Luật tài nguyên nước năm 2012: Nhiều điểm mới

Cập nhật: 19-09-2013 | 00:00:00

Luật Tài nguyên nước (TNN) năm 2012 đã quy định chi tiết, đầy đủ, toàn diện một số nội dung quan trọng của quản lý TNN mà Luật TNN năm 1998 chưa bao quát như: vấn đề quy hoạch TNN; quản lý lưu vực sông; điều hòa, phân bổ, chia sẻ nguồn nước một cách hợp lý, cân bằng lợi ích kinh tế - xã hội - môi trường; tiết kiệm TNN; duy trì dòng chảy và bảo vệ sinh thái thủy sinh; mối quan hệ giữa nước mặt và nước dưới đất; vai trò của các hộ sử dụng nước, vai trò của cộng đồng trong quản lý TNN; xã hội hóa các dịch vụ về nước; các công cụ quản lý kinh tế về nước thông qua thuế, phí và các nghĩa vụ tài chính của người được hưởng lợi, người gây suy thoái, ô nhiễm, cạn kiệt TNN.

Cùng với cả nước, Bình Dương đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhu cầu sử dụng nước phục vụ phát triển kinh tế, phục vụ dân sinh ngày càng lớn trong khi nguồn nước có hạn, đặt ra yêu cầu mới về chia sẻ nguồn nước. Sự chuyển dịch cơ cầu kinh tế đòi hỏi phải chuyển dịch cơ cấu sử dụng nước phù hợp. Ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước diễn ra phổ biến đang là thách thức lớn trong công tác bảo vệ TNN. Mặt khác, biến đổi khí hậu cũng đang gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đến TNN. Trước tình hình này, Bình Dương luôn tăng cường công tác quản lý TNN và việc quan trọng trước tiên là hoàn thiện, thi hành nghiêm hệ thống văn bản pháp luật về TNN.

Luật TNN năm 2012 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2013. Tuy nhiên đến nay chưa có nghị định hướng dẫn thi hành, do đó một số nội dung quan trọng của luật chưa được triển khai theo luật mới mà vẫn phải thực hiện theo luật năm 1998 như: vấn đề lấy ý kiến cộng đồng đối với những dự án trong đó có xây dựng công trình khai thác, sử dụng TNN, hoặc có hoạt động xả nước thải vào nguồn nước có ảnh hưởng lớn đến sản xuất, đời sống của nhân dân trên địa bàn (Điều 6); vấn đề thu tiền cấp quyền khai thác TNN (Điều 65). Ngoài ra một số quy định về việc cấp phép như các quy mô không phải xin cấp phép khai thác, sử dụng TNN, xả nước thải vào nguồn nước phải chờ nghị định hướng dẫn thi hành, do đó dẫn đến việc triển khai thực hiện các nội dung mới theo luật còn chậm, công tác quản lý chưa được triển khai đồng bộ và đạt hiệu quả cao.

THÚY HỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=606
Quay lên trên