Theo thống kê của Bộ Y tế, lây truyền HIV từ mẹ sang con là nguyên nhân phổ biến nhất gây nhiễm HIV ở trẻ dưới 15 tuổi. Có đến 99% số trẻ nhiễm HIV từ nguyên nhân này. Vì thế, việc xét nghiệm HIV cho thai phụ để có những biện pháp can thiệp phù hợp nhằm giảm thiểu sự lây nhiễm HIV từ mẹ sang con là điều có ý nghĩa hết sức quan trọng...
Lợi ích
Theo các bác sĩ (BS), sau khi đi khám và được chẩn đoán có thai, thai phụ được BS tư vấn về việc tự nguyện xét nghiệm máu để phát hiện sớm trường hợp nhiễm HIV. Nếu được phát hiện có nhiễm HIV, thai phụ sẽ được tư vấn chuyển tiếp đến các bệnh viện phụ sản theo dõi và uống thuốc dự phòng lây truyền HIV cho con. BS. Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) tỉnh, Trưởng Tiểu ban Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, cho biết, người nhiễm HIV, nhất là các bà mẹ đang mang thai khi tiếp cận dịch vụ tư vấn và xét nghiệm HIV sẽ có nhiều lợi ích. Phụ nữ nhiễm HIV vẫn có quyền mang thai và sinh đẻ. Tuy nhiên, họ cần được biết về tình trạng nhiễm HIV của mình ngay từ khi mang thai, cũng như những bất lợi khi nhiễm HIV mà vẫn muốn sinh con. Từ đó, họ biết cân nhắc giữa lợi ích và bất lợi của việc mang thai, sinh đẻ không chỉ đối với bản thân, mà còn đối với của con họ để có kế hoạch và quyết định đúng đắn nhất - nên phá thai hay để đẻ.
Cũng theo BS Thủy, khi được điều trị sớm và đúng phác đồ, kết hợp với chăm sóc, can thiệp thích hợp trước sinh, trong khi sinh và sau khi sinh thì xác suất lây truyền HIV từ mẹ sang con giảm từ 20 - 45% (nếu không có chăm sóc, can thiệp và điều trị dự phòng) xuống chỉ còn dưới 3 - 5%. Tuy nhiên, thực tế tại Việt Nam cho thấy, có tới 1/3 phụ nữ mang thai nhiễm HIV chỉ được phát hiện nhiễm vào lúc chuyển dạ, do vậy đã hạn chế đến việc chăm sóc can thiệp và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và làm giảm hiệu quả của chương trình.
Tăng cường tư vấn
Việc tư vấn, giáo dục sức khỏe cho phụ nữ nhiễm HIV khi mang thai có vai trò hết sức quan trọng, giúp người phụ nữ có đủ thông tin để quyết định việc đình chỉ thai nghén hoặc tiếp tục mang thai, sẽ biết cách tự chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho bản thân và thai nhi một cách tốt nhất. Theo BS Thủy, người làm công tác tư vấn và giáo dục sức khỏe cho phụ nữ nhiễm HIV mang thai tốt nhất là cán bộ y tế trong hệ thống sản phụ khoa từ tuyến xã, phường đến Trung ương. Tuy nhiên, cán bộ tư vấn tại các phòng tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện, cộng tác viên của các đoàn thể xã hội đã tham dự các khóa tập huấn về làm mẹ an toàn, phòng chống HIV/AIDS và dự phòng lây truyền mẹ con cũng là những cán bộ có thể làm tốt công tác giáo dục sức khỏe cho phụ nữ nhiễm HIV mang thai.
Khi tư vấn, giáo dục sức khỏe cho họ cần tập trung vào các nội dung: Khả năng lây truyền HIV từ mẹ sang con và biện pháp phòng tránh lây truyền HIV cho con; nguy cơ và bất lợi có thể xảy ra khi mang thai, sinh đẻ kể cả việc nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ sau này để người phụ nữ tự lựa chọn việc đình chỉ thai hoặc tiếp tục mang thai và sinh đẻ. Với những phụ nữ nhiễm HIV mang thai nhưng không muốn sinh con thì phá thai là một giải pháp tốt để tránh làm lây truyền HIV từ mẹ sang con. Tuy nhiên, sau khi tư vấn, nếu người phụ nữ quyết định phá thai thì việc phá thai cần được thực hiện càng sớm càng tốt và cần chọn nơi phá thai an toàn để bảo đảm tính mạng và sức khỏe cho bà mẹ. Với những phụ nữ đã mang thai nhiễm HIV và vẫn muốn sinh con khi không có dấu hiệu gì đăc biệt cần được tư vấn về chế độ chăm sóc sức khỏe như những phụ nữ mang thai khác, đồng thời tư vấn và chăm sóc về những vấn đề liên quan đến nhiễm HIV; thực hành hành vi tình dục an toàn, tiêm chích an toàn để tránh lây nhiễm HIV hoặc các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục; tránh tiếp xúc với những người mắc bệnh truyền nhiễm như lao, cúm... Về chế độ dinh dưỡng, lượng thức ăn cần tăng ít nhất 1/4, tăng số bữa ăn hàng ngày; tăng chất để bảo đảm sự phát triển của mẹ và con (gồm: thịt, cá, tôm, sửa, trứng, đậu, lạc, vừng, dầu ăn, rau, quả tươi...); không nên ăn quá mặn, thay đổi món ăn để ăn ngon miệng; không nên hút thuốt lá, uống rượu; không nên uống thuốc nếu không có chỉ định của thầy thuốc; tránh táo bón bằng chế độ ăn hợp lý, không dùng thuốc xổ. Về chế độ làm việc khi mang thai, cần có chế độ nghỉ ngơi hợp lý.
Giống như những phụ nữ mang thai nói chung, những phụ nữ mang thai nhiễm HIV cần được khám thai, quản lý thai nghén chặt chẽ tại một cơ sở y tế. Việc khám và quản lý thai nghén sẽ giúp phụ nữ mang thai nhiễm HIV được tiếp cận và nhận được các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Có như thế, những đứa trẻ sinh ra từ những bà mẹ bị nhiễm mới có thể không bị lây truyền HIV từ chính mẹ mình.
6 tháng đầu năm 2012, trung tâm đã thực hiện tư vấn xét nghiệm cho gần 7.000 thai phụ đến khám thai và sinh con. Tỷ lệ thai phụ chấp nhận thực hiện xét nghiệm tự nguyện sau khi tư vấn đạt 31%. Qua xét nghiệm, có 4 thai phụ được phát hiện nhiễm HIV và đã được trung tâm chuyển tiếp đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh để nhận dịch vụ điều trị trọn gói.
HỒNG THUẬN