên ai cũng gắn bó. Trung bình một ngày, mỗi bé bú 8 cữ, 2 - 3 giờ cho bú một lần. Những bé khỏe hơn thì cho bú theo nhu cầu. “Các bé nhỏ xíu, chưa biết gì hết nên mình cho cái gì các bé nhận cái đó thôi. Tuy nhiên, nhìn các bé ai cũng thương nên chăm sóc rất tận tình” - Nhiều nữ điều dưỡng chia sẻ như thế về nghề nghiệp, về lòng yêu trẻ cần có khi làm công việc này.

Những khi… chạnh lòng!

Nếu chăm sóc một trẻ từ khi sinh khác với những trẻ khỏe mạnh, bình thường để trao cho gia đình là một niềm vui thì cũng có không ít khi các chị phải chạnh lòng. Đó là khi có sự cố ngoài mong muốn, bé quá thiếu ký và quá yếu không qua khỏi đành ngậm ngùi bất lực nhìn một sinh linh bé nhỏ vội ra đi. Đó là khi “có bé nuôi hoài không thấy người nhà đến nhận” hay chỉ là những lời “mắng vốn” của người nhà bởi họ xót ruột khi nghe bé khóc…

Tâm sự về nghề nghiệp, BS. Hồng Thủy nói: “Khi nào thấy bé khóc là chúng tôi mừng lắm bởi như thế là bé có phản ứng tốt. Biết đói, biết đòi ăn hay khó chịu vì bệnh. Lo là lo những bé nằm yên, ít có biểu hiện khóc đòi gì cả. Thế nhưng, người nhà thì… ngược lại. Nghe con cháu mình khóc lại nóng lòng rồi có lời lẽ không hay về việc chăm sóc của chúng tôi. Tất nhiên, mình cũng thông cảm bởi tâm lý người thân là như thế...”.

Chạnh lòng nhất là nhìn những bé bị mẹ bỏ rơi tại bệnh viện sau khi sinh xong. Đôi lúc có đến 3 - 4 bé bị bỏ rơi nằm chơ vơ hoài ở phòng dưỡng nhi này. Nhiều bé được các chị chăm sóc, nuôi nấng mấy tháng trời nhưng tin tức về người thân vẫn bặt tăm. Những lúc như thế đành làm “thủ tục” là gửi thông báo về địa phương, gửi đến cơ quan truyền thông. Sau 15 ngày lần một chưa thấy ai nhận bé lại thông báo cho 15 ngày tiếp theo. Đến lúc này vẫn không có ai đến đón mới làm giấy tờ chuyển bé đến các trung tâm bảo trợ xã hội. “Thương lắm! Nhìn những em bé còn nhỏ xíu không được nâng niu, yêu quý như những bé khác ai cũng ngậm ngùi. Tương lai của các bé này rồi không biết đi về đâu”, BS. Hồng Thủy chia sẻ.

Vượt lên trên hết để các chị ở đây gắn bó với nghề là sự cảm thông, tin tưởng giữa người nhà bệnh nhân với cán bộ, nhân viên bệnh viện. Ban Giám đốc BVĐK tỉnh cũng dành sự quan tâm rất lớn cho công tác dưỡng nhi. Bằng chứng là trang thiết bị, phòng ốc luôn được đầu tư, nâng cao hơn chất lượng khám, điều dưỡng cho trẻ. Đời sống của cán bộ, nhân viên ở đây cũng được quan tâm với chế độ trợ cấp độc hại, công việc đặc thù...

 Q.NHƯ - H.THUẬN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên