Ký ức ngày bảy tháng giêng

Cập nhật: 07-01-2012 | 00:00:00

Bảo vệ biên giới

Trước ngày 17-4-1975 quân tình nguyện Việt Nam chưa rút về nước, lực lượng vũ trang, Đặc khu  505 Kratié và lực lượng vũ trang Quân khu Đông Bắc Campuchia được sự giúp đỡ và vẫn kề vai sát cánh chiến đấu chống Mỹ. Đó là quan hệ thân hữu, tin cậy nương tựa lẫn nhau để chiến đấu giành chiến thắng. Điều đó còn mới tinh khôi, tình nghĩa bạn bè còn nguyên trong ký ức. Nay cũng chính lực lượng đó dưới sự điều khiển của tập đoàn phản bội do Ponpot Ieng Xari, Khieu Xam Phon cầm đầu theo lời kích động của quan thầy đầy thâm hiểm đã quay súng bắn vào người bạn chiến đấu là ân nhân của h

Ông Hun Xen (tháng 1-1989) và 4 chiến sĩ đi cùng: Nhek Huon, Nuck Than, San Sanh và Paor Ean

Ponpot đã gây chiến tranh, đã đánh sang nhiều làng mạc dọc biên giới Tây Nam đất nước ta. Lực lượng Đặc khu 505 Kratié và Quân khu Đông Bắc Campuchia đã liên tiếp mở những mũi hoạt động, sang vùng biên giới tỉnh Sông Bé trước đây, tạo bàn đạp để tiến công xâm chiếm lãnh thổ Việt Nam. Ponpot đã gây chiến tranh. Bộ đội của ta phải đánh trả, đưa chiến tranh sang Snoul, Mimốt, Cà Chay rồi lui quân về phòng thủ biên giới. Chưa thấm đòn, bọn Ponpot còn hung hăng kéo trở lại Snoul, xây dựng các cao điểm phía nam huyện Snoul thành pháo đài, dùng đại bác nòng dài bắn phá các xã vùng biên giới Lộc Ninh. Rồi chúng tấn công đồn Hoa Lư, Hoàng Diệu. Theo quốc lộ 13 chúng luồn qua biên giới vào làng 7, làng 9 thuộc xã Lộc Tấn, uy hiếp đoạn đường từ Cầu Trắng đến ngã ba Công Chánh, thọc sâu gây thảm họa ở Thiện Hưng, Hưng Phước, gây đau thương tang tóc cho nhân dân Sông Bé nói riêng và nhân dân biên giới phía Tây Nam nói chung.

Trước những hành động táo tợn, tàn bạo, dã man của bọn Ponpot, để bảo vệ cuộc sống yên lành của nhân dân, bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ chủ quyền của đất nước các lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn Sông Bé đã phối hợp đánh đuổi bọn chúng ra khỏi biên giời để nhân dân các huyện trong tỉnh Sông Bé chung tay xây dựng vững chắc tuyến phòng thủ biên giới 240km có khả năng ngăn chặn và tự động tiêu diệt kẻ thù nếu chúng liều lĩnh vượt qua tuyến biên giới này để quấy rối.

Nhìn qua bên kia biên giới lúc nhân dân Sông Bé chịu đựng và vượt mọi khó khăn để xây dựng tuyến phòng thủ cũng là lúc nhân dân Kratié, Campuchia đã quá sức chịu đựng chế độ cai trị của Ponpot. Một chế độ mà dân thành thị kể cả thủ đô PhnomPenh bị đuổi khỏi nhà, ra đi trong tất tưởi về khắp các vùng nông thôn. Dân vùng nông thôn bị đuổi khỏi làng mạc quê hương, vợ bị lùa một nơi, chồng bị xua đi một nẻo, con cái bị xáo trộn trong dân cư từ tỉnh này sang tỉnh khác. Nhà cầm quyền ép sự hỗn loạn đó vào  các công xã, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, sống tập trung trong các lán trại; phân chia theo giới, theo tổ, theo đội người mang số làm tên, không anh em bà con thân thiết, không thờ cúng, không niệm Phật, không mua bán, tiền hàng, không bệnh viện, không thuốc men chữa bệnh, không trường học, không sách vở, không hôn nhân, bắt dân lao động chân tay phá rừng làm rẫy, đào mương thủy lợi, đào hố chôn người theo chế độ khoán sản phẩm quá khả năng, làm không đạt phải bị phạt giảm tiêu chuẩn ăn nhưng cho ăn theo tiêu chuẩn cháo thay cơm không đủ no. Hành xử của Ang Ka là đánh và giết. Chúng giết người bằng búa, đai cuốc đập vào đầu, vào gáy. Nhiều nơi chúng làm trò chơi, trói tay, dùng túi ni lông trùm lên đầu, buộc cổ cho thở hết không khí trong bịch phải giãy giụa đến chết. Hoảng hốt, thắc thỏm, sơ sệt thành thói quen, Ang Ka bảo làm là làm. Chúng tàn bạo, dã man không sao kể hết những hành vi giết người, chúng lấy việc giết người làm cách cai trị dân chúng.

Không thể chịu được với kẻ cầm quyền tàn bạo dã man ấy, nỗi đau đớn, tủi nhục, đói khổ tột cùng đã tạo cho con người trở nên kiên quyết. Khi không còn sợ chết tức là lúc không chịu chết vô nghĩa. Từ sự sống có ý nghĩa của bản thân mỗi người đến sự tồn vong của đất nước là bước phát triển tất yếu. Họ chống đối bằng con đường tìm cách thoát khỏi cái chết trắng, trốn Ang Ka tìm cách sống để đem lại quyền sống. Họ tìm đường thoát vào rừng, tìm cách chạy sang Việt Nam. Nhân dân tỉnh Kratié và huyện Mimốt Kmopong Chàm phần lớn chạy sang Sông Bé.

Ngày 21-6-1977 ông Hun Sen cùng 4 chiến sĩ Nhek Huon, Nuck Than, San Sanh và Paor Ean ly khai quân đội Ponpot. Vượt biên giới sang Lộc Ninh, được nhân dân Lộc Ninh đưa đến cơ quan có trách nhiệm. Cho dù được ưu đãi khi biết là người ly khai Ponpot, nhưng đồng chí Hun Sen vẫn phải 22 ngày ở Lộc Ninh và 3 tháng ở Sông Bé là tù binh chiến tranh, sau đó mới được làm người tỵ nạn chính trị.

Mục đích của Hun Sen không phải để tỵ nạn chính trị. Ông luôn luôn đề nghị với Việt Nam giúp đỡ để giải phóng nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ Ponpot nhưng Việt Nam từ chối ủng hộ quân sự, cho rằng làm như thế là can thiệp vào nội bộ nước Campuchia dân chủ. Thế nhưng Ponpot ngày càng táo tợn tấn công quyết liệt hơn vào biên giới Việt Nam, tiến quân vào Tây Ninh và những làng mạc biên giới. Các sự kiện chính trị nhanh chóng diễn ra theo chiều hướng có lợi cho Hun Sen. Ông nói: “Đó là một cơ hội bằng vàng cho tôi. Đến khi ấy Việt Nam đã quyết định giúp Campuchia. Đó là cơ hội cho chúng tôi tuyển mộ các lực lượng vũ trang cho mình từ những người lánh nạn Campuchia chạy sang Việt Nam. Chính bản thân tôi không thuyết phục được Việt Nam. Nhưng khi Ponpot tấn công thì Việt Nam phải trả đũa. Họ cảm thấy bị xúc phạm và đã quyết định giúp chúng tôi”. Khi lãnh đạo có chủ trương, nhân dân Sông Bé cũng như nhân dân Việt Nam đều hưởng ứng. Nhân dân Sông Bé đã vững vàng bảo vệ biên cương đồng thời đã thắt lưng buộc bụng, nhịn ăn, nhịn mặc để giúp bạn Kratié đã chịu nhiều đau khổ thoát ra khỏi thảm hoa Ponpot diệt chủng. Cơ hội giải phóng dân tộc của Hun Sen đã đến.

Mừng đại thắng

Nhiều đoàn xe từ Việt Nam đã qua Đồn biên phòng Hoa Lư. Khi mặt trời lên là đoàn xe của Ủy ban Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia từ Lộc Ninh - nơi tạm trú trở về Tổ quốc làm lễ ra mắt nhân dân nước mình... Nhìn những đoàn xe đi qua tự nhiên trong tình cảm chúng tôi thấy rộn ràng, nao nao, tự hào trên đường giúp bạn. Lúc đó con đường giúp bạn đã trải dài gần cả 2 năm, cho đến bây giờ hơn 1/3 thế kỷ chúng tôi vẫn nhớ không thể nào quên nhiều tình huống đón dân bạn trốn thoát Ang Ka bước qua biên giới. Nhiều mẹ Campuchia mới qua khỏi biên giới đã ngồi bệt xuống đất khóc nức nở, thổn thức, nhiều chị quỳ van lạy rất bất ngờ không kịp đỡ tay, phải dìu đứng dậy, các chị nói trong nghẹn ngào trào nước mắt xin chúng tôi cứu giúp bà con ra khỏi thảm họa người chết chưa từng có đang xảy ra ở quê nhà. Chúng tôi không biết nói gì hơn vì thực tế, chúng tôi đang và sẽ giúp bạn tận tình.

 Nay bạn lớn mạnh trở về Tổ quốc để tổ chức cuộc chiến đấu chống kẻ thù Ponpot, giải phóng nhân dân ra khỏi thảm họa diệt chủng cực kỳ đau đớn, đáp ứng những lời thống thiết của người dân đang trong cảnh quằn quại đau thương, chúng tôi mừng vui, khó tả.

Lên xe từ biên giới, chúng tôi tháp tùng và đi sau cùng những đoàn xe của bạn và cũng đến sân lễ sau cùng. Sân lễ, một khung cảnh hoành tráng, rực rỡ cờ hoa, biểu ngữ. Hệ thống âm thanh, ánh sáng phục vụ buổi lễ được bố trí chu đáo. Ngọn cờ đỏ, năm ngọn tháp ở giữa tượng trưng cho đất nước văn minh tồn tại ngàn đời cùng với những hàng chữ Campuchia làm tựa đề cho buổi lễ được gắn lên phông lễ đài trang nghiêm và đầy ý nghĩa đời đời ghi nhớ.

Chưa đến giờ làm lễ nhưng một không khí tưng bừng lễ hội tươi vui như niềm vui sẽ đến tràn ngập trong ngày tất thắng. Tiếng trống cùng với những tiếng nhạc ngũ âm trong veo ngân vang giữa đại ngàn làng Chơng Khơ Lou, xã Pi Thơ Nou O, huyện Snoul đi vào lịch sử.

Nhạc dừng, tiếng vỗ tay như sấm dậy, cả sân lễ đứng lên chào mừng 14 vị Ủy ban Trung ương Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia bước ra lễ đài. Sân lễ là cả ngàn đại biểu. Họ đại diện cho nhân dân cả nước Campuchia. Họ là những cán bộ trung kiên, những đảng viên chân chính, ngoan cường, những người con hiếu thảo, trung hậu của quê hương đất nước đã đứng lên chống lệnh Ang Ka thoát khỏi bàn tay đẫm máu của Ang Ka Ponpot. Họ đại diện cho ý chí căm thù và quật khởi, sẵn sàng hy sinh để giành lại quyền sống, quyền làm người, thà chết vinh hơn sống nhục. Đó là lực lượng tiêu biểu cho sức mạnh mang thù nhà nợ nước sẽ là cốt cán thúc đẩy, đưa phong trào nổi dậy của quần chúng xông lên quyết định bước thắng lợi trên đường tiêu diệt bọn phản dân hại nước.

Đúng 8 giờ 30 phút ngày 2-12-1978 buổi lễ ra mắt Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia được cử hành. Tất cả sân lễ, hàng ngũ chỉnh tề, vỗ tay chào mừng từng vị trong Ủy ban Trung ương Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia ra mắt Quốc dân và Quốc tế. Mặt trận đoàn kết này do ông Hêng Xom Rin làm chủ tịch. Ông Chia Xim làm phó chủ tịch, ông RuaxaMay làm tổng thư ký cùng 11 ủy viên. Sân lễ an tọa, ông Hêng Xom Rin công bố cương lĩnh và lời kêu gọi toàn dân đoàn kết nổi dậy đánh đổ tập đoàn phản động Ponpot. 11 điểm của cương lĩnh hành động và lời kêu gọi của Mặt trận là lòng dân Campuchia và bạn bè quốc tế.

Vào thời điểm này, lực lượng vũ trang, lương thực, vũ khí, hợp đồng tác chiến để tấn công Ponpot, thực hiện lời kêu gọi của Mặt trận đã chuẩn bị sẵn sàng. Hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận 2-12 và sự thống nhất chương trình hành động của Bộ chỉ huy thống nhất, quân và dân Sông Bé đã sẵn sàng lên đường giúp bạn.

Chúng tôi những người phục vụ vòng ngoài, không được theo đoàn quân chiến đấu giúp bạn chiến thắng. Tuy nhiên chúng tôi liên tục nhận được thông tin. Ngày 25-12-1978 cuộc tổng tấn công tiêu diệt chế độ Ponpot được phát động. Các đoàn quân, các mặt trận đều nổ súng, tiến quân thần tốc, vũ bão. Tất cả các lực lượng của Ponpot đều hoảng loạn và tháo chạy vào rừng. Mũi tiến công phía đông bắc chỉ để lại một bộ phận bảo vệ vùng giải phóng. Còn đại quân từ căn cứ đứng chân tiến lên. Từ đó tỏa quân, một cánh theo quốc lộ 13 tiến lên phía bắc, một cánh theo dòng sông Tê ra Vàm Dương đánh lên thị xã, một cánh bao vây phía tây bắc thị xã. Chiều ngày 30-12-1978 giải phóng thị xã Kratié. Ngày 31-12-1978 theo hợp đồng một cánh quân Đông Bắc vượt sông Mê Kông đi giải phóng các tỉnh bạn và ngày 7-1-1979 tập trung về giải phóng PhnomPenh. Các đơn vị tỉnh Sông Bé của cánh quân Đông Bắc tiếp tục phát triển trên địa bàn tỉnh Kratié, giải phóng các huyện và giải phóng toàn tỉnh Kratié. Cuộc tiến quân thần tốc thật sự là một cơn lốc cuốn băng bè lũ Ponpot, giải phóng nhân dân Campuchia ra khỏi thảm họa diệt chủng như mong ước trước ngày xuất trận.

Bọn Ang Ka quyền sinh quyền sát nhân dân đã run rẩy hốt hoảng, nhớn nhác, kinh hãi, một số chạy theo bọn tàn quân của Sư đoàn 260 vào rừng, một số cải trang làm thường dân, đổi địa bàn, sống lẫn trong dân nhờ dân để sống. Nghe tiếng súng và thấy bọn AngKa hoảng loạn bỏ cả vồ, đai cuốc sát hại người chạy thục mạng, nhân dân các trại biết mình thoát chết, biết mình đã được giải phóng. Một số còn chút ít sức lực đã tranh thủ phá kho lấy một ít gạo muối và xe bò tìm đường trở về quê cũ. Một số người kiệt sức phải nằm lại ở lán trại chờ chết. Nhưng dù sao họ vẫn còn chút hy vọng thoát khỏi cảnh bị đập đầu vùi hố, cầu trời khấn phật cứu sống. Trong cảnh đó quân tình nguyện Việt Nam đã đến với họ cứu đau, cứu đói, cứu thân phận ngặt nghèo. Các đội vận tải quân sự đã được điều động và tổ chức đưa hơn 30.000 người kiệt sức ở rải rác các công xã, hợp tác xã trên địa bàn Kratié trở về quê cũ theo yêu cầu của họ.

Kẻ địch bị đánh tơi tả, chạy tán loạn vào rừng, chưa hoàn hồn, chưa tụ tập lại được, tiếng súng đã lặng yên, người dân bị Ponpot đuổi ra khỏi nhà, đi lao động những nơi xa mới lẻ tẻ lưa thưa trở về nhà cũ.

Cảnh điêu tàn vẫn còn trải mênh mông nhưng những gợn mây trắng hồng đã thay cho nền trời u ám. Lịch sử đã sang trang mừng đại thắng.

NGUYỄN HUỲNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên