TP.HCM chịu ảnh hưởng nặng nề từ Biến đổi khí hậu

Cập nhật: 18-09-2013 | 00:00:00

 Được cảnh báo là một trong những thành khố sẽ chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất của BĐKH, TP.HCM đang nỗ lực triển khai các phương án thích ứng đồng bộ. Một trong những biểu hiện rõ nét là tác động của BĐKH đang ảnh hưởng đến tài nguyền nước tại TP.HCM.

Những thách thức lớn

Tại hội nghị thủy lợi gần đây đã nêu lên nhiều hiện tượng cảnh báo môi trường từ tác động của biến đổi khí hậu rất đáng quan ngại đối với TPHCM cũng như toàn bộ vùng đồng bằng. Các khu vực nông nghiệp ngoại thành và các tỉnh lân cận do nằm trong vùng thấp nên chịu ảnh hưởng bởi hệ thống nước sông khi triều cường và mưa lớn với diện tích khoảng 2.340km² với trên 5,5 triệu người cùng việc xả lũ của các hồ chứa nước trên sông Đồng Nai, sông Sài Gòn… đã làm vỡ đê bao, tạo nên ngập úng sâu và kéo dài gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp và đời sống dân cư. Những cơn mưa lớn trên 100mm xuất hiện nhiều hơn, kết hợp triều cường các điểm ngập lụt tại các khu vực, đường phố và trở nên phổ biến hơn và có thể nhiều hơn. Mưa lớn kết hợp triều cường và xả lũ ngày càng trở thành một hiện tượng phổ biến.

 

 Theo tính toán, đến 2070 sẽ có một số diện tích bị chìm vĩnh viễn trong nước biển.

Như vậy, biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng bất lợi đến TPHCM trong những thập kỷ tới. Lượng mưa được dự báo sẽ giảm trong mùa khô và tăng trong mùa mưa. Nhiệt độ trung bình được dự báo sẽ tăng là 10C cho đến năm 2050 và 2,60C cho đến năm 2100. Mực nước biển dự kiến sẽ tăng 30cm cho đến năm 2050 và tiếp tục tăng trong khoảng 65 - 100cm vào năm 2100 so với mực nước biển trung bình trong giai đoạn 1980 - 1999. Như vậy, TPHCM sẽ chịu ảnh hưởng hỗn hợp các yếu tố: tăng nhiệt độ dẫn đến nhiệt độ cao hơn trong thành phố; suy giảm chất lượng không khí và nguồn nước; mực nước biển dâng lên dẫn đến nguy cơ ngập lụt và nhiễm mặn tăng lên, kết hợp với triều cường sẽ tạo ra các đỉnh lũ cao hơn; tăng lượng mưa trong mùa mưa sẽ tạo ngập úng nhiều hơn và hệ quả thay đổi dòng chảy của hệ thống sông ngòi dẫn đến sự gia tăng các sự cố vỡ đê bao, gia tăng tần suất ngập lụt. Một ảnh hưởng kép nữa nếu công tác quản lý bảo vệ môi trường sống không được quan tâm đầy đủ.

Sự phát triển nhanh chóng của TPHCM (GDP trung bình 8% - 9% năm) sẽ tạo áp lực đối với việc cải thiện nâng cao điều kiện môi trường sống cho người dân. Tăng trưởng nhanh tạo áp lực cho khoảng không gian xanh trong TP, giao thông với đặc trưng các phương tiện giao thông cá nhân gia tăng nhanh chóng dẫn đến thường xuyên kẹt đường và ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng. Nhiều ngành công nghiệp chậm đổi mới công nghệ và thiết bị hiện đại, quản lý ô nhiễm môi trường của chủ nguồn thải công nghiệp còn yếu kém, nước thải, khói bụi chưa được xử lý. Nước ngầm bị khai thác, sử dụng có phép và trái phép (cả trong sinh hoạt và sản xuất) dẫn đến hiện tượng lún sụt ở nhiều khu vực. Thay đổi dòng chảy và bồi lắng dịch chuyển nên việc xây dựng bến cảng và nạo vét các dòng sông ngày càng tốn kém. Việc ngập lụt sẽ gây khó khăn và tốn kém nhiều hơn cho việc phát triển TP sang các đô thị vệ tinh mới. Một thách thức nữa là nhận thức của mọi người về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu diễn biến một cách từ từ chậm rãi nên khó thấy ngay nguy cơ trước mắt. Thêm nữa, tốc độ và độ lớn của biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế xã hội của thành phố khó dự đoán một cách chính xác.

 TP HCM sẽ thiệt hại 1,9 tỷ USD vì lũ lụt

Một nghiên cứu của chuyên gia kinh tế Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy 136 thành phố biển lớn nhất thế giới sẽ thiệt hại tới 1.000 tỉ USD mỗi năm vì lũ lụt vào năm 2050, trong đó TP.HCM của Việt Nam sẽ thiệt hại 1,9 tỉ USD

 Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature Climate Change, mức độ thiệt hại hiện tại của riêng bốn thành phố là Miami, New York, New Orleans (Mỹ) và Quảng Châu (Trung Quốc) đã là 6 tỉ USD/năm. Con số này bằng 43% tổng thiệt hại của các thành phố biển trên thế giới do lũ lụt.

Nhà kinh tế WB Stephane Hallegatte và các đồng nghiệp là đồng tác giả công trình nghiên cứu đã so sánh tỉ lệ thiệt hại với tăng trưởng dân số thành phố, khả năng phòng vệ trước lũ lụt, mức độ nước biển tăng... Nhóm chuyên gia xác định nếu các thành phố biển tăng cường các biện pháp chống lũ thì tổng thiệt hại có thể tăng lên 52 tỉ USD/năm vào năm 2050.

Tuy nhiên do tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu, con số thiệt hại có thể tăng lên 60-63 tỉ USD/năm. “Nhưng nếu không có các biện pháp thích nghi và chống lũ lụt, tổng thiệt hại của các thành phố biển sẽ lên tới mức khổng lồ 1.000 tỉ USD/năm” - nhà kinh tế Hallegatte cảnh báo.

Nghiên cứu cho thấy kể cả khi tăng cường các biện pháp phòng chống lũ lụt, thiệt hại vẫn sẽ gia tăng. “Dân số tăng sẽ khiến ngày càng nhiều người phụ thuộc vào các đê cao chống lũ. Do đó, khi đê bị vỡ sẽ có rất nhiều người bị ảnh hưởng và thảm họa có thể xảy ra” - chuyên gia Hallegatte cho biết.

Ước tính dù có hệ thống đê điều hiện đại, đến năm 2050 Quảng Châu vẫn sẽ thiệt hại 13,2 tỉ USD/năm vì lũ, Thâm Quyến 3,1 tỉ USD, Mumbai 6,4 tỉ USD, Kolkata 34 tỉ USD, Guayaquil 3,2 tỉ USD... Nhóm nghiên cứu cho biết TP.HCM của Việt Nam sẽ thiệt hại 1,9 tỉ USD.

Nhà kinh tế Hallegatte cho biết 136 thành phố ven biển trên thế giới cần phải chi 50 tỉ USD/năm để cải thiện hệ thống đê điều chống lũ. Con số này rất lớn nhưng vẫn nhỏ hơn nhiều so với con số tổng thiệt hại.

  Sự dâng cao mực nước biển với mức 3 cm/năm và cao hơn nữa đang được ghi nhận ở các trạm quan trắc trên thế giới và trạm Hòn Dấu của nước ta. Tại Việt Nam, theo kịch bản BĐKH của Bộ TNMT, kết quả tính cho cả 3 kịch bản thấp, trung bình và cao cho biết vào năm 2050 và 2100 mực nước biển sẽ tăng khoảng 28-33 cm và 65-100 cm tương ứng.

Nước biển dâng dẫn đến xâm nhập mặn và đẩy ranh mặn lên cao hơn về phía thương nguồn là một trong những tác động của BĐKH dễ thấy nhất. Ngay mùa khô 2010, trên sông Sài Gòn, mặn đã xâm nhập sâu hơn vào đất liền so với những năm trước, khiến hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh) phải xả nước đẩy mặn để bảo vệ nguồn nước ngọt cho nhà máy nước Tân Hiệp (Củ Chi).

Dự báo lượng mưa mùa khô sẽ giảm do mùa khô kéo dài trong khi lượng mưa mùa mưa sẽ tăng (xem Bảng 4 & 5). Theo những số liệu đo đạc của Đài Khí tượng Thủy văn Nam bộ, bắt đầu từ năm 2007 đến nay, lượng mưa tại TPHCM đã tăng đến khoảng 20% so với những năm trước, với những trận mưa kỷ lục lên tới 140mm. Nghiên cứu cho biết tại thành phố Hồ Chí Minh, khoảng 26% dân số bị ảnh hưởng bởi mưa lớn, con số này đến năm 2050 có thể vượt qua 60% (ADB, 2010).

Theo Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ, từ năm 2006 trở lại đây, mực nước triều đo được tại trạm Hóa An của huyện Nhà Bè “năm sau luôn cao hơn năm trước”. Trước năm 1999, đỉnh triều cao nhất trên sông Sài Gòn là 1,36m, năm 2007 là 1,49m, đến 2008 mức đỉnh triều lên tới 1,54m và đến năm 2010 đỉnh triều tại TPHCM đã đạt đến mức kỷ lục 1,58m.

WWF (2009) cho rằng, xâm nhập mặn sẽ khiến mặn hóa các nguồn nước mặt và nước ngầm, gây nguy hại đến hệ thống cấp nước và hàng triệu cư dân TP.HCM. Rõ ràng sự xâm nhập mặn và hạn hán khắc nghiệt kéo dài vào mùa khô sẽ đặt hoạt động cấp nước của Thành phố vào thế khó.

Thời cơ

Dựa trên tiềm năng phát triển quan trọng có liên quan đến biến đổi khí hậu, sự phát triển nhanh chóng của TP là một cơ hội để thích nghi với biến đổi khí hậu do các biện pháp có thể được lồng ghép vào các dự án và kế hoạch phát triển dự kiến. Xây dựng bản đồ ngập úng với các tổ hợp mưa lớn + triều cường + xả lũ từ các hồ chứa nước cho thành phố và vùng đồng bằng. Hoàn thiện các quy hoạch ngành và quy hoạch tổng thể của thành phố với các kịch bản lồng ghép của biến đổi khí hậu trong đó chú trọng đến định hướng không gian phát triển đô thị của thành phố về phía Tây Bắc và phía Đông thành phố.

Xây dựng chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu và chương trình hành động hướng tới một TPHCM thích ứng với khí hậu trong tương lai với mục tiêu một TP phát triển xanh - sạch - đẹp và bền vững, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện chiến lược bảo vệ môi trường như một điều kiện cần, một chốt hãm với quá trình biến đổi khí hậu. Kết nối với các địa phương trong vùng trên cùng hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai để phối hợp hành động với hiệu quả cao nhất. Đẩy mạnh Hợp tác quốc tế đặc biệt đối với các thành phố, khu vực trên thế giới có nhiều kinh nghiệm ứng phó và khả năng thích ứng cao với biến đổi khí hậu như Rotterdam (Hà Lan). Nâng cao năng lực và nâng cao nhận thức cộng đồng của người dân, đưa kiến thức thông qua hoạt động ngoại khóa, môn học trong các trường học từ phổ thông tới giáo dục đại học.

Thách thức và thời cơ để thích ứng với biến đổi khí hậu là nỗ lực chung của mọi ngành, cơ quan, tổ chức và mọi cá nhân có liên quan để từ bị động bước sang chủ động và đảm bảo được mục tiêu phát triển của TP trên mọi mặt kinh tế - xã hội.

(Theo TTO)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=536
Quay lên trên